Sáng 21-11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch.

 

 

 

       Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

Qua thảo luận, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian qua, bảo đảm tính pháp lý cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, bám sát nhu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, một số ý kiến nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng dự án Luật này cần đáp ứng yêu cầu: Tạo sự thống nhất của hệ thống quy hoạch từ Trung ương đến địa phương, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động quy hoạch đang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, việc ban hành Luật quy hoạch sẽ là công cụ giúp quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương.

 

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, do chưa có quy hoạch đúng nghĩa nên dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Tính đến hết năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã lập hơn 12.800 quy hoạch mà không có sự tích hợp, thống nhất, bổ sung cho nhau nên đã dẫn đến tình trạng “lạm phát” quy hoạch; trong khi đó, người dân ở nhiều nơi vẫn phải sống trong quy hoạch “treo”. Do đó, cần ban hành Luật để tạo hành lang pháp lý thống nhất về quy hoạch chung trên cả nước, ban hành quy chuẩn chung cho công tác quy hoạch cho tương lai.

Mở đầu phiên thảo luận, nhấn mạnh đến sự cần thiết lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công tác tư vấn lập quy hoạch, song đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng quy định về quản lý nhà nước trong dự thảo luật còn chung chung, tính khả thi không cao. 

Về vấn đề công khai thông tin quy hoạch, đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị bổ sung thêm quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai, rộng rãi để nhân dân được biết, tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp. Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, khả thi của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi phá vỡ quy hoạch như thời gian qua. Đồng thời, cần bổ sung nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch về phát triển giữa các vùng và các địa phương. Do đó, đại biểu cho rằng cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành; đồng thời, tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh; bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch.

 

Còn đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) nhấn mạnh: Các quy định liên quan đến quy hoạch, nhất là căn cứ quy hoạch, nội dung quy hoạch cần được thể hiện rõ ràng trong Luật. Trong đó, thể hiện rõ quan điểm quy hoạch không dừng lại ở việc chỉ sử dụng đất đai, tài nguyên mà cần tính toán và sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, tài lực khác. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa truyền thống, đặc điểm dân cư phải được phân tích, cân nhắc kỹ khi lập quy hoạch. 

Đại biểu TP Hà Nội  cũng đề nghị Ban soạn thảo cần thể hiện rõ hơn phương án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch theo hướng tích hợp liên ngành để đạt được nhiều hơn các quy định đề ra và nguyên tắc cải cách hệ thống quy hoạch. “Nếu không làm tốt việc này dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, bất hợp tác, mạnh ai nấy làm trong quá trình các địa phương thực hiện quy hoạch vùng”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) tán thành với quan điểm, việc quy hoạch cần lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ quy hoạch cấp trên.

Chung quan điểm này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phân tích: Quy định quy hoạch được tạo lập theo thứ tự từ trên xuống dưới nếu được thực hiện sẽ tạo thành sự thống nhất trong quy hoạch, tránh sự chồng chéo, lãng phí trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá, tạo cho đất nước một bộ mặt khang trang, đồng bộ. Để làm được điều này, cần bảo đảm nguyên tắc quy hoạch cấp trên phải có trước quy hoạch cấp dưới. Đặc biệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch gốc phải được làm trước, có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của Chính phủ với tư cách là cơ quan quản trị quốc gia đối với tương lai phát triển của đất nước, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

 

 Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phát biểu thảo luận. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Đại biểu tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Cần mạnh dạn quy định một cách dứt khoát rằng khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thì chưa được lập quy hoạch ngành, vùng, địa phương và ngược lại, muốn điều chỉnh quy hoạch ngành, vùng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính nghiêm minh trong quản lý quy hoạch, vừa tránh tình trạng quy hoạch tổng thể quốc gia ''chạy'' theo quy hoạch ngành, vùng, địa phương như đã diễn ra từ lâu khi các tỉnh đua nhau xây dựng khu công nghiệp trước khi có quy hoạch, làm quy hoạch khu sinh thái, nghỉ dưỡng trên biển trước khi có quy hoạch tổng thể các khu sinh thái, nghỉ dưỡng...

Về thời kỳ quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, quy định “cứng” thời kỳ quy hoạch đặt ra là 10 năm, định hướng 20 năm, kết cấu hạ tầng từ 20 đến 30 năm như trong dự thảo luật chưa hợp lý. Đại biểu phân tích, trong quá trình quy hoạch, nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực do tính bền vững, lâu dài như quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển đô thị... không thể điều chỉnh trong vòng 10 năm mà cần có định hướng lâu dài. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét một số ngành, lĩnh vực đặc thù có thời gian quy định dài hơn, chỉ có như thế mới bảo đảm sự phát triển bền vững của quy hoạch.

Đồng tình với 8 điều cấm như trong dự thảo luật song đại biểu tỉnh Sóc Trăng lại bày tỏ băn khoăn khi các tổ chức, cá nhân vi phạm các điều cấm thì việc xử lý nghiêm minh sẽ được thực hiện ra sao. Đại biểu giải thích hiện nay có nhiều quy định nhưng khi thực hiện lại bị “rối”. Do đó, đại biểu đề nghị bên cạnh các điều cấm thì luật cũng cần quy định rõ ràng cách xử lý nhằm bảo đảm tính răn đe các tổ chức, cá nhân để không vi phạm điều cấm.

                                                                                      Theo QĐND

Các tin khác


Đảng bộ thị trấn Đà Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Những tiếng nói tâm huyết của cán bộ, nhân dân Hòa Bình hướng về ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục