Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị). Ảnh: HỒ CẦU (TTXVN)

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị). Ảnh: HỒ CẦU (TTXVN)

* Quảng Trị tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông và đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hai di tích lịch sử

 

* Chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 30-4, tại Khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị; khai mạc lễ hội Thống nhất non sông, đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với hai di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh), Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và Hải Lăng). Đến dự, có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm xưa cùng đông đảo nhân dân.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lễ Thượng cờ được tổ chức trang nghiêm tại Kỳ đài lịch sử mà suốt 20 năm quân và dân cả nước đã bảo vệ lá cờ như bảo vệ trái tim Tổ quốc. Lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Hiền Lương lịch sử thể hiện niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, là niềm tin, ý chí và sức mạnh vô địch của Cách mạng Việt Nam, là màu son rực rỡ của lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với hai di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 là sự tri ân sâu sắc của toàn dân tộc đối với những hy sinh của bao thế hệ cha anh ngã xuống để viết nên bản anh hùng ca Thống nhất non sông...

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Đinh Thế Huynh trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với hai di tích lịch sử nêu trên. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nằm ở vị trí chiến lược hai đầu cầu giới tuyến BắcNam, Quảng Trị trở thành chiến trường nóng bỏng, ác liệt nhất, nơi đối đầu giữa ta và địch. Trong cuộc đọ sức đó, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung xây dựng bộ máy đàn áp khét tiếng tàn bạo, sử dụng những vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ, cùng với những âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc, dã man, gây ra bao tội ác man rợ... Nhưng tất cả đều thất bại trước ý chí chiến đấu kiên cường vì độc lập dân tộc, vì thống nhất non sông của quân và dân ta. Ròng rã hơn 20 năm, nhân dân Quảng Trị đã sát cánh cùng đồng bào cả nước chiến đấu, hy sinh đập tan cuồng vọng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai "lấp sông Bến Hải", tấn công ra miền Bắc.

Quân và dân Quảng Trị đã nêu cao ý chí quật cường, phối hợp chiến đấu cùng các đơn vị quân chủ lực lập nên những chiến công vang dội như chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Cồn Tiên -Dốc Miếu, Đông Hà, Cửa Việt, La Vang..., đặc biệt là thắng lợi của cuộc chiến đấu kiên cường chống địch phản kích, bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị mùa hè năm 1972. Để trụ vững và giành chiến thắng trong các cuộc chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh, thử thách đó, biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta, những người con ưu tú từ mọi miền Tổ quốc đã đổ xuống để giành giữ từng tấc đất quê hương. 81 ngày đêm kiên cường bám trụ, quân và dân ta đã viết nên bản anh hùng ca bất tử về ý chí, sức mạnh, sự hy sinh cao cả, mãi mãi làm xúc động lòng người, trở thành biểu tượng sáng ngời về Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc ta.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Những giá trị lịch sử, văn hóa của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung, hai di tích Đôi bờ Hiền Lương -Bến Hải, di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị năm 1972 vừa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là tài sản vô giá của dân tộc ta và của quê hương Quảng Trị anh hùng, cần được quan tâm bảo vệ và phát huy. Đây là niềm vinh dự và tự hào của nhân dân cả nước, trực tiếp là của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị; đồng thời cũng đặt ra cho chúng ta trách nhiệm to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị của các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này.

Đồng chí Đinh Thế Huynh tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị sẽ tận dụng thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đạt được các mục tiêu CNH, HĐH trong thời gian sớm nhất. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giúp tỉnh Quảng Trị thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ, phát huy những giá trị to lớn của các Di tích quốc gia đặc biệt vừa được Nhà nước công nhận.

Nhân dịp này, đồng chí Đinh Thế Huynh cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị đến dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, Thành Cổ Quảng Trị và thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong chiến dịch bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm năm 1972.

TP Hồ Chí Minh trang hoàng trong dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: AN HIẾU (TTXVN)

* Tối 30-4, tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức các Ngày lễ lớn thành phố tổ chức chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 128 năm Ngày Quốc tế Lao động.

Đến dự, có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương tại TP Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hồ Chí Minh cùng các vị lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tướng lĩnh, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, các tầng lớp nhân dân và đông đảo đoàn viên, thanh niên.

Chương trình có phần giao lưu với những nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến đấu giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc như: Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Thành Trung, phi công lái máy bay ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 8-4-1975; Đại úy Lê Văn Phượng, một trong bốn chiến sĩ trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975; đồng chí Nguyễn Thị Mai, biệt động hoạt động ở vùng lõm Bảy Hiền, đại diện đội nữ du kích Củ Chi... Những chiến công, câu chuyện, hồi ức cách mạng của các nhân chứng lịch sử giúp tái hiện những chặng đường lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Tối 30-4, tại đầu hầm vượt sông Sài Gòn, phía quận 2, TP Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao chào mừng kỷ niệm Ngày Chiến thắng.

* Ngày 30-4, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức thông xe cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cầu có chiều dài hơn 59 m, rộng hơn 18 m, hoàn thành vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch. Mặc dù quy mô nhỏ nhưng cầu Lê Văn Sỹ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Lê Văn Sỹ và Trần Quốc Thảo cũng như các tuyến đường lân cận.

* Tối 30-4 và 1-5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp các đoàn nghệ thuật của trung ương và Hà Nội tổ chức 40 chương trình biểu diễn tại các sân khấu ngoài trời. Trong đó, có chương trình của Nhà hát cải lương Hà Nội tại trung tâm quận Ba Đình. Chương trình biểu diễn các bài ca tân cổ và tiểu phẩm ngắn; Đoàn Xiếc Hà Nội trình diễn các tiết mục xiếc người, xiếc thú tại sân khấu quận Đống Đa, sau đó biểu diễn tại sân khấu trung tâm huyện Hoài Đức; Đoàn quan họ Bắc Ninh biểu diễn tại sân khấu trung tâm huyện Ba Vì...

* Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của công chúng. Từ ngày 30-4 đến ngày 4-5, tại mỗi khu nhà dân tộc sẽ có một số hoạt động vui chơi, như: kéo co, nhảy bao bố, ném gỗ, quay người, lăn bưởi, giấu sỏi... của dân tộc Si La, Cống, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê... Tại đây, các em nhỏ có thể tập làm hoa, những con vật bằng lá. Cũng tại Bảo tàng, dịp này còn diễn ra chương trình múa rối nước với bốn suất diễn/mỗi ngày.

* Tối 30-4, tại TP Bắc Giang, Trung tâm Văn hóa, Thể thao TP Bắc Giang tổ chức biểu diễn nghệ thuật ngoài trời. Chương trình có gần 20 tiết mục ca, múa, nhạc đặc sắc, ca ngợi tinh thần cách mạng của dân tộc Việt Nam, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời thư viện tỉnh Bắc Giang mở đợt triển lãm sách với các chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và "Âm vang Điện Biên". Trong dịp này, Nhà hát chèo tỉnh Bắc Giang tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh triển khai tuần phim cách mạng ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

* Tối 30-4, tại Quảng trường biển khu 1 Đồ Sơn, hàng nghìn du khách và nhân dân đã tham dự khai mạc Liên hoan du lịch "Đồ Sơn biển gọi - 2014", mở đầu cho mùa du lịch biển Hải Phòng năm 2014.

Sáng 30-4, Đồ Sơn cũng tổ chức đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với rặng thị ở phường Ngọc Xuyên, gồm 17 cây có tuổi đời hàng trăm năm.

* Tối 30-4, tại sân khấu nổi trên phá Tam Giang, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã khai mạc Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" năm 2014, do huyện Quảng Điền phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế tổ chức.

Diễn ra trong ba ngày (từ ngày 30-4 đến 2-5), tại Lễ hội "Sóng nước Tam Giang" năm nay có nhiều hoạt động: Lễ tế Bà Tơ - một lễ hội truyền thống của cư dân vùng sông nước Quảng Điền được tổ chức tại thôn Bát Vọng Đông (xã Quảng Phú); hội trại thanh niên và các trò chơi dân gian, biểu diễn thả diều, đua ghe câu trên phá Tam Giang, hội chợ làng nghề và thương mại ẩm thực với hơn 70 gian hàng trưng bày.

* Ngày 30-4, tại Công viên Biển Đông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng phối hợp Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức khai mạc chương trình Mùa du lịch biển Đà Nẵng năm 2014 diễn ra từ ngày 30-4 đến 5-5. Mở đầu là Giải đua xe đạp "Chinh phục bán đảo Sơn Trà" với sự tham gia của 200 vận động viên đến từ các câu lạc bộ trên toàn quốc. Đây là hoạt động đặc biệt mở đầu cho chuỗi chương trình Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2014 với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn như: trình diễn các môn thể thao biển như ca-nô kéo dù, phao chuối, mô-tô nước, hô bài chòi; đi bộ diễu hành vì môi trường du lịch biển Đà Nẵng; giải bóng chuyền bãi biển; Ngày hội Sơn Trà xanh...

* Kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và Quốc tế Lao động 1-5, kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, sáng 30-4, trên sông Nhật Lệ, UBND thành phố Đồng Hới tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống lần thứ 14. Tham dự, có tám đội thuyền, tổng số gần 200 vận động viên. Lễ hội đã thu hút sự tham gia, cổ vũ của hàng nghìn người dân thành phố Đồng Hới và khách du lịch. Giải nhất cuộc đua thuộc về đội thuyền Phú Hải 2 (phường Phú Hải), giải nhì đội thuyền Cừa Phú (xã Bảo Ninh) và giải ba đội thuyền phường Phú Hải 1 (phường Phú Hải).

 

                                                                     Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục