Đánh giá về công tác đối ngoại nhiệm kỳ 2016-2020, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao”. 
Chào mừng Đại hội XIII của Đảng, xin giới thiệu loạt 5 bài viết do TTXVN thực hiện: "Vai trò, vị thế Việt Nam - Nhìn từ nhiệm kỳ Đại hội XII", trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Bài 1 - Đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả

Thực hiện đường lối đối ngoại theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và cụ thể hóa Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nâng tầm công tác đối ngoại, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam, hòa nhịp với thời đại. 

Chú thích ảnhThành công của Năm APEC 2017 cho thấy vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời cho thấy những đóng góp của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ định hướng hoạt động đối ngoại: "Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu...” 

Từ chủ trương "muốn là bạn” đến "sẵn sàng là bạn”, "là bạn, là đối tác tin cậy”, "là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Đảng từng bước chuyển sang định hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế... Thứ tự ưu tiên trong quan hệ với các đối tác là các nước láng giềng, các đối tác lớn, đối tác quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với Lào, Campuchia và Trung Quốc; thúc đẩy quan hệ với các đối tác phát triển, có tiềm lực lớn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng, khu vực

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực hiện quan điểm "chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng”, quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực. Quan hệ Việt Nam - Campuchia được tăng cường trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục được củng cố, phát triển lành mạnh, ổn định.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt Nam – Lào đã được tôi luyện, thử thách và không ngừng đơm hoa kết trái, trở thành mối quan hệ "hữu nghị vĩ đại” của hai dân tộc. Trong cuộc điện đàm mới đây, nhân chúc mừng thành công Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư  Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith cùng khẳng định việc không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đây là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai bên cũng sẽ làm hết sức mình cùng nhau bảo vệ, giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và truyền tiếp cho thế hệ mai sau.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân được mở rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước. Năm 2020, nhờ sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ hai nước, nhiều dự án hợp tác trọng điểm giữa Việt Nam và Lào đã có những bước tiến căn bản như: Cảng Vũng Áng, sân bay Noong-khang, các dự án kết nối đường bộ, đường sắt và đặc biệt là công trình Nhà Quốc hội Lào...

Với phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài,” trong 5 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố. Chuỗi hoạt động kỷ niệm chung 40 năm ngày hai dân tộc sát cánh bên nhau chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và Tổng kết về công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền, ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả (84%) công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước, là hai điểm nhấn quan trọng trên chặng đường phát triển của mối quan hệ hợp tác "không thể tách rời” Việt Nam - Campuchia.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã hỗ trợ các trang thiết bị y tế nhằm chia sẻ những khó khăn của Campuchia, đồng thời tiếp tục duy trì thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế đa phương, trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt 5,27 tỷ USD, vượt mục tiêu 5 tỷ USD dự kiến cho năm 2020. Nói về mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định "Việt Nam mãi mãi là người bạn láng giềng thủy chung, trước sau như một của Campuchia”; còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ mong muốn "Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính. 5 năm qua, hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động trao đổi bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt kết quả tốt, góp phần tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. 

Hai bên đã có những hợp tác thực chất, tăng cường trao đổi các cấp và giao lưu nhân dân hai nước, củng cố lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là vấn đề trên biển, theo tinh thần nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước. Hai nước đã kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn tăng trưởng dương. Đầu tư trực tiếp - FDI của Trung Quốc tại Việt Nam có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ 7 trong tổng số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2019 đạt xấp xỉ 117 tỷ USD, tăng gấp hơn 3.600 lần so với năm 1991; trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 117,09 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 43 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc gần 74 tỷ USD.

Trong điện mừng trao đổi giữa các nhà Lãnh đạo, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1/1950-18/1/2020), Lãnh đạo Việt Nam khẳng định: "Chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hết sức coi trọng, sẵn sàng làm hết sức mình và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến đổi sâu sắc, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ Việt - Trung ngày càng tốt đẹp là trách nhiệm lịch sử và là đòi hỏi tất yếu khách quan, phù hợp với nguyện vọng của hai Đảng và nhân dân hai nước”.

Các nhà Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang đối mặt với đổi thay lớn chưa từng có và quan hệ Trung - Việt cũng bước sang thời kỳ then chốt kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, Trung Quốc coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ Trung - Việt, mong muốn nỗ lực cùng Việt Nam nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn của quan hệ Trung - Việt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng bước lên nấc thang mới”.

Việc thắt chặt quan hệ với các nước thành viên ASEAN là một trọng tâm ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đến nay, bên cạnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào, các nước ASEAN còn lại đều đã trở thành những đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác hợp tác toàn diện với Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Myanmar lên đối tác hợp tác toàn diện (2017); quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Thái Lan (tháng 1/2019); quan hệ đối tác toàn diện với Brunei (tháng 3/2019). Với khuôn khổ quan hệ đã được thiết lập, các lĩnh vực hợp tác then chốt giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN đã ghi nhận những bước tiến vượt bậc, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đến văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và 30% so với năm 2016. Riêng tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,4% và nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các nước ASEAN là đối tác xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc) là thị trường cung cấp hàng hóa nhập khẩu lớn thứ ba vào Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN phát triển ngày càng sâu rộng và toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển ở mỗi nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, an ninh, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á. 

Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng

Thực hiện chủ trương "thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác lớn, đối tác quan trọng”, hoạt động đối ngoại đã "tích cực và chủ động” đưa các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước (3 nước là đối tác chiến lược toàn diện Nga (2001); Ấn Độ (2007); Trung Quốc (2008) và 14 nước đối tác chiến lược: Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức, Italy (2011); Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp (2013); Malaysia, Philippines (2015); Australia (2018); New Zealand (2020); có quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đã có các bước tiến đáng kể trong việc nâng cao độ tin cậy chính trị, củng cố các cơ chế hợp tác cùng có lợi.

Trong nhiệm kỳ qua, các nhà lãnh đạo của Việt Nam thực hiện hơn 80 chuyến thăm cấp cao, dự các hội nghị quốc tế đa phương và đón hơn 120 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2020, do đại dịch COVID-19, không thực hiện chuyến thăm cấp cao nhưng Việt Nam và các đối tác tăng cường trao đổi qua điện đàm, họp trực tuyến giữa lãnh đạo cấp cao các nước. Trên 33 cuộc điện đàm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các cấp khác với lãnh đạo nhiều nước đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Những chuyến thăm, những cuộc tiếp xúc này góp phần tăng cường quan hệ chính trị, mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế cho đất nước, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển năng động. 

Nhiều đối tác lớn, đối tác quan trọng đã đánh giá cao và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam. Một số nước đối tác quan trọng có những bước đi chưa từng có tiền lệ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm Việt Nam ngay sau Đại hội XIX, lần đầu tiên Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước thăm nhau trong cùng một năm (2017). Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và đón Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền, là Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên trở lại thăm Việt Nam trong vòng chưa đầy 2 năm. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên thăm Việt Nam. Ấn Độ, Liên Minh châu Âu (EU), Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong "Chính sách hướng Nam mới”,"Kết nối với châu Á”... 

Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien trong phát biểu với sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã khẳng định: Hoa Kỳ coi trọng, mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam ổn định và bền vững trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của nhau. 

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên Việt Nam-Australia lần thứ hai, tháng 11/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nêu rõ, Chính phủ Australia tiếp tục đặt ưu tiên cao với Việt Nam trong chính sách đối ngoại, coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.  

Trong chuyến thăm Việt Nam, nước đầu tiên được lựa chọn để thực hiện chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước. Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức và phát biểu về chính sách với ASEAN, đồng thời nêu rõ Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội.

Tại cuộc họp Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học-kỹ thuật (tháng 11/2020), Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko khẳng định hai nước đang có chung tầm nhìn về phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; cho rằng Việt Nam và Liên bang Nga có rất nhiều điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ…

Cục diện hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước được củng cố thêm một bước, đặc biệt là với các nước láng giềng khu vực và các đối tác lớn, quan trọng./.


Bài 2 - Ngoại giao đa phương sôi động, hiệu quả

Ngoại giao đa phương Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động ngoại giao đa phương chưa bao giờ sôi động, hiệu quả như trong nhiệm kỳ Đại hội XII, là mốc son trong hoạt động ngoại giao của đất nước thời kỳ đổi mới.

Chủ động, tích cực, có trách nhiệm  

Chú thích ảnhThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ngày 15/11/2020, tại Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực hiện đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)… Đặc biệt, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm, là "chủ nhà" của nhiều hội nghị lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần đây là đăng cai Năm APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018).

Thành công của Năm APEC 2017 hay WEF ASEAN 2018 khẳng định khả năng chủ động của Việt Nam tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực, thể hiện qua việc lựa chọn chủ đề và các ưu tiên, đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung, cân bằng, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy tương đồng giữa các bên để tạo sự đồng thuận chung. Những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc với tư cách thành viên cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) với tư cách khách mời cũng được bạn bè, đối tác đồng tình, hưởng ứng tích cực.


Tuần lễ cấp cao APEC 2017 thu hút sự tham gia của 10.000 đại biểu, trong đó có những nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản… đại diện các thiết chế kinh tế, tài chính toàn cầu như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)… Sự kiện là nơi gặp gỡ của hơn 2000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Hàng ngàn nhà báo trong nước đã có mặt để đưa những dòng tin, bức ảnh sống động, kịp thời về các hoạt động, sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC.

Trên cương vị chủ nhà, chủ trì, điều hành hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác của APEC trong suốt cả năm 2017 với số lượng các cuộc họp, đối thoại, hội nghị nhiều gấp hơn 2 lần so với năm 2006, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực, chủ động, tinh thần trách nhiệm cao.

Tham gia vào "sân chơi” rộng lớn này, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, đồng thời có điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn, đối tác quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, cả trên bình diện đa phương và song phương. Việc đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 là bước triển khai thiết thực và mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, "đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, quảng bá hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.

Kết quả Năm APEC 2017 tiếp tục nâng cao vị thế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Thông qua Năm APEC 2017, Việt Nam tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong gần 3 thập niên qua, cho thấy vị trí chiến lược, vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam, sự quan tâm của bạn bè khu vực và quốc tế dành cho Việt Nam. Hội nghị có hơn 1.000 đại biểu, số lượng đông nhất từ trước đến nay, trong đó có sự tham dự nhiều nhất của nguyên thủ các nước ASEAN, lãnh đạo cấp cao các nước đối tác, đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới; thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế nhiều nhất từ trước đến nay…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, WEF ASEAN 2018 đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam cả về nội dung, công tác tổ chức và điều hành hội nghị, góp phần quan trọng khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới; quảng bá mạnh mẽ và sâu đậm hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Thực lực là cái chiêng - ngoại giao là cái tiếng

Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, năm 2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương; đánh dấu cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại, chuyển mạnh từ "tham dự” sang "chủ động tham gia” và phát huy vai trò "nòng cốt”, dẫn dắt của Việt Nam.

Có thể khẳng định, Chỉ thị 25 là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa...

Chú thích ảnhTổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngay trong năm đầu tiên triển khai Chỉ thị 25, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, từng bước phát huy vai trò "trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai là sự kiện quan trọng của thế giới, thu hút sự tham gia của hơn 2.600 phóng viên quốc tế từ 218 hãng thông tấn, báo chí, truyền thông quốc tế, từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Hà Nội đưa tin, hình ảnh về sự kiện. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Qua Hội nghị quan trọng này, nhân dân thế giới thấy rõ và hiểu biết nhiều hơn về một Việt Nam yêu hòa bình, một Việt Nam đổi mới.

Năm 2020 có dấu ấn đặc biệt bởi chưa bao giờ trong một năm, Việt Nam đảm nhiệm đồng thời trọng trách Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu… Thực tế cho thấy, mỗi lần đăng cai những hoạt động đa phương lớn đều đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước, trong đó có việc nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Nghị quyết Đại hội XII, Đảng xác định: "Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”, coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.

Trên tinh thần đó, với chủ đề và những ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là "Gắn kết và Chủ động thích ứng”, vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, Việt Nam đã làm nên một Năm Chủ tịch ASEAN thành công toàn diện, thực chất cả về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp; nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; công tác bảo đảm an ninh, an toàn, lễ tân trọng thị, qua đó quảng bá hình ảnh ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng.

Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP ước tính sẽ đạt 137 tỷ USD.

Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhận định, việc ký kết RCEP là một "minh chứng cho sức mạnh hiệu triệu và vai trò lãnh đạo của khu vực trong việc thúc đẩy một cấu trúc kinh tế mở, toàn diện và dựa trên các quy tắc”. Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường; tiếp tục cùng các bạn bè, đối tác củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh ở Đông Nam Á và trên thế giới, tạo nền tảng cơ bản giúp ASEAN vững vàng tiến bước vào năm 2021, cũng được dự báo nhiều thách thức, chông gai.

Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia. Việt Nam có hai dịp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (luân phiên) vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.

Nhận xét về sự tham gia, cũng như những đóng góp của Việt Nam, ông Jerry Matthews Matjila, Đại sứ Nam Phi tại Liên hợp quốc nói: "Với chính sách đối ngoại độc lập, khi Việt Nam lên tiếng, đó không chỉ là vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích của các nước đang phát triển. Với sự tham gia của Việt Nam, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều có cơ hội trao đổi, thảo luận một cách cởi mở cả trong và ngoài vòng tham vấn của Hội đồng”.

Đại sứ Philippe Kridelka, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chia sẻ, Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới, nhất là ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu cũng như Hoa Kỳ. Đại sứ Philippe Kridelka bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể là cầu nối hết sức hiệu quả giữa các nước. Việt Nam sắp tới sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa để Hội đồng Bảo an có được sự đồng thuận.

Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, hội nhập và phát triển, giải quyết hậu quả chiến tranh, bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ và trẻ em trong hòa bình, an ninh, thúc đẩy nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, từ tháng 6/2014 -12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ. Đặc biệt, trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đã ghi nhận: "Việt Nam là một nước rất tích cực ủng hộ Liên hợp quốc, nhất là trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Suốt những năm qua, Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ mạnh mẽ của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình mà điều này thể hiện rõ nhất ở 2 điểm. Thứ nhất, Việt Nam tham gia tích cực và liên tục các sáng kiến liên quan tới gìn giữ hòa bình, luôn nỗ lực để hoạt động này ngày càng có tầm ảnh hưởng tốt hơn. Thứ hai, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia trực tiếp hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa, nhất là ở các điểm nóng như Nam Sudan”.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc, rộng khắp và ở mọi cấp độ, mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Bên cạnh hoạt động trao tặng, viện trợ vật tư y tế, các nhà Lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có các động thái, phát biểu hối thúc cộng đồng quốc tế, khu vực cùng chung tay chống lại "kẻ thù chung." Một dấu ấn nổi bật của những nỗ lực này là sự kiện ngày 7/12/2020, tại phiên họp toàn thể ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27/12 hàng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh." Đề xuất của Việt Nam đã được 5 nước tham gia đồng tác giả (Canada, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Senegal, Tây Ban Nha) và 107 nước đồng bảo trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Với những thành tựu quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực, Việt Nam ngày càng vững tin trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, chủ động, sáng tạo trong cách làm, hiệu quả trong hành động, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc, đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới./.


Bài 3: Củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền

"Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” là một thành tố của chủ đề Đại hội XII của Đảng.



Chú thích ảnhTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Để thực hiện mục tiêu này, sứ mệnh to lớn của ngoại giao Việt Nam là góp phần "giữ nước sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy”, đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao thế và lực cho đất nước.

Trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: "Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao”.

Giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị

Cùng với quốc phòng - an ninh, ngành Ngoại giao đã tham gia tích cực vào công tác phân giới cắm mốc, mở các cửa khẩu mới, quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Nối tiếp thành quả phân định biên giới với Trung Quốc và Lào, ngày 5/10/2019, Việt Nam ký kết hai văn kiện pháp lý với Campuchia ghi nhận hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc cho khoảng 84% tổng chiều dài biên giới hai nước. Đây là kết quả của nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của hai nước trong nhiều thập niên qua nhằm giải quyết thỏa đáng, công bằng những tồn tại lịch sử phức tạp, hướng đến một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, làm cơ sở để hai nước phát triển quan hệ bền vững. Ngày 22/12/2020, Việt Nam - Campuchia đã tổ chức Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn "Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Hiệp ước bổ sung năm 2019) và "Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” (Nghị định thư phân giới cắm mốc). 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nhấn mạnh sự kiện này ghi dấu một thắng lợi lớn của cả hai nước và có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình hơn 36 năm giải quyết biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, thể hiện phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận. Báo Khmer Times số ra ngày 23/12 dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Campuchia (CBAC) Koy Pisey nhận định hai nước đã chạm tới "thời khắc lịch sử” khi chính thức trao đổi hai Văn kiện trên.

Công tác quản lý biên giới tiếp tục được chú trọng để duy trì trật tự trị an ở biên cương của Tổ quốc. Các lực lượng chức năng Việt Nam đã chủ động phối hợp với các nước láng giềng triển khai công tác quản lý biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý và thỏa thuận liên quan.

Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới trên bộ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới. Các công tác, như mở, nâng cấp cửa khẩu, lối thông quan; thúc đẩy triển khai Hiệp định bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân; xây dựng các công trình hạ tầng giao thông khu vực biên giới nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế, xã hội... đều được triển khai mạnh và hiệu quả. Thực tế cho thấy, phân giới, cắm mốc tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác phát triển, đồng thời hợp tác phát triển tốt với các nước láng giềng trên các khu vực biên giới không chỉ giúp nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương, mà còn là cơ sở để bảo vệ vững chắc và quản lý hiệu quả các đường biên giới hiện có.

Tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên trì hòa bình ở Biển Đông

Thực hiện định hướng chỉ đạo của Đại hội XII: "Thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và quy tắc ứng xử của khu vực”, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.

Chú thích ảnhThứ trưởng Ngoại Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị quan chức cao cấp lần thứ 6 về thực hiện "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), từ ngày 14 - 15/9/2013, tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: Quang Đức/TTXVN

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên các vấn đề liên quan đến Biển Đông tiếp tục là cơ sở thực tiễn và pháp lý trong quá trình đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển. Các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông tiếp tục được củng cố, giữ vững. Tất cả các hoạt động xâm lấn, vi phạm của nước ngoài, dù phức tạp về quy mô và cường độ hay kéo dài cũng đều bị đẩy lùi; trong khi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng vẫn được bảo đảm.

Cuối tháng 3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm phản đối hai công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đây là "một việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”. Còn chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk (Nga) cho rằng: "Biển Đông không chỉ là vấn đề trong quan hệ Việt-Trung, vấn đề của các nước Đông Nam Á, mà còn là một trong những vấn đề quan trọng đối với Liên hợp quốc".

Bên cạnh việc đấu tranh ngoại giao và trên thực địa, Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực, trách nhiệm cao để thúc đẩy việc đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong khối, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, thể hiện nhất quán lập trường nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, nơi mà khác biệt và tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Các nước ASEAN nhất trí cần nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, bảo đảm đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Hoạt động đối ngoại nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng bảo vệ biên giới, lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Bài 4 - Huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước

Một trong những định hướng lớn trong công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội XII là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, giảm các tác động tiêu cực và hiện thực hóa các cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại, huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


 

Chú thích ảnhBộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) cùng đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago (Chile), ngày 8/3/2018. Ảnh: THX/TTXVN

Trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực về thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng vào các thiết chế kinh tế đa phương, chuyển từ "tham gia” sang chủ động đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế hợp tác, tích cực thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế, xóa bỏ các rào cản thương mại và đầu tư thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, Bắc Ireland (UKVFTA)…

Ngoại giao kinh tế - trụ cột quan trọng

Công tác ngoại giao kinh tế đã ghi những dấu ấn quan trọng, với nội dung ngày càng thiết thực, từ tham mưu, nghiên cứu chính sách kinh tế, mô hình phát triển; tìm kiếm nguồn lực phát triển cho đất nước; tạo đan xen lợi ích với các đối tác; nâng tầm ngoại giao đa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế; đến quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của đất nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân Việt Nam ở nước ngoài.

Từ chỗ tìm kiếm, mày mò, "vừa học, vừa làm”, ngoại giao kinh tế đã dần thống nhất được nhận thức, nội hàm và phương châm thực hiện "đột phá, mở đường, tham mưu, song hành và đôn đốc”, trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, "tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước”.

Ngoại giao kinh tế đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các đại biểu tham dự hội nghị AMM 29 (diễn ra ngày 8/11/2017) chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Với việc chủ động, tích cực tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mà đỉnh cao là việc đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã tận dụng triệt để cơ hội do APEC mang lại để phục vụ những lợi ích kinh tế cụ thể; khởi xướng, lồng ghép thành công các nội dung phục vụ lợi ích lâu dài của Việt Nam trong các định hướng hoạt động, ưu tiên hợp tác của APEC, như phát triển bao trùm, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng và quan hệ song phương nói chung đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Ngoại giao góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào việc tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019. Ngoại giao cũng tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019.

Thông qua vận động chính trị-ngoại giao, các đối tác phát triển lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu… đã dành cho Việt Nam nhiều dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục…, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoại giao kinh tế góp phần làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tạo đan xen lợi ích, kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước. Các nội dung hợp tác kinh tế được chủ động lồng ghép trong hoạt động tiếp xúc cấp cao, được thúc đẩy triển khai thông qua việc cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết cấp cao. Việc tích cực tham gia, vận động, đàm phán, ký kết và đưa vào thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác then chốt, trong đó có các FTA thế hệ mới và quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA (ký trong những ngày cuối cùng của năm 2020), đã và đang mang lại nhiều cơ hội to lớn về thương mại, đầu tư, công nghệ, lao động cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

"Vị thế này đang và sẽ tạo ra những động lực vượt trội giúp chúng ta thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, đưa đất nước vững bước tiến lên, hiện thực hóa những tầm nhìn và khát vọng phát triển trong giai đoạn chiến lược mới”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.

Ngoại giao kinh tế đã đi đầu thúc đẩy hình thành có trọng tâm các kênh hợp tác mới, khả thi, dài hạn, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương. Về bình diện đa phương, ngoại giao kinh tế góp phần bảo đảm lợi ích then chốt, vị thế đối ngoại và quan hệ của Việt Nam với các đối tác quan trọng; góp phần hiệu quả vào việc vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Đến nay, 71 nước đã công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Ở cấp địa phương, trong nhiệm kỳ qua, các địa phương đã chủ động triển khai hội nhập quốc tế, ký hơn 420 thỏa thuận quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, phát huy thế mạnh từng vùng miền, từng ngành hàng, tạo tiền đề quan trọng cho các quan hệ hợp tác thực chất, sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam với các đối tác.

Phát huy thế mạnh của các "ăng-ten toàn cầu”

Chú thích ảnhChiều 7/11/2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm năm 2020. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi tiếp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam (nhiệm kỳ 2020-2023) chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Đây là giai đoạn cạnh tranh quốc tế gay gắt, cùng với đó là khó khăn, thách thức to lớn do đại dịch COVID-19; là áp lực về sự phát triển vũ bão của thời đại khoa học công nghệ, do đó nếu chúng ta trì trệ thì không phát triển. Các đồng chí Đại sứ, Trưởng đại diện phải quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng về công tác đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa; tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam”. Thủ tướng yêu cầu mỗi cơ quan, mỗi cán bộ ngoại giao phải: "Quán triệt tinh thần ‘chống suy thoái như chống giặc’; khát vọng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ”.

Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đánh giá: Mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những "ăng-ten” quan trọng thông tin về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, tham mưu các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước từ những buổi đầu độc lập cho đến nay.

Theo nguyên Phó Thủ tướng, trong giai đoạn tới cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các "ăng-ten toàn cầu”, gắn ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao về khoa học công nghệ và ngoại giao giáo dục.

Phát huy vai trò cầu nối, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, giải đáp các thắc mắc về quy định kinh doanh của Việt Nam, hỗ trợ nhiều tập đoàn nước ngoài mở rộng, tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại mang tính đột phá vào một số thị trường trọng điểm.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là "người mở đường” tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng, cũng như phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế. Những hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức… đã phát huy hiệu quả tối đa, góp phần khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, giúp mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế cho đất nước.

Trong thời gian tới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thực hiện nhất quán phương châm "Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế”. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ công tác ngoại giao kinh tế, tạo sức mạnh tổng thể, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hiệu quả hội nhập quốc tế và không ngừng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.


Bài cuối - Mỗi người Việt Nam là một 'Đại sứ văn hóa'


"Giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước” – Đó là định hướng quan trọng của Đảng được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trên tinh thần đó, công tác kết nối kiều bào và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả rõ nét.

Chú thích ảnhMột kiều bào phát biểu tại hội nghị " Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào vì sự phát triển của TP Hồ Chí Minh - Nâng tầm sản phẩm Việt”, ngày 27/10/2020. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết

Phát huy nguồn lực kiều bào

Đảng ta xác định: "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Những năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một trụ cột trong công tác đối ngoại của đất nước ta. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy truyền thống Việt Nam cũng như vận động thu hút nguồn lực kinh tế và tri thức từ cộng đồng kiều bào đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam; góp thêm tiếng nói, vận động nhiều nước tăng cường quan hệ với Việt Nam, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong 5 năm gần đây (từ 2015 đến 2019), với mức tăng trưởng trung bình 6%/năm, tổng kiều hối đạt hơn 71 tỷ USD, chiếm khoảng 44% tổng kiều hối đạt được trong vòng 26 năm (từ năm 1993 đến hết năm 2019). Riêng năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối về Việt Nam đạt 15,686 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thế giới về thu hút lượng kiều hối.

Cũng trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã quyên góp ủng hộ khoảng 35 tỷ đồng, cùng nhiều vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch ở trong nước. Trong đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua, kiều bào đã quyên góp được khoảng 34 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa nhằm hỗ trợ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Tại buổi trao tiền ủng hộ nước nhà phòng, chống đại dịch COVID-19, Chủ tịch tập đoàn New World Fashon Group (trụ sở tại London, Anh) đồng thời là Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh, ông Phạm Minh Nam chia sẻ, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc. "Nếu như mình có điều kiện, tôi thấy mình cần phải làm những việc này khi đất nước đang gặp khó khăn", ông Nam nói.

Cũng như ông Nam, ông Nguyễn Bằng Lâm, Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, trong dịp trở lại quê hương đúng dịp Tết Nguyên đán 2020, đã xúc động chia sẻ: "Chúng tôi ở xa quê hương, nhưng không thể nào tách tâm hồn ra khỏi Tổ quốc, nhất là đối với người dân Việt Nam - những con người có truyền thống yêu nước, yêu Tổ quốc, hướng về tổ tiên, cha ông và Tổ quốc thân yêu”.

Nhìn lại công tác kiều bào  5 năm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: "Những kết quả trên cho thấy, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang đáp ứng tốt hơn những trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, cũng như tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào”.

Giữ gìn, phát huy bản sắc Việt Nam

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Với nhận thức sâu sắc mỗi người Việt Nam là một "đại sứ văn hóa”, người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ý thức rõ hơn tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng Việt trong lòng xã hội sở tại. Cho đến nay, khoảng trên 500 hội đoàn thường xuyên liên hệ, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng, triển khai nhiều chương trình dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng chục điểm trường, lớp tiếng Việt được Nhà nước tài trợ các hội đoàn xây dựng, vận hành và quản lý; hàng trăm giáo viên được hỗ trợ lương, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm...

Qua công tác đối ngoại, tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông người Việt. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thường xuyên được tổ chức để đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của kiều bào.

Ông Nguyễn Bằng Lâm, Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Thái Lan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho con em thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Thái Lan nói riêng, các nước khác trên thế giới nói chung. Qua đó, các cháu hiểu được tổ tiên, đất nước của mình, hiểu về âm thanh, ngữ nghĩa gửi gắm trong "tiếng mẹ đẻ”; nhắc nhở các cháu về nguồn cuội, gốc rễ để bồi dưỡng tâm hồn mỗi người về tình yêu quê hương, đất nước dù sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu.

Những chuyến bay nghĩa tình trong bão COVID-19

Chú thích ảnhNgày 30/7/2020, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và Hãng Hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Myanmar đưa gần 240 công dân Việt Nam từ Myanmar về nước. Ảnh: TTXVN phát

Người Việt Nam ở nước ngoài gia tăng và đa dạng về thành phần đã đặt ra những vấn đề khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ công dân. Thống kê số liệu từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho thấy, số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm: 2017 có 8.024 người (tăng 26% so với 2016); năm 2018 có trên 10.000 người; năm 2019 có 13.643 công dân và năm 2020 có số lượng các cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ở nước ngoài thông qua tổng đài điện thoại về bảo hộ công dân đã tăng gần 200%.

Số lượng công dân được bảo hộ tăng đi kèm với tính chất các vụ việc được bảo hộ cũng diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Nhiều vụ việc chưa từng có tiền lệ như việc các tàu biển của Việt Nam bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin; việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và bị xét xử tại Malaysia; đoàn du khách Việt Nam thăm Ai Cập bị đánh bom dịp Tết Dương lịch 2019; vụ việc 39 người thiệt mạng trên một xe tải tại Đông Bắc London (Anh)...

Mặc dù số lượng công dân ở nước ngoài có nhu cầu bảo hộ ngày càng cao và tính chất các vụ việc gia tăng về độ phức tạp, song các cơ quan đại diện Việt Nam đã cử cán bộ lãnh sự đi đến tận nơi xảy ra vụ việc để tìm hiểu sự thật và tiến hành công tác bảo hộ cần thiết đối với quyền lợi chính đáng của công dân. Chính vì vậy, nhiều người đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan đại diện để được trở về nước một cách an toàn.

Đặc biệt, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc tranh thủ các nguồn lực bên ngoài từ cộng đồng kiều bào cho phòng, chống dịch trong nước và công tác bảo hộ công dân đã được nâng lên một tầm cao mới, là một dấu ấn nổi bật của hoạt động đối ngoại năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Những chuyến bay mang nặng nghĩa đồng bào giữa lúc bão COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu đã thực sự làm lay động triệu triệu con tim. Mặc dù đất nước còn nghèo, khó khăn thách thức rất nhiều, nhưng Việt Nam là một trong số ít các nước đã có các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước.

Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong, ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp với năng lực cách ly trong nước.

Tính từ tháng 4 đến hết năm 2020, Việt Nam đã triển khai 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trở về nước an toàn. Đó là một đại chiến dịch chưa từng có trong lịch sử, được triển khai trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế, nhưng đòi hỏi các quy định chống dịch phải tỉ mỉ, chặt chẽ, sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực vượt bậc và phối hợp chặt chẽ của ngành Ngoại giao với các cơ quan chuyên trách khác. 

"Chúng tôi cảm thấy mình may mắn và tự hào khi được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để được trở về nhà.” Đây là lời chia sẻ của anh Vi Đ. Minh (Hà Tĩnh) khi anh cùng với 218 người khác là những lao động xa xứ, được Chính phủ tổ chức chuyến bay giải cứu từ Guinea Xích đạo trở về cuối tháng 7/2020. Chuyến bay giải cứu khi đó xác định có tới 50% ca dương tính với SARS-CoV-2 (129 người).

Để thực hiện thành công những chuyến bay giải cứu trên, có sự đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng của các cán bộ ngoại giao làm công tác bảo hộ công dân.

"Thời điểm đó, tất cả các đơn vị trong Cục Lãnh sự đều được đặt ở chế độ "trực chiến”, các phòng làm việc luôn có cán bộ túc trực gần như 24/24 giờ, ban ngày theo dõi thông tin trong nước và các nước trong khu vực, tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ở các cấp, đến đêm kết nối, trao đổi với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở châu Âu, châu Mỹ để nắm tình hình, các chính sách của sở tại, cập nhật số lượng công dân Việt Nam ở nước ngoài cần trợ giúp, bị mắc kẹt ở các sân bay…”, Đại sứ Vũ Việt Anh, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chia sẻ những kỷ niệm cùng các cán bộ của Cục Lãnh sự thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Đề cập tới những khó khăn khi bảo hộ công dân và thu xếp những chuyến bay giải cứu công dân mùa dịch, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, ở tất cả các quốc gia, chính sách phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại khiến cho mọi hoạt động giao lưu, giao thương bị gián đoạn. Chính sách xuất nhập cảnh của các nước thay đổi liên tục khiến việc tổ chức chuyến bay đưa công dân từ vùng dịch về nước của các cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới gặp nhiều bất trắc, khó lường.

"Chúng tôi thường gọi tên các đợt tổ chức chuyến bay đó là các chiến dịch vì để tổ chức một chuyến bay, cần sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hãng hàng không, cơ quan y tế, cơ sở cách ly, các ban, ngành, sở tại… Chưa bao giờ công tác phối hợp lại quan trọng đến thế, thiếu một giấy phép, một ý kiến là toàn bộ chiến dịch có thể rơi vào bế tắc”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Khi dịch bệnh hoành hành, khó khăn, thách thức bủa vây trăm bề, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đứng vững và trở thành điểm tựa cho đồng bào xa xứ. Những nhà ngoại giao làm việc âm thầm, miệt mài để thu xếp cho các chuyến bay đưa đồng bào hồi hương an toàn. Với những chính sách và hành động thiết thực, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã làm những người con xa xứ thêm "ấm lòng”, thêm yêu mến quê hương đất nước.

 

Theo TTXVN

Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục