Từ ngàn đời nay, đối với mỗi người dân nước Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.


Lễ rước kiệu về Đền Hùng năm 2022 do các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích tổ chức.

Trong lòng mỗi người dân Việt Nam, Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy. Văn hóa người Việt được đặc trưng bởi Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và sự thăng hoa của tín ngưỡng ấy ở tầm quốc gia chính là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở Đền Hùng và nói một câu truyền cảm hứng cho cả dân tộc về lòng yêu nước và trách nhiệm với đất nước: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời hiệu triệu từ con tim ấy cùng với nghĩa đồng bào được vang lên từ buổi đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác "Tôi nói đồng bào nghe rõ không” chính là thông điệp quan trọng để tạo nên tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của mỗi người dân đất Việt.

Năm nay vừa tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm là khoảng thời gian không quá dài nhưng chúng ta cũng đủ cảm nhận về niềm tự hào, những kết quả đạt được khi di sản đặc biệt quan trọng của quốc gia được thế giới vinh danh. Có thể nói rằng, các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị Vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như Tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở  Phú Thọ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

Và mỗi dịp tháng Ba về, từ khắp mọi miền Tổ quốc, từng dòng người lại hành hương về với Đền Hùng, nơi cội nguồn dân tộc, để tưởng nhớ tổ tiên cũng như tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch… Năm nay, các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc; lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho các địa phương và Nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên. Các hoạt động trong phần lễ được tổ chức như: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng; lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức (số lượng người tham gia phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch  Covid-19). Các hoạt động phần hội gồm: Trưng bày chuyên đề "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa” tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày tư liệu tại Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì; trưng bày sách, báo, tư liệu tại Thư viện tỉnh; chiếu phim phục vụ Nhân dân; lễ đón bằng công nhận Lễ hội cướp bông ném chài đền Vân Luông - phường Vân Phú là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; đánh trống đồng, đâm đuống tại khu vực nhà Công Quán - Khu di tích lịch sử Đền Hùng - trình diễn hát xoan làng cổ; chương trình múa rối nước; Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ; tổ chức bắn pháo hoa tầm cao; lễ hội truyền thống đình Hùng Lô; lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và Bằng công nhận Khu du lịch cấp tỉnh; Giải Bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang; chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng, gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tour du lịch...

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3/ Ngàn năm vang mãi câu ca/ Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng 3 mồng 10”. Không chỉ người dân trên đất nước Việt Nam, mà với những người Việt xa quê, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm luôn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ quê hương, nguồn cội, ông cha. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ 4.0, với mạng 4G, 5G và những chiếc smartphone hiện đại cùng sự kết nối của Dự án "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” thì khoảng cách dường như gần lại, làm vơi đi nỗi nhớ cội nguồn, con Lạc cháu Hồng. Với sứ mệnh kết nối kiều bào và bạn bè quốc tế cùng tham gia bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhằm gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, lan tỏa, định vị giá trị văn hóa và phẩm hạnh dân tộc Việt, Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cũng được tổ chức vào cùng một ngày, cùng một thời điểm đã thực sự trở thành ngày lễ lớn của con Lạc cháu Hồng trên khắp thế giới.

Nhớ về cội nguồn khẳng định đức tin truyền thống, vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên, của hồn thiêng sông núi. Cũng chính nhờ có đức tin và sự tôn thờ bất diệt trong tâm thức của mỗi người con đất Việt đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ đến các Vua Hùng, mà trong các thời kỳ lịch sử, sức mạnh của dân tộc đã được nhân lên gấp bội. Vượt qua mọi khó khăn thử thách dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và không ngừng phát triển.

PV (TH)   





Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục