(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 14/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 44-CT/TU) nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức CT-XH huyện Lạc Thuỷ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động giám sát chuyên đề được nâng lên; góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của địa phương.




Đại diện lãnh đạo HĐND xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) trao đổi hoạt động giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Xác định rõ tầm quan trọng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, MTTQ, các tổ chức CT-XH, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức CT-XH thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh, huyện liên quan đến hoạt động giám sát. Ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH với Ủy ban kiểm tra trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; quy chế phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề.

Các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, trong đó có hoạt động giám sát chuyên đề. Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo HĐND, MTTQ và các tổ chức CT-XH thường xuyên đổi mới hoạt động giám sát, từ nghiên cứu lựa chọn nội dung đến tổ chức các cuộc giám sát, nhờ đó chất lượng các cuộc giám sát không ngừng được nâng lên.

Trong những năm qua, HĐND, MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp huyện Lạc Thủy đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức; hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Phương thức giám sát có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2019 đến nay, HĐND các cấp trong huyện đã thực hiện 219 cuộc giám sát; MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp thực hiện được 52 cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề về xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng ngân sách; quản lý đất đai, môi trường; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác khám, chữa bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, chính sách với người có công, việc chi trả chế độ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc, phát sinh ngay từ cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Thủy đã tổ chức được 8 cuộc tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong 5 năm qua, HĐND tổ chức tiếp 696 lượt công dân, UBND tiếp 1.746 lượt công dân.

       Đồng chí Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Lạc Thuỷ cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, chất lượng các cuộc giám sát chuyên đề ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện quy trình giám sát được đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật; lựa chọn nội dung giám sát ngày càng khoa học, sát với tình hình thực tế. Công tác phối hợp, trao đổi, thống nhất giữa HĐND, UBMTTQ, UBKT, các tổ chức CT-XH về hoạt động giám sát ngày càng chặt chẽ; các ý kiến kiến nghị, đề xuất sau giám sát đã được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị quan tâm giải quyết.

Để đảm bảo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định, hướng dẫn về giám sát chuyên đề của HĐND, MTTQ và các tổ chức CT-XH. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát; thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giám sát nghiêm túc tiếp thu và khắc phục những hạn chế được đoàn giám sát chỉ ra nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của giám sát.


Đinh Thắng

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục