Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Tiếp tục thực hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Ðảng và Nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, ngày 26-5-2010, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 697/2010/QÐ-CTN về đặc xá năm 2010, Quyết định số 698/QÐ-CTN thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá. Nhân dịp này, Báo Nhân Dân xin giới thiệu với bạn đọc bài viết "Ðặc xá thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa" của Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an.

 
Hơn 100 nghìn người được hưởng đặc xá trong 20 năm qua


Ðặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Ðặc xá thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam và chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã cải tạo tiến bộ, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.


Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 2010, Nhà nước ta đã hai lần đại xá (năm 1945 và năm 1954) và hơn 30 lần đặc xá. Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, đã có hơn 10 vạn người được hưởng chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước. Riêng năm 2009, Chủ tịch nước đã hai lần quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 20.599 người. Ðến nay, đại đa số người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, hòa nhập xã hội, được cộng đồng cưu mang, giúp đỡ. Với số lượng lớn người được đặc xá như vậy, nhưng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội vẫn được giữ vững, không có biến động gì do những người được đặc xá gây ra. Công tác đặc xá những năm qua đã góp phần thực hiện tốt "Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm", được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao. Kết quả của công tác đặc xá đã khẳng định những thành tựu đổi mới khá toàn diện, sâu sắc của công tác thi hành án phạt tù nói chung, nhất là sự đổi mới công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, đồng thời thể hiện sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong việc phối, kết hợp để tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng.


Năm 2010 có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước là: 80 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; 35 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; 65 năm Ngày thành lập nước; Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Ðại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng. Tiếp tục thực hiện chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước, truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, ngày 26-5-2010, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 697/2010/QÐ-CTN về đặc xá năm 2010, Quyết định số 698/QÐ-CTN thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá và ngày 4-6-2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá đã ký Hướng dẫn số 211/HÐTVÐX về triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước.


Những điểm mới của đặc xá năm 2010


Năm 2010, với nhiều ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại cho nên ngay từ đầu năm, lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã có chủ trương "cần nghiên cứu, tiến hành một đợt đặc xá rộng rãi hơn trong năm 2010 và trên tư tưởng là đặc xá rộng rãi hơn các năm trước vì 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vì chính sách khoan hồng của Nhà nước". Quán triệt tư tưởng chỉ đạo này, Bộ Công an đã giúp Chính phủ xây dựng các văn bản dự thảo về đặc xá. Ðể bảo đảm khách quan, thận trọng và đề xuất hợp lý về đối tượng, điều kiện đề nghị đặc xá, Bộ Công an đã gửi các văn bản dự thảo xin ý kiến tham gia rộng rãi của Công an, cơ quan Nội chính các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, sau đó chỉnh sửa và xin ý kiến các bộ, ban, ngành chức năng của T.Ư để có cơ sở báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Do đó, Quyết định về đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước và Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá đã giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Ðảng, Nhà nước, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với người phạm tội đã ăn năn hối cải và yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.


Về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện được xét đặc xá phải theo quy định của Luật Ðặc xá. Ngoài ra, Chủ tịch nước quyết định mở rộng hoặc thu hẹp đối tượng, điều kiện đề nghị đặc xá cho phù hợp với tình hình cụ thể. Theo Luật Ðặc xá, người bị kết án tù đã chấp hành hình phạt được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn và phải chấp hành tốt quy chế, nội quy trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ðối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Luật Ðặc xá cũng quy định, ngoài những đối tượng nêu trên, những người có lý do được ưu tiên như: lập công lớn; thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; có thân nhân là liệt sĩ; con Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; con của gia đình có công với nước... thì thời gian chấp hành phạt tù tối thiểu là một phần tư đối với người bị kết án tù có thời hạn hoặc mười hai năm đối với tù chung thân... Ðặc biệt, năm nay có thêm đối tượng người bị kết án tù là Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân nếu chấp hành được một phần tư thời gian đối với người bị kết án tù có thời hạn và mười hai năm đối với tù chung thân cũng được đề nghị đặc xá.


Một điểm mới quan trọng trong Quyết định số 697/2010/QÐ-CTN về đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước là quy định những phạm nhân bị phạt tù về "Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế" và "Các tội phạm về chức vụ" không bị hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí và nghĩa vụ dân sự khác hoặc đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí và nghĩa vụ dân sự khác, nếu chấp hành hình phạt tù được một phần tư thời gian đối với tù có thời hạn và mười hai năm đối với tù chung thân thì cũng được xem xét đề nghị đặc xá. Ðối với người bị kết án phạt tù về các tội khác phải chấp hành xong bồi thường thiệt hại và nghĩa vụ dân sự khác, trừ người 70 tuổi trở lên, người ốm đau thường xuyên hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó hoặc gia đình không còn khả năng thực hiện thì cũng được xem xét, đề nghị đặc xá. Như vậy, khác với những năm trước, đặc xá lần này, những người chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, chưa nộp xong án phí mà có đủ các điều kiện khác thì vẫn được đề nghị đặc xá, nhưng phải chấp hành được một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn và mười bốn năm đối với tù chung thân chứ không được ưu tiên rút ngắn thời gian như những đối tượng khác. Riêng người bị kết án tù về "Các tội phạm tham nhũng" nếu chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung   là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác thì không được đặc xá, đây là quy định nghiêm khắc của Luật Ðặc xá do tính chất đặc thù của loại tội phạm này để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.


Ngoài ra, đặc xá năm 2010 có điểm mới (Ðiều 5 Quyết định số 697/2010/QÐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2010) là: Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn việc lập hồ sơ, danh sách người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Ðây là những người bị kết án phạt tù đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là những người bị ốm nặng, mắc bệnh hiểm nghèo rất đáng được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước.


Về các trường hợp không đề nghị xét đặc xá. Theo quy định, đặc xá năm 2010 số đối tượng thuộc diện không được đề nghị đặc xá giảm nhiều hơn trước (hơn 50%), điều này thể hiện tính chất mở rộng hơn cho đối tượng được đề nghị đặc xá. Số người có căn cứ khẳng định là đã sử dụng trái phép chất ma túy là loại đối tượng có khả năng tái phạm cao hơn những đối tượng khác nên những năm trước chỉ đề nghị đặc xá cho những người có thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ một năm trở xuống, nhưng đặc xá năm nay mở rộng hơn, cho nên người có căn cứ khẳng định là đã sử dụng trái phép chất ma túy có thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại cao nhất là ba năm vẫn được đề nghị đặc xá. Mặt khác, đặc xá năm 2010, thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại cao nhất để được xét đặc xá cũng được nâng lên từ tám năm trở xuống đối với người được hưởng tiêu chuẩn một phần ba hoặc 10 năm trở xuống đối với người được hưởng tiêu chuẩn một phần tư, là một điểm mới (trước đây là sáu năm và tám năm), mở ra khả năng nhiều hơn cho người được đề nghị đặc xá.


Hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá - mối quan tâm chung của toàn xã hội


Hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù nói chung và người được đặc xá nói riêng là một công tác lớn, quan trọng để đạt được mục đích cuối cùng là giáo dục, cải tạo và đưa họ trở lại xã hội, trở thành người có ích, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa tái phạm. Ý thức được tầm quan trọng của công tác này, trong những năm qua, việc tiếp tục quản lý, giáo dục, tạo điều kiện, giúp đỡ người được đặc xá tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện đã được Ðảng, Nhà nước, các cấp, các ngành T.Ư và địa phương quan tâm. Ðây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong việc triển khai thực hiện kế hoạch các đợt đặc xá của Bộ Công an cho nên đã góp phần giúp đỡ người được đặc xá trở về địa phương làm ăn lương thiện, ổn định cuộc sống, số tái phạm chiếm tỷ lệ thấp (dưới 5%).


Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này và để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đặc xá, trên cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm triển khai công tác đặc xá những năm qua, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an đã chủ động đề xuất và xây dựng Nghị định về hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá. Nghị định này đã được lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2010 để ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng.


Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, Kế hoạch của Bộ Công an và các văn bản khác hướng dẫn chỉ đạo về công tác đặc xá năm 2010, Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với chính quyền, Công an các cấp và các lực lượng xã hội tổ chức tốt việc giao nhận, tiếp nhận để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá ngay từ khi họ rời trại giam trở về địa phương để sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội.


Ðể làm tốt công tác hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá, mong rằng lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tích cực chỉ đạo các ngành, UBND các cấp phối hợp MTTQ, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ở địa phương quan tâm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá trở về hòa nhập cộng đồng theo tinh thần Công điện số 943/CÐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 211/HÐTVÐX ngày 4-6-2010 của Hội đồng tư vấn đặc xá.


Về phía các trại giam, cần phải tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch bàn giao, tiếp nhận, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình, kết quả cải tạo của người được đặc xá cho Công an các địa phương để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ khi trở về địa phương.


Với vai trò nòng cốt, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá hòa nhập cộng đồng; chủ động nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký hộ khẩu, thường trú, tạm trú, giấy chứng minh nhân dân để giúp người đặc xá có đủ điều kiện sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.


Với truyền thống yêu nước, thương người, "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại", chúng tôi thiết tha kính mong các cơ quan Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và công dân trong việc xóa bỏ thái độ kỳ thị, mặc cảm đối với người lầm lỗi nhằm tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trở thành người hữu ích.


Với những kết quả đã đạt được trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng trong công tác đặc xá và tổ chức hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá, chúng ta tin tưởng rằng, những người được đặc xá, được hưởng ân huệ lớn của Nhà nước sẽ trở về địa phương làm ăn lương thiện, sống có ích, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
 
 
 
                                                                                           Theo ND

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục