Ông Quách Xuân Tốn tự hào bên trang sử Đảng của thành phố Hoà Bình giai đoạn cách mạng Tháng Tám - 1945.

Ông Quách Xuân Tốn tự hào bên trang sử Đảng của thành phố Hoà Bình giai đoạn cách mạng Tháng Tám - 1945.

(HBĐT) - “Trước năm 1945, chợ Phương Lâm chỉ có 3 phiên chính vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng; các ngày hôm trước phiên chính là phiên đón. Chợ là trung tâm trao đổi buôn bán giữa các vùng trong tỉnh với các tỉnh đồng bằng và Hà Nội. Chợ thường bán các sản vật như gỗ quý, tre bương, nấm hương, mộc nhĩ, vải thổ cẩm.... Thời kỳ đó, dân cư thị xã còn thưa thớt lắm, quanh đây chỉ toàn đầm lầy và ruộng hoang”.

 

Cùng chúng tôi đi thăm những gian hàng khang trang, phong phú, đa dạng các chủng loại hàng hoá của chợ Phương Lâm hôm nay, ông Quách Xuân Tốn - nguyên Chủ tịch thị xã Hoà Bình (nay là thành phồ Hòa Bình) các khoá XI, XII, XIII, XIV bồi hồi nhớ lại.

 

Qua câu chuyện của ông, những ngày tháng tám lịch sử của thị xã Hoà Bình dần được tái hiện. Thị xã Hoà Bình được thành lập năm 1896, ban đầu thị xã chỉ rộng khoảng 10km2 thuộc dải đất phù sa ven hai bên bờ sông, dân số gần 6.000 người. Dưới thời Pháp thuộc, thị xã Hoà Bình bao gồm: phố Đúng bên bờ trái sông Đà là khu tập trung các công sở của chính quyền thực dân phong kiến đầu tỉnh. Đối diện với phố Đúng, bên bờ phải sông Đà hình thành các phố An Hoà, Đồng Nhân, Trang Nghiêm và xóm Vạn. Có thể nói, các phố thuộc bờ phải và xóm Vạn là khu tập trung đông dân cư nhất, hoạt động kinh tế để phục vụ khu vực hành chính, quân đội của thực dân phong kiến ở thị xã Hoà Bình. Thời kỳ này, thị xã Hoà Bình là trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội duy nhất của tỉnh Hoà Bình, tuy nhiên dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đời sống người dân thị xã Hoà Bình vô cùng cực khổ. Thực dân Pháp sử dụng mọi thủ đoạn cai trị hiểm độc để đàn áp, bóc lột nhân dân thị xã. Cả tỉnh chúng chỉ mở một trường tiểu học ở thị xã thu nạp 100 học sinh, phần lớn là con em lang đạo, quan lại...., 95% nhân dân lao động nội thị và xung quanh thị xã đều mù chữ. Nhà thương, điện, nước...chỉ để phục vụ cho bộ máy cai trị đầu tỉnh. Việc đi lại của nhân dân hai bên bờ sông chỉ tiến hành bằng thuyền nan vì dù có bến phà nhưng là để phục vụ bọn quan lại thực dân. Thị xã Hoà Bình nhỏ bé mà chúng cho mở tới 8 đại lý buôn bán thuốc phiện, 8 trạm gái điếm, 50 bộ bàn đèn thuốc phiện... đầu độc nhân dân ta. Cộng thêm vào đó là sưu cao, thuế nặng, phu dịch liên miên khiến cho nhân dân thị xã Hoà Bình phải chịu đời sống hết sức cơ cực lầm than. Thời kỳ đó, dân cư sống thưa thớt trong các ngôi nhà tranh vách đất, đêm đến leo lét đèn dầu nhà nào biết nhà đó. Có những địa danh trở thành nỗi ám ảnh của người dân như khu vực hố chôn tập thể người chết đói và lính tráng chết trận... tại phố An Hoà (nay là phường Phương Lâm).

 

Sự áp bức bóc lột tàn bạo của bọn thực dân đã dẫn tới những hoạt động tất yếu của nhân dân thị xã Hoà Bình là thái độ phản kháng, nhen nhóm tinh thần đấu tranh cách mạng. Đầu tháng 5/1945, tại gác xép ở ngôi nhà Phương Liên - phố Đồng Nhân (nay là khu đất phía bên phải nhà văn hoá thành phố), chi bộ Đảng đầu tiên của Thị xã Hoà Bình đã ra đời. Chi bộ Đảng thị xã đã phối hợp với chi bộ Đảng nhà tù Hoà Bình tập hợp, lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng dậy đấu tranh và giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 24/8/1945.

 

Nhớ lại những năm tháng hào hùng đó, ông Tốn xúc động nói: “Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở thị xã Hoà Bình đã trả lại quyền làm chủ quê hương cho nhân dân thị xã. Nhân dân phấn khởi, hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương”.

 

65 năm trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, thị xã Hoà Bình đã không ngừng đổi thay và lớn mạng. Thị xã Hoà Bình nhỏ bé năm xưa giờ đây đã trở thành thành phố trẻ đang trên đà phát triển. Nối đôi bờ tả - hữu sông Đà, cầu Hoà Bình được xây dựng kiên cố, thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế thay cho nhịp chèo mải miết năm xưa. Từ những đầm lầy, ruộng hoang... nhà cửa, phố xá mọc lên khang trang, sạch đẹp. Từ một chợ Phương Lâm là điểm giao lưu buôn bán duy nhất của thị xã năm xưa đến nay thành phố đã có 4.600 cơ sở kinh doanh, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm đến 54%. Thành phố ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức trên 14%, thu nhập bình quân theo đầu người đạt gần 22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%, thu ngân sách năm 2010 dự kiến đạt 113 tỷ động. Kinh tế tăng trưởng khá đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hoá - xã hội phát triển, đời sống người dân được chăm lo. Thành phố có 23/60 trường đạt chuẩn quốc gia, 15/15 trạm y tế xã phường có bác sỹ.... Nếp sống văn minh đô thị từng bước hình thành trong nhân dân. Thành phố Hoà Bình tự tin phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.

 

Vui mừng chứng kiến sự đổi thay và lớn mạng của thị xã Hoà Bình năm xưa và thành phố Hoà Bình hôm nay, ông Quách Xuân Tốn không giấu sự tự hào: “Nhân dân thành phố Hoà Bình đã phát huy được truyền thống đoàn kết cả trong thời chiến cũng như thời bình. Củng cố được khối đại đoàn kết thống nhất là yếu tố quan trọng quyết định sự thắng lợi của cách mạng cũng như cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trên bước đường xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.

 

                                                                                            Dương Liễu

 

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục