Sáng 20/5, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP

 

 

Nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện mục tiêu kép

Trình bày báo cáo tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19.

Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KTXH) ngưng trệ.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện "mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KTXH và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân

Về phòng chống dịch bệnh COVID-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, đã lan rộng ra 213 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 5 triệu người nhiễm và khoảng 330 nghìn người tử vong, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị và chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch. Nước ta có độ mở và mức độ giao lưu quốc tế cao nên nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Việc phòng chống đại dịch này là chưa có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay những ngày trước, trong Tết Nguyên đán và trong những tháng qua, Thường trực Chính phủ họp một tuần 2 - 3 lần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Tinh thần chỉ đạo chung là chủ động đánh giá đúng tình hình, đưa ra các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và thực lực của đất nước. Quan điểm xuyên suốt là "chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; "lấy phòng dịch làm ưu tiên”"khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”"chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.

Triển khai sớm hơn, cao hơn khuyến cáo của WHO

Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác đã khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh như phát hiện nhanh, cách ly tập trung, xét nghiệm, khoanh vùng, chỉ đạo dập dịch và điều trị hiệu quả... Kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là tại các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Toàn tuyến biên giới trên đất liền được chốt chặt bởi trên 1.600 tổ đội, 11 nghìn cán bộ chiến sỹ quân đội, công an, dân quân.

Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ” đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống chính trị cơ sở và các lực lượng chức năng đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp. Vai trò quan trọng của hệ thống y tế công lập ở nước ta được khẳng định.

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP

Nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều thiết bị y tế

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Chúng ta đã chủ động sản xuất sinh phẩm chẩn đoán; cập nhật, hoàn thiện phác đồ điều trị. Kết quả điều trị bệnh nhân COVID-19 rất khả quan, số ca được chữa khỏi ngày càng tăng nhanh, kể cả những ca tuổi cao, bệnh nền rất nặng cũng phục hồi tích cực. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công vi-rút C0VID-19.

Lực lượng chuyên gia, nhà khoa học các lĩnh vực được huy động và tích cực tham gia, sản xuất thành công bộ KIT xét nghiệm COVID-19 trong thời gian ngắn, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, đạt tiêu chuẩn EC; nghiên cứu sản xuất nhiều thiết bị, vật tư y tế, phần mềm phục vụ phòng, chống dịch, trong đó đã sản xuất được máy thở.

Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại được triển khai trong phòng chống dịch COVID-19 như phần mềm ứng dụng khai báo y tế, truy vết người nghi nhiễm, khám chữa bệnh từ xa...

Chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời tới mọi người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của nhân dân trong phòng chống dịch. Các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động tuyên truyền, đưa tin với nhiều hình thức phong phú. Xuất hiện nhiều đơn vị, cá nhân xuất sắc, tận tụy, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, đạt kết quả tốt và khống chế việc lây lan các ổ dịch.

Nhận thức đúng, vào cuộc quyết liệt, hiệu quả

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự  đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đề ra, đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tổng số trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận là 324 ca, trong đó 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong.

Liên tục trong hơn một tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh); trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Đạt được kết quả quan trọng này là do chúng ta đã sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông, chuyên gia uy tín đánh giá Việt Nam có mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân ủng hộ.

Thắng lợi bước đầu quan trọng này là kết quả của sự quyết tâm cao, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và sự đồng lòng, ủng hộ, chung tay của nhân dân cả nước. Điều này cũng thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc. Qua đó góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị nước ta.

Cả nước chung sức, đồng lòng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành trong công tác phòng chống dịch. Công tác dân vận và các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực, đã vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch đến các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phát động phong trào toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh và đến nay cả nước đã tiếp nhận được trên 2 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đoàn thể nhân dân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực; các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia và thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự.

Nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực. Xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt trong phòng chống dịch bệnh, thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.

Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Nhiều chiến sỹ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, "ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn, tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhiều cán bộ, phi công, tiếp viên hàng không xung phong tham gia các chuyến bay tới tâm dịch để đón công dân Việt Nam trở về nước. Đồng bào ta ở nước ngoài và nhiều người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật đã quan tâm chăm lo cho người lao động. Những mô hình "ATM gạo”"Siêu thị 0 đồng”... đã giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo. Nhiều nhà tài trợ, nhiều tấm lòng nhân ái đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều nghệ sĩ đã sáng tác những tác phẩm động viên, khích lệ, truyền cảm hứng cho xã hội, cả trong nước và quốc tế trong phòng, chống dịch.


Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh VGP




Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các vị đại biểu dự phiên họp tại Nhà Quốc hội. Ảnh VGP

 






Các đại biểu Quốc hội dự khai mạc tại điểm cầu địa phương. Ảnh VGP


Theo chương trình phiên họp sáng 20/5, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020;

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV;

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV;

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA);

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA);

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA);

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).

 

Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

* Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20/5, bế mạc vào ngày 19/6/2020 và được tiến hành theo 2 đợt.

Đợt 1, từ ngày 20/5 đến ngày 4/6, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điiẻm cầu trực tuyến của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Đợt 2, từ ngày 10/6 đến ngày 19/6, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 10 ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian kỳ họp.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về công tác xây dựng pháp luật: Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết, đồng thời cho ý kiến đối với 6 dự án luật gồm:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Luật Thanh niên;

- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP);

- Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng;

- Luật Đầu tư (sửa đổi);

- Luật Doanh nghiệp (sửa đổi);

- Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020;

- Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021;

- Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA);

- Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA);

- Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Các dự án Luật Quốc hội dự kiến cho ý kiến gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi);  Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và xem xét, thông qua Nghị quyết về nội dung này; quyết định Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. 

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp như thông lệ. Tuy nhiên, quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu theo quy định./.


Theo Chinhphu.vn

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy

Ngày 3/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn có đại diện Sở GD&ĐT, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT), các phòng, ban chức năng của huyện Lạc Thủy. 

Sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 3-5, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 (Ban chỉ đạo) tổ chức sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).

Tỉnh Hòa Bình tham gia Tọa đàm Kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam - Canada

Vừa qua, đoàn công tác tỉnh Hòa Bình cùng đoàn công tác Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao và các tỉnh bạn tham gia Chương trình Quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada đã đến thăm và có buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, Canada. Tiếp đón các đoàn công tác có đồng chí Phan Kiều Thu, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada.

Thanh niên huyện Cao Phong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo

Với tinh thần nhiệt huyết, không ngại khó, thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Cao Phong đã năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng ý về việc khởi tố đối với ông Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục