(HBĐT) - Nhắc đến cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh khiến chúng ta nghĩ đến tình quân dân một lòng, như cá với nước. Trong thời chiến, họ là những người đi đầu trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân; trong thời bình, họ lại sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giúp dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, góp phần ồn định cuộc sống của Nhân dân.



Đại diện Bộ CHQS tỉnh và Sở Y tế trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly  y tế tập trung cho các công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản trong tháng 10/2020.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước. Tại tỉnh ta, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh luôn là lực lượng nòng cốt trong tuyến đầu chống dịch. Trung đoàn 814 được chọn là điểm tiếp nhận và thực hiện cách ly tập trung đối với công dân từ nước ngoài trở về địa phương. Đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 11 đợt với hơn 900 lượt công dân trở về từ các nước: Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Canada, Angola, Nga, Nhật Bản, Malaysia. Trước nhiệm vụ quan trọng, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều thể hiện ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, trách nhiệm với công việc được giao, góp phần chung vào việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Theo đó, đơn vị làm tốt công tác tuần tra canh gác 24/24h trong và ngoài doanh trại khu cách ly; thường xuyên kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày cho các công dân; bố trí dung dịch sát khuẩn tại các điểm: cửa ra vào, khu nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng, định lượng, khẩu phần ăn cho công dân cách ly. Thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải, vệ sinh, khử khuẩn môi trường sau mỗi đợt cách ly đảm bảo an toàn, đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế. 

Tại Trung đoàn 814 những ngày qua, vai trò hậu cần được phát huy tối đa góp phần hoàn thành các đợt cách ly an toàn, đảm bảo yêu cầu. Nhiệm vụ quan trọng của công tác hậu cần trong khu vực cách ly được chỉ huy đơn vị quán triệt sâu sắc đến 100% cán bộ, chiến sỹ. Thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu, cán bộ, chiến sỹ hậu cần xác định rõ tư tưởng phục vụ, chăm sóc công dân cách ly như người thân, nêu cao tinh thần, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Việc đảm bảo hàng trăm suất ăn cho công dân mỗi ngày được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cũng là áp lực không nhỏ đối với mỗi người lính đứng bếp. Đơn vị phân công 5 đồng chí đứng bếp chính, 5 đồng chí phụ bếp, đảm nhiệm việc nấu 3 bữa ăn hàng ngày cho công dân, với chế độ 80.000 đồng/người/ngày. Nguồn thực phẩm cung cấp đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực đơn mỗi bữa ăn được thay đổi thường xuyên như thịt, cá, trứng, rau củ quả các loại… có sự kiểm tra chặt chẽ của chỉ huy đơn vị nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng với tiêu chuẩn tối thiểu 3.200 calo/người/ngày. Ngoài việc đảm bảo nguồn thực phẩm "sạch”, người "anh nuôi” phải tuân thủ việc lưu nghiệm thức ăn sau khi nấu chín giúp người dùng ngon miệng trong từng bữa ăn. 


Cán bộ, chiến sỹ hậu cần Trung đoàn 814 (Bộ CHQS tỉnh) đảm bảo hàng trăm suất cơm mỗi ngày cho công dân thực hiện cách ly tập trung tại đơn vị.

Thượng úy Quách Mạnh Hùng, quản lý bếp ăn cho biết: "Để đảm bảo 3 bữa ăn mỗi ngày cho công dân, chúng tôi phải thức dậy từ 3h để chuẩn bị bữa sáng, 8h tiếp tục nấu bữa trưa và từ 14h cho bữa tối. Sau cùng là dọn dẹp và kết thúc một ngày làm bếp khoảng 21h. Thời gian ngắn, suất ăn nhiều nên các chiến sỹ luôn động viên nhau nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Mỗi bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng phục vụ công dân cũng là niềm vui, niềm động viên tinh thần đối với chúng tôi”. Thường ngày, đội ngũ "anh nuôi” đã quen với việc nấu các suất ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên của Trung đoàn; đảm bảo cho huấn luyện sỹ quan dự bị. Tuy nhiên, đối với công dân cách ly, các suất cơm phải chia làm nhiều khẩu phần ăn khác nhau cho người già, trẻ em, người ăn kiêng, người ăn chay. Đến bữa, từng suất cơm hộp được đánh số theo phòng, theo từng khẩu phần ăn, được tổ phục vụ tiếp nhận, chuyển đến tận phòng cho công dân. Sau các đợt cách ly, đơn vị đã phục vụ hơn 40.000 bữa ăn ngon cho công dân và đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Viết Tuấn, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 814 chia sẻ: "Trước hết, đó là sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh và chỉ huy các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình dịch bệnh và tình hình địa bàn, đặc biệt các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 để kiểm soát chặt chẽ. Phối hợp với các lực lượng giữ vững ANCT - TTATXH trên địa bàn. Đơn vị đã rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện, trang bị trong phòng, chống dịch Covid-19; kịp thời động viên, biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ cách ly tập trung tại đơn vị. Đặc biệt là thường xuyên quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo "chống dịch như chống giặc”, thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ”, "3 sẵn sàng” và khuyến cáo "5K” của Bộ Y tế đó là: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Với những nỗ lực đó, tính đến nay, tỉnh ta chưa có trường hợp nào mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. 

Đối với công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh luôn giữ vai trò tiên phong trên tuyến đầu giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả. Năm qua, thời tiết diễn biến bất thường ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân trong tỉnh. Điển hình như cuối tháng 4 đến đầu tháng 8/2020, hiện tượng dông lốc kèm theo mưa đá gây thiệt hại về nhà cửa và hoa màu, vật nuôi của người dân các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi, TP Hòa Bình; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hại… Ước tổng thiệt hại trên 600 tỷ đồng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã nhanh chóng kiện toàn, tổ chức vận hành Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, nâng cao năng lực, trang thiết bị với vai trò chính là cán bộ, chiến sỹ LLVT.

Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đã trực tiếp tham gia nhiều đợt phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Nổi bật như tháng 4/2020, trên địa bàn huyện Đà Bắc xảy ra dông, lốc và mưa đá gây thiệt hại tài sản, hoa màu cho Nhân dân; Ban CHQS huyện đã huy động hơn 60 lượt cán bộ, chiến sỹ và dân quân 2 xã: Đoàn Kết và Tú Lý cùng lực lượng tại chỗ các khu vực bị ảnh hưởng tham gia khắc phục hậu quả. Tháng 6/2020, Ban CHQS huyện Cao Phong cử 20 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với hơn 20 lượt dân quân xã Thu Phong tham gia giúp đỡ các hộ bị tốc mái khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Tại huyện Lạc Thủy, ngày 2/6/2020, tại đỉnh núi đá vôi đầu dãy núi Tràng Sơn thuộc địa bàn xã Khoan Dụ bị sét đánh gây cháy (khu vực cháy tiếp giáp với UBND xã Khoan Dụ). Ban CHQS huyện phối hợp với các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Kho, dân quân địa phương huy động 130 lượt cán bộ, chiến sỹ cùng một số phương tiện, máy móc tham gia chữa cháy, khống chế thành công ngọn lửa… 

Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Thông qua thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã sáng rõ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong LLVT tỉnh. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đều có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về trách nhiệm đối với Nhân dân, đối với mỗi nhiệm vụ được giao. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong LLVT đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được cụ thể hóa bằng những phần việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mỗi cán bộ, chiến sỹ. Đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trước mỗi nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ trong lòng dân, khẳng định tình quân - dân bền chặt, từng bước xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân”.


Thanh Sơn




Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục