Ngày 3-10, Trung ương thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.


                                Toàn cảnh phiên thảo luận.

Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cơ bản đồng tình với Tờ trình của Ban cán sự Đảng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, tuy còn những khó khăn, nhưng tình hình kinh tế- xã hội từ đầu năm đến nay tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt với nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực; lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm và cải thiện so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng; đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Độ mở của nền kinh tế khá lớn, đường lối đối ngoại, trong đó có hợp tác kinh tế quốc tế được tăng cường. Tỷ lệ nợ công ngày càng giảm và kiểm soát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện, các địa phương làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Các chính sách đối với vùng sâu, khó khăn có hiệu quả, nhất là các đơn vị quân đội tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng cao biên giới có hiệu quả,...

Nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Trung ương và Chính phủ, của các cấp, các ngành. Kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã tạo động lực thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đạt những kết quả rõ rệt.

Tuy nhiên, không ít đại biểu băn khoăn về các vấn đề đang đặt ra, những hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Cụ thể như, sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, như tỷ giá biến động, chiến tranh thương mại giữa một số nước. Tính độc lập tự chủ của nền kinh tế tuy được nâng lên, nhưng khả năng chống, chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Công tác giải ngân còn chậm; nhiều thủ tục liên quan các bộ, ngành ở Trung ương còn phiền hà. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở nhiều địa phương, bộ, ngành chậm. Việc giải quyết tài sản công còn vướng mắc; việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương mạnh, nhưng nhiều thủ tục còn chậm trễ, như cấp phép xây dựng công trình đầu tư. Phát triển kinh tế vùng còn thiếu kết nối, chưa có sự phân công cụ thể, thiếu sự phối hợp. Một số vấn đề xã hội, nhất là về giáo dục còn có mặt bất cập, gây bức xúc trong dư luận và áp lực cho học sinh. Tình trạng an ninh mạng xã hội còn phức tạp. Cải cách hành chính còn nhiều hạn chế, cần sự quyết liệt của người đứng đầu. Trong khi phát triển kinh tế đạt nhiều kết quả đáng mừng thì một số vấn đề xã hội nảy sinh phức tạp đáng lo ngại, cần được quan tâm đúng mức và có giải pháp đồng bộ.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư trong bài phát biểu khai mạc hội nghị và từ thực tiễn, kinh nghiệm công tác, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận sâu những vấn đề, nội dung khá cụ thể. Đó là, phải kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các mô hình kinh tế của ta đã đổi mới nhưng chưa có tính đột phá cao. Để có mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, cần ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tạo tính đột phá, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh. Cần chuyển dần mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ). Trong đó, cần chú ý đột phá về thể chế, cơ chế thu hút đầu tư, thu hút người tài; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp, tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông; sớm hoàn thiện các quy định về BOT, BT để thu hút đầu tư cho hạ tầng. Việc đột phá về thể chế, tháo gỡ rào cản sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua có bước phát triển tốt, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; nông dân có trình độ ngày càng cao, đã làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Liên kết giữa các doanh nghiệp hộ nông dân ngày càng hiệu quả, đời sống nông dân khá hơn, nhiều hộ giàu có. Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp phải đóng vai trò nòng cốt, nông dân là chủ thể. Tuy nhiên, so với yêu cầu hội nhập, thì khó khăn là sự kiên kết giữa "các nhà”, tổ chức hệ thống phân phối và giống. Giải pháp ở đây là phải làm thay đổi tư duy, quy hoạch lại vùng sản xuất, mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao.

Để phát triển nông nghiệp đúng hướng, cần tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, trí thức hóa nông dân. Trong cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất nông nghiệp cần bảo đảm ba trục sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Một số ý kiến nêu, cần sớm sửa đổi một số luật, như Luật đầu tư công, Luật đất đai; có hướng dẫn chi tiết cụ thể việc xử lý tài sản công; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường, đồng thời lựa chọn ưu tiên dự án thân thiện môi trường.

Một số đại biểu đề nghị, Trung ương nên có đánh giá giữa nhiệm kỳ, nhất là về một số chủ trương lớn, như tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược… Từ đó thấy rõ những việc làm được, những mặt còn hạn chế, rút kinh nghiệm và có giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả…


                                                                  Theo Nhân Dân điện tử 


Các tin khác


Đảng bộ thị trấn Đà Bắc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Đảng bộ thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (SHCB), lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Những tiếng nói tâm huyết của cán bộ, nhân dân Hòa Bình hướng về ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam; làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. 70 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp này, Báo Hòa Bình ghi nhận những ý kiến tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh hướng về ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước.


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục