Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.

Sáng 22/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị đối tác năm 2011 với chủ đề “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam – hợp tác, chung sức vì nhân đạo”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự.

 

Với sự tham gia của trên 150 đại biểu, đại diện cho các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể trong nước và quốc tế, Hội nghị nhằm giới thiệu các định hướng hoạt động ưu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020; đồng thời kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp quốc tế và trong nước, các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chung tay giúp đỡ những đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng.

Đây là lần thứ 2 Hội nghị được tổ chức. Trước đó, ngày 28/8/2008, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị đối tác Hội Chữ thập đỏ lần thứ nhất. Qua 3 năm kể từ Hội nghị lần đầu tiên tới nay, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tiếp nhận và triển khai gần 90 dự án khác nhau với tổng kinh phí đã giải ngân đạt 464 tỷ 681 triệu đồng (trung bình 23 dự án với số tiền 116 tỷ/năm). Hiện tại, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai thực hiện 33 chương trình, dự án với tổng kinh phí hơn 151 tỷ đồng, trong đó có 21 dự án trong lĩnh vực phòng ngừa ứng phó thảm hoạ, đã giải ngân 40,7 tỷ đồng, chiếm 68,49%; 06 dự án về chăm sóc sức khoẻ, đã giải ngân 11,93 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,15%; 04 dự án trong lĩnh vực phát triển tổ chức, đã giải ngân gần 5,3 tỷ đồng, chiếm 8,88% và 02 dự án thuộc lĩnh vực công tác xã hội, đã giải ngân 1,54 tỷ đồng, chiếm 2,58% trong tổng số dự án quốc tế.

Các dự án đã có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên về phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, nâng cao khả năng tự ứng phó của cộng đồng trước thiên tai, thảm họa, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát triển các đội hình và lực lượng hướng dẫn viên về phòng ngừa, ứng phó thảm họa. Dự án dành cho phát triển cộng đồng, phát triển tổ chức, nước sạch, sơ cấp cứu, truyền thông sức khoẻ, an toàn giao thông, tạo việc làm cho người khuyết tật… tập trung vào các địa bàn đặc thù, cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, đã góp phần nâng cao năng lực của tổ chức Hội và tham gia giải quyết vấn đề bức xúc nhất tại một số địa phương. Địa bàn và đối tượng hưởng thụ dự án từng bước được điều chỉnh, đảm bảo hợp lý hơn, ưu tiên cho các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người dễ bị tổn thương.

Tại Hội nghị lần này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất 53 chương trình, dự án và kêu gọi tài trợ (Hội nghị năm 2008: đề xuất 28 dự án), trong đó có 03 chương trình lớn về lĩnh vực quản lý thảm họa; 13 dự án về lĩnh vực công tác xã hội, hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật, nạn nhân da cam; 3 dự án về lĩnh vực nước sạch, vệ sinh môi trường; 14 dự án về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hiến máu nhân đạo; 20 dự án về lĩnh vực tuyên truyền và phát triển tổ chức. Đây là những ưu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần tập trung triển khai trong 5 năm tới nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển Hội đến năm 2020 “Đổi mới tư duy - Tạo dựng vị thế - Bảo vệ sự sống”.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ chia nhóm thảo luận về các hoạt động ưu tiên, các chương trình của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tập trung vào 3 chủ đề chính: Quản lý thảm họa, Chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm: chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, hiến máu nhân đạo, chăm sóc người khuyết tật, bảo trợ nạn nhân chất độc da cam) và phát triển tổ chức (bao gồm: tổ chức; truyền thông và vận động xây dựng quỹ, tài chính; thanh thiếu niên và tình nguyện viên)…

 

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: MP)

Định hướng hoạt động ưu tiên đến năm 2020 của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung vào 4 lĩnh vực: Phòng ngừa và ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, phục hồi tái thiết; Chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Công tác xã hội nhân đạo. Để đạt được hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng xác định rõ các giải pháp trọng tâm, đó là: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Vận động xây dựng quỹ cho hoạt động Chữ thập đỏ; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Tham mưu và phối hợp trong các hoạt động nhân đạo; Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạt động nhân đạo. Về phương thức hợp tác, gồm hợp tác đa phương với các đối tác thông qua Hiệp Hội, Hội quốc gia hoặc một số Hội quốc gia và hợp tác song phương trực tiếp với các đối tác trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: Để có thể tạo niềm tin cho các đối tác, Hội Chữ Thập đỏ cần chỉ rõ những ưu tiên của mình trong hoạt động nhân đạo, cần xác định cụ thể những lĩnh vực hoạt động hợp tác và quan trọng cần phải chứng minh được năng lực hợp tác của mình đối với các đối tác . Phó Chủ tịch nước mong muốn các đối tác của Hội Chữ Thập đỏ như Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đại diện các Hội quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và khu vực, các thành viên Hội đồng Bảo trợ hoạt động Chữ thập đỏ, các Hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng chia sẻ những ưu tiên của mình đối với các hoạt động nhân đạo cụ thể. Phó Chủ tịch nước khẳng định, chỉ khi nào những ưu tiên của Hội Chữ Thập đỏ trùng với ưu tiên của các đối tác thì những hoạt động của Hội mới thực sự phát huy được hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đồng chí Trần Ngọc Tăng – Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bày tỏ sự mong muốn với tinh thần “hợp tác, chung sức vì nhân đạo”, Hội nghị lần này sẽ mở ra một trang mới trong hợp tác quốc tế toàn diện, trong vận động nhân đạo cả trong và ngoài nước, góp phần vào sự nghiệp nhân đạo cao cả của đất nước.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 22-23/9/2011./.

 

                                                            Theo DangCongSan.vn

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục