Đánh giá 2 năm tại HĐBA, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khiêm tốn: "nếu cơ hội có 10, Việt Nam mới tận dụng được 6", bởi chưa nhiều kinh nghiệm. Nếu được làm lần nữa, chắc chắn, Việt Nam sẽ làm tốt hơn nhiều

Không để ai ảnh hưởng đến quyết  định

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, lúc này Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có mặt tại trường quay VietNamNet, sẵn sàng trực tuyến với bạn đọc về Việt Nam với vị thế mới sau hai năm tham gia HĐBA và chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN, để cùng nhìn nhận lại những gì chúng ta đã làm được trên trường quốc tế.

Trước hết, xin cám ơn Thứ trưởng Phạm Bình Minh đã dành thời gian cho bạn  đọc VietNamNet.

Đây là chủ đề rất được bạn đọc quan tâm. Hàng trăm câu hỏi đã được bạn đọc gửi về.

Câu hỏi  đầu tiên dành cho Thứ trưởng, sau hai năm HĐBA, bản sắc riêng và dấu ấn của Việt Nam khi tham gia HĐBA là gì? Việt Nam đã thể  hiện được tiếng nói riêng, độc lập như thế nào với thế  giới?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trước hết, cảm ơn VietNamNet đã cho tôi cơ hội đối thoại trực tuyến với độc giả về nhiệm kỳ 2 năm tại HĐBA mà chúng ta vừa kết thúc.

Hai năm qua, tham gia HĐBA, chúng ta đã thể hiện bản sắc, phong thái riêng. Nói như  thế không phải chúng ta tự nhận mà nhiều nước đánh giá như vậy .

Trước đây, Việt Nam từng đấu tranh để giành quyền độc lập, tự chủ của mình. Chúng ta hiểu mất mát của chiến tranh và cái giá của hòa bình. Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình. Từ đó trong tất  cả các vấn đề liên quan thảo luận tại HĐBA, chúng ta đều xuất phát từ 2 nguyên tắc chính: làm sao giữ được môi trường hòa bình, và làm sao bảo đảm tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia  Đó chính là bản sắc riêng của Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước khi tham gia HĐBA, có người lo ngại liệu Việt Nam có giống như một số nước, mờ nhạt trong HĐBA, thậm chí, trở thành "cái bóng" của một số nước lớn. Thực tế của Việt Nam 2 năm qua tại HĐBA như thế nào để chứng minh điều ngược lại?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia HĐBA Liên Hợp Quốc. Trước chúng ta, có nhiều nước đã từng tham gia, thậm chí tham gia nhiều lần. Theo thống kê, trong số 192 quốc gia thành viên LHQ, thì có tới hơn 110 nước từng tham gia HĐBA.

Trước khi ta tham gia, có một số tiếng nói lo ngại, rằng Việt Nam vào như vậy, với kinh nghiệm chưa nhiều, nên có thể Việt Nam chỉ "ăn theo nói leo" các nước. Hiện tượng này cũng từng có trong HĐBA, khi một nước nào đó không có vị thế, bản sắc, phong thái riêng.

Với Việt Nam, như đã nói, ta có vị thế, bản sắc, phong thái riêng. Tham gia HĐBA, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, tôn trọng luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam không theo một nước nào cả mà chúng ta theo nguyên tắc chung đồng thời đảm bảo nguyên tắc riêng của mình. Vì thế, Việt Nam không bị nước nào, hay bất cứ yếu tố gì gây ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta.

Bản lĩnh Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó chính là tư duy đối ngoại Hồ Chí Minh truyền lại cho ngoại giao ngày nay.

Khi nói về hoạt động tại HĐBA LHQ, Kishore Mahbubani, Đại sứ Singapore, nổi tiếng với cuốn sách Can Asians Think?, người từng hai lần giữ  chức chủ tịch HĐBA năm 2001 và  2002 đã phải than thở về  sức ép của nhóm P5 lên các nước nhỏ, và ông thậm chí còn nói đến P1. Trong hai năm tham gia HĐBA và 2 lần làm chủ tịch, Việt Nam cảm nhận sức ép này như thế nào? Có thể nói đến P-mấy? Nước nhỏ có cách nào hóa giải được sức ép này không? (bạn đọc Hồng Hà - Hà Nội)

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Ông Kishore Mahbubani là một Đại sứ có tiếng tại LHQ. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động của LHQ nên nhận xét đó của ông cũng là dựa trên cơ sở đánh giá quan sát thực tiễn về hành động của các nước, trong đó có xuất phát từ kinh nghiệm của Singapore.

Trong hoạt động tại HĐBA, một nước thành viên khi tham gia không phải chỉ có trách nhiệm với toàn thế giới, mà còn có trách nhiệm với cả khu vực. Các nước thành viên và không thành viên HĐBA đều có yêu cầu cụ thể trên những vấn đề liên quan đến họ. Đó là điều đương nhiên, nước nào cũng có yêu cầu này, yêu cầu kia. Nếu nói là có nhiều sức ép tại HĐBA cũng không phải, mà nói không có sức ép nào cũng không đúng. Việc nêu yêu cầu nếu hiểu là gây sức ép là có. Nhưng việc xử lý như thế nào vừa đảm bảo mục tiêu chung của LHQ, lợi ích khu vực, tuân thủ nguyên tắc hoạt động của HĐBA, vừa đảm bảo lợi ích, giữ được nguyên tắc là tùy thuộc ứng xử của từng nước.

Với Việt Nam hai năm qua, nói có  sức ép hay không có sức ép cũng không hẳn đúng. Các nước nêu vấn đề và  Việt Nam cũng đều trao đổi với các thành viên HĐBA và các nước có liên quan trên tất cả các vấn đề của HĐBA. Nhiều vấn đề, lãnh đạo các nước, trong đó có các nước ASEAN, gọi trực tiếp với lãnh đạo chúng ta hoặc lãnh đạo Bộ Ngoại giao trao đổi, để tìm giải pháp. Có thể nói, trong các vấn đề của HĐBA, Việt Nam có sự trao đổi, thảo luận với 5 nước thành viên thường trực cũng như các nước không thường trực.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Người ta vẫn nói: khó khăn luận anh hùng. Đối mặt với không ít những vấn đề gay cấn của hòa bình và an ninh trên thế giới, đụng chạm đến lợi ích của nhiều nước, Việt Nam đã thể hiện tầm trí tuệ và bản lĩnh như thế nào để đưa ra quan điểm đúng, vượt qua sức ép của bất kỳ ai hoặc của bất kỳ hoàn cảnh nào? Chúng ta đã tạo ra cái thế riêng, "có giá" của mình trong cuộc "mặc cả" với các nước ra sao?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong HĐBA, cơ chế cũng đã đặt ra là có nước được trao vai trò quan trọng hơn nước khác. Các nước thành viên thường trực (P5) có lá phiếu phủ quyết. Với lá phiếu đó, nếu nghị quyết không phù hợp lợi ích của họ, họ có thể sẽ phủ quyết.

Cơ chế đặt cho họ vị trí quan trọng hơn. Tham gia HĐBA, Việt Nam cũng bị cơ chế đó ràng buộc. Nhưng tiếng nói của Việt Nam cũng quan trọng trong HĐBA.

Hai năm qua, Việt Nam đều sử dụng lá phiếu của mình xuất phát từ lợi ích chung của LHQ. Và đã có trường hợp ta bỏ phiếu chống vì có nội dung không phù hợp nguyên tắc của ta trên những vấn đề can thiệp chủ quyền quốc gia, hoặc vì vấn đề không đến mức đe dọa an ninh khu vực và quốc tế. Lá phiếu đó của ta, cùng với các nước cùng quan điểm khác, đã giúp cho dự thảo nghị quyết không được thông qua.

Điều này cho thấy Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, sẵn sàng nói tiếng nói khác của mình với các nước lớn, khi thấy vấn đề không đáp ứng tiêu chuẩn chung, mục đích duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới.

Hội đồng Bảo an và vấn đề Biển Đông

Bạn đọc Minh Hải: Xin chào Thứ trưởng, qua theo dõi thông tin hàng ngày tôi rất phấn khởi trước việc ta đã hoàn thành tốt 2 năm làm UV không thường trực HĐBA, nhờ đó đã góp phần rất quan trọng nâng cao vị thế Việt Nam trên quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của nước ta. Và chắc rằng trình độ năng lực của cán bộ ngoại giao ta cũng được nâng cao hơn. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể thêm, trên cương vị này ta đã sử dụng tới mức tối đa tranh thủ quốc tế, bạn bè thông cảm, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở biển đảo như thế nào? (hỗ trợ về pháp lý,tinh thần?... so với trước?).

Và cũng trên cương vị này, ta đã tranh thủ thêm được những gì  cụ thể cho việc ngoại giao phục vụ  phát triển kinh tế?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong hai năm qua, chúng ta đã nâng cao hình ảnh Việt Nam, đồng thời cán bộ của chúng ta tham gia công việc quốc tế cũng nâng cao được trình độ chuyên môn. Kết quả đạt được qua hai năm tham gia HĐBA là nhờ vào đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành liên quan và đóng góp của đội ngũ cán bộ tham gia có trưởng thành vượt bậc về trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị của chúng ta về cán bộ, nhằm đảm đương công việc hiệu quả nhất. Đây là đánh giá không chỉ về cán bộ của ta ở New York mà cả cán bộ ở các bộ ngành trong nước. Kết quả tham gia HĐBA không phải là nỗ lực riêng của Bộ Ngoại giao mà là nỗ lực chung của các Bộ/ ngành liên quan.

Về việc tranh thủ bạn bè đối với các vấn đề ta quan tâm. Trong 2 năm qua, với việc tham gia HĐBA, ta đã nâng cao vị thế, được bạn bè tin cậy. Trong các vấn đề liên quan, khi trao đổi với bạn bè, các nước hết sức tranh thủ ta. Số lượng các đoàn đến thăm Việt Nam 2 năm qua tăng nhiều hơn.

Trong 2 năm qua, chưa có vấn đề nào trực tiếp liên quan đến lợi ích sát sườn của Việt Nam đòi hỏi ta phải đưa ra HĐBA. Hai năm qua, ta chủ yếu đóng góp cho công việc chung tại HĐBA nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, qua đó tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển của đất nước ta.

Bạn đọc Đinh Khương Duy (khuongduy..@yahoo.com):  Tham gia HĐBA, Việt Nam có cơ hội đưa vấn đề biển Đông ra quốc tế. Chúng ta đã tận dụng cơ hội này như thế nào và cần phải tiếp tục làm gì để góp phần giải quyết vấn đề này ?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Cơ chế của HĐBA là thảo luận các vấn đề như chiến tranh, nội chiến đang xảy ra trên thế giới, hoặc các hành động trực tiếp đe dọa ảnh hưởng hòa bình, an ninh quốc tế. Do đó không phải bất cứ vấn đề nào cũng được đưa ra HĐBA, mà chỉ các hành động, hoạt động gây xung đột, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh quốc tế.

Biển Đông trong thời gian qua, dù có diễn ra hoạt động này, hoạt động kia, nhưng vẫn ở Biển Đông, chưa ảnh hưởng đến toàn khu vực, chưa đe dọa an ninh, hòa bình quốc tế. Chưa ai nêu vấn đề Biển Đông ra HĐBA.

Chúng ta cũng đang có cơ chế giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua quan hệ song phương với các nước tranh chấp, và trong ASEAN có cơ chế DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002).

Năm 2010 này, Việt Nam là chủ tịch ASEAN. Theo quy định, tất cả vấn đề liên quan đến an ninh khu vực đều có thể đưa ra ở ASEAN.

Một cán bộ ngoại giao hỏi: Có quốc gia, trong chính sách đối ngoại của họ với một nước nào đó đều suy tính đến cả chục phương án dự phòng, do vậy trong mọi trưòng hợp họ gần như không bị động khi gặp phải sự thay đổi đột ngột trong chính sách đối ngoại của quốc gia và tổ chức quốc tế là đối tác. Vậy theo Thứ trưởng thường trực, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm quan trọng gì liên quan đến nhận định trên trong thời gian là thành viên HĐBA khoá 2008-2009 để có thể áp dụng tốt nhất cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, đặc biệt trong xử lý những vấn đề nhạy cảm của khu vực có liên quan trực tiếp đến lợi ích sát sườn của ta như vấn đề Biển Đông?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong ngoại giao, khi xử lý vấn đề nào, về nguyên tắc luôn có nhiều phương án, tối thiểu là 2-3 phương án. Trong HĐBA, đánh giá một nước có 8-9 phương án, tôi cũng khó nói, vì không nước nào cho biết.

Nhưng có thể  khẳng định, các nước Ủy viên thường trực có kinh nghiệm hơn 60 năm trong HĐBA, nên các phương án của họ thay đổi nhiều, nhanh, và họ nắm vấn đề rất chắc.

Riêng với Việt Nam, trong tất cả vấn đề, Việt Nam đều có chuẩn bị kĩ. Chúng ta đã chuẩn bị cả một hệ thống quan điểm trên toàn bộ 50 đề mục trong chương trình nghị sự của HĐBA cùng với lập ; đồng thời xây dựng các kịch bản tình huống trên 6 đề mục có tính chất nhạy cảm nhất. Đối với những đề mục này, chúng ta đều có 2-3 phương án.

Đó là nguyên tắc trong xử lý ngoại giao, và cũng là kinh nghiệm để xử lý vấn đề khác, trong đó có tại diễn đàn ASEAN.

Chuẩn bị kĩ lưỡng

Bạn Vũ Khánh Toàn: Là một người Việt trẻ tôi cảm thấy thật tự hào vì những gì mà Việt Nam đã làm được trong 2 năm tham gia HĐBA LHQ. Điều này càng cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trên vũ đài quốc tế, cũng như cho thấy sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Và để có được những thành tựu đó, không thể không nói tới vai trò của các cán bộ Ngoại giao trực tiếp làm việc tại HĐBA. Xin thứ trưởng cho biết những thuận lợi và khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi tham gia vào HĐBA LHQ, đặc biệt là trong tháng Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ. Xin chân thành cảm ơn thứ trưởng!

Thứ  trưởng Phạm Bình Minh: Là chủ tịch HĐBA, bất cứ nước nào cũng rất ngại. Vì là Chủ tịch thì phải xây dựng chương trình, đưa ra những vấn đề thảo luận, xây dựng nghị quyết và quan trọng hơn là làm trung gian, dung hòa được các quan điểm, lập trường khác nhau trong HĐBA. Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA lần đầu tiên tháng 7/2008, chỉ sau 6 tháng tham gia HĐBA. Đây là một khó khăn do ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tháng 7 là tháng mà nước Chủ tịch phải chuẩn bị Báo cáo năm của HĐBA từ 07/2007 – 7/2008, trong đó có 6 tháng ta chưa tham gia HĐBA.

Do ta chuẩn bị kỹ lưỡng, lại xây dựng được mối quan hệ phối hợp tốt với các nước trong HĐBA, với Ban thư kí, nhờ đó Báo cáo năm của ta được không chỉ các nước mà cả Ban Thư ký đánh giá là có chất lượng. Đó là điều Việt Nam vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, trong tháng Chủ tịch ta đã có nhiều hoạt động như tổ chức thảo luận mở về Trung Đông, sau nhiều tháng không có thảo luận về vấn đề này; thảo luận mở về “Trẻ em trong xung đột vũ trang”; điều phối giúp HĐBA xử lý nhiều vấn đề phức tạp.

Nguyễn Lê  (leviedai..@gmail.com): Xin Thứ trưởng kể một tình tiết nan giải nhất mà Việt Nam cần phải đưa ra quyết định tức thời? Lúc đó, trong tư duy của Thứ trưởng (người đại diện cho Việt Nam) hiện ra điều gì trước tiên và yếu tố nào giúp cho Thứ trưởng đưa ra quyết định đó?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Trong 2 năm tham gia HĐBA, chúng ta phải đưa ra nhiều quyết định. Các quyết định đưa ra đều được cân nhắc rất kĩ. Tham gia HĐBA, chúng ta có cơ chế phân cấp ra quyết định, đảm bảo hiệu quả và thời gian. Có quyết định đưa ra trong 1-2 ngày, có quyết định lâu cũng 4-5 ngày tùy vào tính chất của quyết định. Chúng ta phân cấp rất rõ mức độ nào thì cấp nào quyết định cuối cùng.

Hai năm qua, ta có nhiều quyết định, nhưng có lẽ quyết định đáng nhớ gần đây nhất, ngay trước khi chúng ta kết thúc nhiệm kỳ tại HĐBA, là liên quan đến Ê-ri-tờ-ri-a. Đại sứ Lê Lương Minh ngay trước giờ bỏ phiếu gọi cho tôi hỏi trong vấn đề này, ta nên bỏ phiếu thế nào. Tuy lãnh đạo đã thông qua các phương án bỏ phiếu, nhưng phát sinh yếu tố mới có nước điều chỉnh thái độ bỏ phiếu, liệu ta có phải điều chỉnh gì không. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi phải ra quyết định vì Đại sứ đã đứng ở ngay cửa phòng họp rồi. Cuối cùng chúng ta đã ra quyết định bỏ phiếu đúng.

 

Thời cơ 10, ta mới tận dụng được 6

Nhà  báo Nguyễn Anh Tuấn: Hai năm qua, theo ông ta đã tận dụng tốt thời cơ chưa để tạo vị thế mới cho Việt Nam?

Thứ  trưởng Phạm Bình Minh: Với kinh nghiệm 2 năm, ta tận dụng được để nâng cao vị thế, tăng cường quan hệ với nhiều nước, nhiều đối tác. Tăng quan hệ song phương thông qua hoạt động tại HĐBA. Tuy nhiên, do lần đầu tham gia, còn ít kinh nghiệm, nên ta mới chỉ tập trung vào những vấn đề chính, những vấn đề ta quan tâm, chưa thể dàn trải hết các vấn đề, chưa có nhiều sáng kiến...

Nhà  báo Nguyễn Anh Tuấn: Nếu chấm thang điểm 10, theo ông, ta được mấy điểm?

Thứ  trưởng Phạm Bình Minh: Có lẽ chỉ nhận điểm 6 thôi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Điểm 6 đó có phần khiêm tốn và chừng mực.

Bạn đọc Nguyễn Cảnh Toàn (nguyencanhtoan@...gov.vn): Tết Nguyên đán sắp tới, xin chúc Thứ trưởng thường trực cùng gia đình một năm mới thật mạnh khoẻ và hạnh phúc. Xin phép được hỏi ngay Thứ trưởng thường trực: Sau thành công của nhiệm kỳ đầu tại HĐBA LHQ, theo Thứ trưởng thường trực, liệu chúng ta có cơ sở để nghĩ đến chuyện tái ứng cử HĐBA trong những giai đoạn tiếp theo và sẽ có những đề xuất mang tính đột phá thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế hay không?

Thứ trưởng Phạm Bình Minh: Tại sao không. Chúng ta phải nghĩ tiếp tục ứng cử là thành viên HĐBA trong tương lai. Nhiều nước sau khi tham gia đều tiếp tục ứng cử. Trong LHQ, có nhiều nước ứng cử đến lần thứ 8, 9. Tại sao Việt Nam không nằm trong các nước như vậy? Đó là một trong những khả năng trong tương lai ta cần phải tính đến.

Hai năm qua, Việt Nam đã làm tốt nhiều việc, nhưng còn nhiều cơ hội chưa phát huy hết. Nếu có cơ hội lần 2, chúng ta có thể làm tốt hơn.

 

                                                                 Theo VietNamnet

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục