(HBĐT) - Trên thực tế, những khó khăn của đồng bào chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà, nhiều lần đã được đưa lên diễn đàn Quốc hội; được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm. Trong đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Cuộc sống của đồng bào có bước khởi sắc. Tuy nhiên, do còn một số vấn đề hạn chế nên nhìn chung cuộc sống của đồng bào chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà vẫn còn gặp nhiều khó khăn...


Ông Xa Văn Mão (phải) ở xóm Doi, xã Hiền Lương - nguyên Trưởng Ban chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà, huyện Đà Bắc kể về thời kỳ gian khổ đi vận động, giúp dân chuyển cư.

 

3 lần chuyển nhà bằng 1 lần... cháy nhà

Trụ sở UBND xã Tiền Phong (Đà Bắc) thuộc địa bàn xóm Túp, nằm sát mép nước lòng hồ Hoà Bình. Thời gian qua, do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (TĐHB) đóng cửa xả lũ, tích nước phát điện nên trụ sở UBND xã chỉ còn cách mép nước khoảng hơn 1m.

Cùng chúng tôi đi về phía lòng hồ, đồng chí Hà Văn Kính, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tiền Phong cho biết: Đây là vùng trung tâm chuyển dân của huyện Đà Bắc để phục vụ xây dựng công trình Nhà máy TĐHB. ở xóm Túp này hầu hết là người dân thuộc xã Hào Tráng xưa. Sau khi chuyển dân không còn xã Hào Tráng nữa. Các hộ dân của xã một phần chuyển vén tại chỗ thì nhập về xã Tiền Phong. Một phần chuyển về khu vực xã Tu Lý để thành lập xã mới lấy tên là Hào Lý. Phần còn lại, người dân chuyển cư theo diện đi xây dựng kinh tế mới tại các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên và miền Nam. Trước khi chưa chuyển dân, các xã vùng ven sông Đà rất trù phú, đất đai màu mỡ, có nhiều bưa bãi bằng, thuận lợi cho sản xuất. Do gần trung tâm huyện lỵ nên đường giao thông cũng thuận tiện. Tuy nhiên, khi nước dâng đã ngập hết tất cả. ở vị trí trụ sở UBND xã Tiền Phong này chính là cos 120m. Trước khi bị ngập, khu vực này là đỉnh núi cao, chẳng mấy khi người dân chúng tôi lên đến đây. Chỉ khi nào dựng nhà, cần những cây gỗ to, làm cột thì người dân mới lên đến khu vực này. Tuy vậy, để đến được đây cũng không phải dễ. Phải luồn rừng theo lối mòn, ít nhất cũng phải mất nửa ngày mới tới nơi. Sau quá trình xây dựng TĐHB với 3 lần chuyển vén, người dân đã lên đến đây.

Theo đồng chí Tô Xuân Khiêm, Phó BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp tỉnh, Trưởng BQL dự án vùng hồ sông Đà tỉnh thì: Sau khi chuyển vén dân lên đến cos 120m trở lên, các hộ dân chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà không có đất canh tác. Quỹ đất sản xuất tại nơi ở mới hầu như không đáng kể bởi khu vực chuyển vén lên cos 120m trở lên đã là vùng đỉnh đồi, núi, có độ dốc lớn. Do vậy, những hộ chuyển vén chính là những hộ nghèo nhất, khó khăn nhất.

Điều này cũng được đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc chia sẻ: Từ chỗ có cuộc sống ổn định, trù phú, người dân ở các xã vùng hồ phải chuyển vén đã trở thành những hộ nghèo, khó khăn nhất do đất canh tác, tư liệu sản xuất hầu như không có. Cùng với đó, trong suốt thời gian dài, việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, nhất là đường giao thông. Đa phần các hộ dân khi chuyển đến nơi ở mới đều là những khu vực biệt lập, không có đường giao thông. Bên cạnh đó, do liên tục phải chuyển vén lên cos nước cao hơn cộng với việc thay đổi đột ngột hình thái, phong tục, tập quán sản xuất đã làm cuộc sống người dân trở nên rất khó khăn, nhất là sau khi hoàn thành việc chuyển dân lên cos 120m.

Đồng chí Đinh Thị Hanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hiền Lương chia sẻ thêm: Sau 3 lần chuyển vén, dỡ nhà, dựng nhà, người dân chúng tôi gần như trắng tay. Bình thường ngôi nhà để ở thì vẫn là nhà, nhưng khi dỡ ra gỗ lạt gần như trở thành củi. Chẳng vậy, nhiều người vẫn ví 3 lần chuyển nhà bằng một lần cháy. Đó là thực tế, bởi như gia đình tôi, từ một ngôi nhà sàn 5 gian gỗ lạt chắc chắn. Thế nhưng sau 3 lần chuyển vén chỉ dựng lại được ngôi nhà đơn sơ, tạm bợ. Tài sản cũng thất thoát, chẳng còn lại được gì. Trong khi đó, hàng ngày vẫn phải đối mặt với việc thiếu ăn, đứt bữa...

Khó khăn vẫn chồng khó khăn

Không chỉ khó khăn về nhà ở, do không có đất sản xuất nên đời sống người dân chuyển cư vùng lòng hồ cũng cực kỳ khó khăn. Đồng chí Hà Văn Kính, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Tiền Phong chia sẻ thêm: Thời kỳ chuyển dân, khó khăn chủ yếu là do nơi ở chưa ổn định, người dân lúc nào cũng thấp thỏm lo di chuyển nhà lên cos nước cao hơn để tránh ngập. Do vậy, việc đầu tư cho sản xuất, khai khẩn đất hoang cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ tư duy, tập quán canh tác cũ là trồng cấy lúa nước, trồng màu ở các vùng bưa bãi đất màu mỡ trù phú sang sản xuất trên địa hình đồi, núi, đất canh tác có độ dốc lớn, tính chất xói mòn cao, không có đầu tư, năng suất bấp bênh đã làm cho cuộc sống người dân vốn khó khăn lại càng trở nên khó khăn.

Thời kỳ đó, nhà anh Kính còn may mắn hơn nhiều hộ gia đình khác là bởi ngay khi về nơi ở mới, gia đình đã trồng được ít chuối quanh nhà. Lúc đói, đây chính là nguồn thức ăn chủ yếu của gia đình. Còn đối với những hộ khó khăn hơn thì họ lên rừng đào củ nâu, cú vớn về ăn thay cơm. Chẳng thế, có thời kỳ ở hầu khắp các con suối, mó nước trong xã đều đỏ au màu nhựa nâu, vớn...

Cho đến nay, mặc dù được Nhà nước đầu tư các nguồn vốn xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm. Tuy nhiên, phần lớn các xã chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà, nhất là ở Đà Bắc vẫn là những địa phương chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho rằng: So với các vùng khác thì nhóm các xã chuyển dân vùng lòng hồ sông Đà của huyện có đời sống KT-XH nhiều hạn chế là do xuất phát điểm rất thấp. Sau khi hoàn thành chuyển dân, đa phần người dân chỉ tính đến việc làm sao để có cái ăn đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Cùng với đó, đa phần các hộ dân đã kiệt quệ về kinh tế. Người ta chưa thể nghĩ đến chuyện làm gì, nuôi con gì, trồng cây gì. Do vậy, tư duy phát triển kinh tế hàng hoá vẫn còn chậm, chưa được tập trung đầu tư.

Còn theo đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Giám đốc BQL các dự án xây dựng hạ tầng, nguyên Phó Giám đốc BQL dự án vùng hồ sông Đà huyện Đà Bắc thì: Trong những năm qua dù được Nhà nước, Chính phủ tập trung nhiều nguồn vốn, nhiều dự án đầu tư cho các xã vùng lòng hồ sông Đà trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đến nay đời sống KT-XH của các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính là do không có đất sản xuất. Theo thống kê, trước khi bị ngập nước, toàn huyện có khoảng 3.000 ha cấy lúa nước. Sau khi nước dâng đến nay toàn huyện chỉ còn khoảng 900 ha cấy lúa nước, hơn 3.000 ha đất trồng màu. Trong đó, khoảng trên 900 ha đất sản xuất ổn định, còn lại trên 3.000 ha là đất rửa trôi, bạc màu có độ dốc cao. Thậm chí, nhiều diện tích đất sản xuất có độ dốc từ 500 - 700. Các vùng đất vốn được coi là vựa lúa của huyện như Hào Tráng, Tiền Phong, Vầy Nưa... đều bị ngập dưới lòng hồ thuỷ điện.

Theo đồng chí Tô Xuân Khiêm, Phó BQL các dự án xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp tỉnh, Trưởng BQL dự án vùng hồ sông Đà: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ phát triển cho các xã chuyển cư vùng lòng hồ sông Đà. Các dự án này có những tác động tích cực, từng bước góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đặc biệt là việc bố trí, sắp xếp lại dân cư; nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn thiếu. Đáng nói, hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Đề án "ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà giai đoạn 2009 - 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, phạm vi áp dụng cho 40 xã trên địa bàn tỉnh, bao gồm 36 xã, phường thuộc đề án cũ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 9/10/2009 và 4 xã bổ sung gồm: Yên Nghiệp (Lạc Sơn), Bảo Hiệu (Yên Thuỷ), Đồng Tâm (Lạc Thuỷ), Mỵ Hoà (Kim Bôi). Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án này là 4.053,256 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.ư cấp 3.061,043 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép các chương trình, vốn cân đối ngân sách của tỉnh và nhân dân đóng góp.

Trong giai đoạn 2009 - 2015 đã cấp 879,713 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 dự án sẽ được thực hiện với tổng nguồn vốn 3.155,543 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.ư hỗ trợ là 2.480,543 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình là 675 tỷ đồng.

Tuy vậy, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thi công được 15 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án làm đường giao thông. Song, tiến độ giải ngân các dự án này rất chậm. Ví như tuyến đường 433 đi xóm Giằng (Cao Sơn) đến xã Trung Thành - Yên Hoà có chiều dài 7,5 km, tổng mức đầu tư 117 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2017, mới chỉ giải ngân được hơn 7,7 tỷ đồng. Tương tự như vậy, tuyến đường liên xã từ thị trấn Đà Bắc đến xã Hiền Lương có chiều dài 8 km, được phê duyệt với tổng mức đầu tư là trên 137 tỷ đồng. Tuy vậy, tính đến hết quý III/2017, dự án mới chỉ giải ngân được trên 7,8 tỷ đồng...

Đồng chí Nguyễn Hữu Mai cũng đã chỉ rõ: Sau hơn 30 năm hoàn thành việc chuyển cư lòng hồ sông Đà, các địa phương đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án của Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những tồn tại, bất cập chưa được giải quyết. Đáng kể là đường liên thôn, liên xóm nhiều nơi trong huyện chưa có. Bên cạnh đó, hiện nay, trên 80% dân số các xã vùng hồ sông Đà sống chủ yếu vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Trước đây, được sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã đưa cây luồng vào sản xuất ở vùng đất có độ dốc cao thuộc các xã vùng lòng hồ với khoảng 6.000 ha. Dù được xem là loại cây trồng đem lại hiệu quả tích cực nhưng vì không được chăm sóc thường xuyên nên hầu như diện tích luồng đã bị khai thác kiệt. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp cũng thường xuyên gặp khó khăn, bấp bênh về đầu ra. Trong khi đó, suất đầu tư về giống, phân bón ngày càng cao, việc khai hoang mở rộng, nâng cao chất lượng đất canh tác hạn chế. Do vậy đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân...(Còn nữa)

Bài 3: Vươn lên từ gian khó-Cán bộ, đảng viên là nhân tố cốt lõi

                                                           Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục