Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 25/11.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 25/11.

Sáng 25/11, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn và nghe trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.

 

Mở đầu phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn 10 phút đề cập đến vấn đề biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam và thực tế chúng ta đã làm chủ từ cách đây vài thế kỷ. 

Trả lời câu hỏi về quan điểm của Thủ tướng với việc người dân tụ tập, biểu tình biểu thị lòng yêu nước khi có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo từ bên ngoài? Những căn cứ để Chính phủ đề nghị Quốc hội xếp lịch xây dựng Luật Biểu tình trong chương trình xây dựng luật khóa này? Thủ tướng cho biết, Chính phủ căn cứ vào điều 69 Hiến pháp, quy định công dân được biểu tình theo pháp luật. Thực tế thời gian qua đã có nhiều cuộc tụ tập đông người, biểu tình của đồng bào để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với chính quyền. Việc chưa có luật quản lý, điều chỉnh gây khó cho người dân khi thực hiện quyền mà Hiến pháp quy định, cũng khó cho việc quản lý của chính quyền. Vì vậy, đã có những lúng túng nảy sinh, những biểu hiện mất an ninh trật tự, lợi dụng để kích động xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.

Trước tình trạng đó, Chính phủ đã có văn bản xin ý kiến Quốc hội khóa XII và nhận được phản hồi của cơ quan lập pháp yêu cầu ban hành Nghị định điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, Nghị định của Chính phủ có hiệu lực pháp luật không cao, chưa đáp ứng việc thực hiện quyền Hiến pháp quy định cũng như quản lý trong thực tế. Vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khóa này cần xây dựng luật cụ thể cho phù hợp với Hiến pháp, với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, Luật Biểu tình xây dựng để đảm bảo quyền lợi của người dân, để ngăn chặn việc làm, hành vi xâm hại an ninh trật tự, lợi ích xã hội.

Về quan điểm, chủ trương ứng xử với những người tụ tập biểu thị lòng yêu nước, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ luôn trân trọng, biểu dương và khen thưởng xứng đáng với tất cả những hoạt động, việc làm của mọi người dân thực sự vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng không hoan nghênh và buộc phải xử lý nghiêm những hành vi có động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước và bảo vệ chủ quyền để gây phương hại cho đất nước...

Với những câu hỏi của nhóm đại biểu Quốc hội đề cập về chủ trương quản lý khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ đã tổ chức họp, thảo luận về vấn đề này và thống nhất nhiều giải pháp lớn.

Trước hết, Chính phủ đã yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng chỉ đạo, ngăn chặn bằng được việc khai thác khoáng sản trái phép. Chính phủ cũng đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới. Việc tạm dừng đi liền với hoạt động rà soát ngay các các dự án đang khai thác. Theo đó, những dự án khai thác gây ô nhiễm môi trường, dự án “vượt” phép, dự án gây hư hỏng đường sá, mất an ninh trật tự sẽ phải dừng ngay. Sau rà soát sẽ bổ sung quy hoạch để đi vào khai thác sâu, chế biến hiệu quả khoáng sản.

Về chủ trương dừng xuất khẩu khoáng sản, dẫn chứng cụ thể, Thủ tướng cho biết Bộ Công Thương vừa qua đã cho dừng xuất khẩu quặng sắt ở mỏ Quý Sa – Lào Cai để tiến hành khai thác, chế biến sâu, hiệu quả hơn.

Về vấn đề cấp phép mới sau khi rà soát, quy hoạch lại, Thủ tướng quán triệt, chỉ những dự án khả thi, được phê duyệt, thẩm định hiệu quả về kinh tế, môi trường, an ninh trật tự mới được cấp phép khai thác khoáng sản.

Những câu hỏi, nội dung chất vấn còn lại không đủ thời gian trả lời trực tiếp trên hội trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ tiếp tục cập nhật, trả lời trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận yếu kém trong công tác thanh tra ngân hàng

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn còn dang dở chiều qua của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề tái cơ cấu, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp…
 

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn
 sáng 25/11


Tiếp tục trả lời thêm về trần lãi suất 14% một năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, việc để một trần lãi suất là có lợi. Ông Bình thừa nhận khi áp một mức trần thì ngân hàng lớn có lợi thế; nhưng ngân hàng nhỏ, tài chính lành mạnh thì cũng không gặp khó khăn, chỉ có tài chính yếu kém thì người gửi mới rút tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, trần lãi suất đã có từ cuối năm 2010 nhưng trước khi siết chặt kỷ cương từ ngày 7/9, hiện tượng huy động vượt trần diễn ra tràn lan, phổ biến ở mức 17-18% một năm. "Cơ quan giám sát ngân hàng tiến hành thanh tra nhiều lần nhưng không phát hiện được trong 6 tháng đầu năm 2011. Đó là yếu kém, trì trệ của thanh tra, trách nhiệm đó thuộc lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước", ông Bình thẳng thắn.

Trước câu hỏi của nhóm đại biểu Quốc hội về việc “hiện chênh lệch lãi suất cho vay – huy động khá lớn, liệu điều này khiến cho doanh nghiệp khó khăn, trong khi ngân hàng thì lãi lớn?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, bản thân các ngân hàng không có tiền, có vốn sẵn có mà đó là tiền nhàn rỗi huy động được trong nền kinh tế. Theo quy định của Luật Ngân hàng, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động là 2 – 3%, như vậy với mức trần huy động 14% và lãi suất cho vay 16 -18% là trong phạm vi cho phép.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, với một ngân hàng có quy mô trung bình thì tài sản họ quản lý cũng từ 5-6 chục nghìn tỷ đồng. Với một lượng vốn như vậy thì thì một năm họ lãi vài ba trăm tỷ đồng cũng là mức thấp. Tuy nhiên, theo ông Bình, trong thời gian qua, có một số ngân hàng vì muốn quảng bá thương hiệu sau mỗi tháng, mỗi quý đã công bố lợi nhuận, khiến dư luận hiểu nhầm ngân hàng lãi lớn. Nhưng thực tế theo đúng quy định về hạch toán thì sau thời gian 6 tháng, 1 năm, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí, trích lập dự phòng rủi ro... thì mới chính thức là lợi nhuận.

“Qua giám sát các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, lợi nhuận của ngân hàng không lớn, không cao hơn các lĩnh vực khác” - Thống đốc khẳng định. Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất không phụ thuộc vào chủ quan của Ngân hàng Nhà nước mà phụ thuộc vào diễn biến nền kinh tế. Hiện lạm phát đang có xu hướng giảm tốc, đó là cơ sở để xem xét giảm lãi suất.

Trước câu hỏi của đại biểu “Lãi suất cho vay đã giảm xuống 17 -19% nhưng một số doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vốn?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phản hồi, trước đó, lãi suất 14% nhưng thực tế doanh nghiệp đã phải huy động từ 16 -18%. Như vậy, việc quy định trần đã siết được lãi suất huy động xuống, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến 16 -18%, lãi suất cho vay các lĩnh vực phi sản xuất khác, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng có cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trước đây tăng trưởng tín dụng ở mức 33%, nay mục tiêu kéo về dưới 20% nên sẽ có một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn từ ngân hàng. Nhưng vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với ngân hàng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh vàng cũng là một trong các nội dung được nhóm các đại biểu chất vấn. Trả lời câu hỏi “một số quy định trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng phải chăng tạo độc quyền cho Công ty vàng SJC, làm giảm số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng? Việc cấp phép nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước có gì mới?” , Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời thẳng thắn: Theo quy định, Nhà nước sẽ độc quyền kinh doanh vàng miếng, tuy nhiên, nhìn lại mặt bằng quản lý kinh doanh vàng còn nhiều bất cập.

Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 quy định Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý vàng nhưng các văn bản dưới luật lại phân khúc hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trong đó, Ngân hàng Nhà nước  chỉ quản lý duy nhất khâu xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng. Các khâu sau được coi là hàng hóa bình thường, được lưu thông theo quy định hàng hóa bình thường do Bộ Công Thương quản lý nên đã gây ra nhiều bất cập.

Trong phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình về dự thảo quản lý thị trường vàng đang gây xôn xao dư luận. Có đại biểu lo rằng việc đưa vàng SJC vào thế độc quyền có thể khiến nhiều thương hiệu vàng khác bị xóa sổ.

Trả lời những câu hỏi trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), với thị phần chiếm 90% thị trường vàng miếng trong nước, vốn trực thuộc Thành ủy TP HCM. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã bàn với UBND TP HCM và kết luận rằng SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước. Bằng việc này, Ngân hàng Nhà nước cùng lúc đạt được hai mục tiêu là giữ vững sự độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, đồng thời tiết giảm được chi phí.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thêm, vì hiện cả nước có hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng, được quyền thoả sức kinh doanh vàng miếng, nên tới đây vì lợi ích của cả quốc gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ thống nhất quản lý kinh doanh vàng miếng, quy về một thương hiệu, rất thể là dùng vàng của SJC. Khi có điều kiện, thương hiệu vàng SJC sẽ được đổi tên thành vàng SBV (SBV là tên viết tắt tiếng Anh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - State Bank of Vietnam) để nhân dân yên tâm.

Liên quan đến giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết có một số giải pháp lớn được đưa ra theo phương châm là không để tổ chức nào đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Thống đốc đưa ra lộ trình đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng.

 

                                                  Theo DangCongSan.vn

 

 


 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục