Bà Nguyễn Thị Vuông, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) giới thiệu với phóng viên về kỷ vật Bác Hồ tặng.

Bà Nguyễn Thị Vuông, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) giới thiệu với phóng viên về kỷ vật Bác Hồ tặng.

(HBĐT) - Một buổi sáng tháng 5, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Vuông ở xóm Gốc Đa, xã Hợp Thành (Kỳ Sơn). Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng khi hỏi về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, đôi mắt của bà linh hoạt lạ thường, giọng nói ấm áp: “Vinh dự nhất cuộc đời tôi là hai lần được gặp Bác”. Là phụ nữ dân tộc Mường, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, bà đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia du kích và đạt được nhiều thành tích. Nhờ đó, năm 1947, bà được kết nạp Đảng và tháng 4/1950 được đi dự Đại hội LHPN Việt Nam lần thứ I tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Chính tại đây, lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ.

 

Không hẹn trước, không có sự chuẩn bị nhưng bao kỷ niệm về Bác cứ ùa về dạt dào. Bà kể rành rọt nhưng có lúc lại chậm rãi, rưng rưng xúc động: “Bác xuất hiện trước toàn thể đại hội trong màu áo nâu giản dị. Bác nói nhiều ý nhưng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu về nhiệm vụ tích cực xây dựng Hội thành một Hội duy nhất của phụ nữ Việt Nam, việc cải thiện đời sống cho phụ nữ, nhi đồng và dồn sức chuẩn bị để tiến tới tổng phản công”. Sau đại hội, tôi bất ngờ khi được một cán bộ mời xuống nhà bếp ăn cơm cùng Bác. Cảm giác hồi hộp, lo lắng lắm nhưng khi được Bác mời ngồi cạnh, gắp thức ăn vào bát, tôi thấy Bác ân cần, gần gũi như một người cha. Rồi Bác động viên khi biết tôi đang ốm: “Ngày mai cháu sẽ khỏi thôi. Là con nhà du kích, khó khăn nào cũng vượt qua”.  

Vừa ăn cơm, Bác vừa căn dặn, khi về phải cố gắng thuyết phục thanh niên tham gia vào bộ đội để giữ quê hương và vận động nhân dân sơ tán. Bác còn hỏi tôi, ở Hòa Bình đã được gặp ông Đinh Công Phủ chưa, khi về nhớ cho Bác gửi lời hỏi thăm. Sau đó, Bác nói: Cháu là một phụ nữ dân tộc Mường có công giết giặc, Bác tặng cháu cái này, rồi Bác đưa cho tôi một mẩu giấy có ghi dòng chữ: “Tặng cháu Nguyễn Thị Vuông, một nữ du kích kiểu mẫu 1 cái huy chương”, bên dưới ký tên Hồ Chí Minh. Tôi vô cùng xúc động về một vị lãnh tụ nhưng hết sức giản dị, quan tâm và hiểu từng người dân. Điều vui sướng nhất với tôi không phải chỉ để được Bác khen mà chính là nhận được tình cảm ấm áp từ một người cha và những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của một bậc vĩ nhân.  

9 năm sau, vào năm 1959, tôi lại được gặp Bác Hồ tại Hà Nội khi cùng đoàn học sinh thuộc trường của Bộ Nội Vụ ở Bắc Ninh được lên dự họp Quốc hội khóa I. Lần này, tôi không kìm được nước mắt khi Bác nhìn thấy tôi, vẫn nhớ tên và hỏi: “Cháu Vuông đấy à, cháu về học có khỏe không? Cháu cứ nghe Quốc hội thảo luận, khi về trường cố gắng học để sau này làm việc cho tốt”. Đúng là hiếm thấy một bậc vĩ nhân nào như Bác, bao bộn bề việc nước vẫn  nhớ, quan tâm dạy bảo từng con người.   

Đối với tỉnh Hòa Bình, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian nhiều lần về thăm. Đi đến đâu, gặp ai Bác cũng để lại những tình cảm sâu sắc. Với ông Nguyễn Văn Nông, xóm Chu, xã Trung Minh (TPHB), lần gặp Bác Hồ tại trường Hợp tác hoá nông nghiệp ở Bến Ngọc ngày 19/10/1958 là kỷ niệm nhớ nhất cuộc đời. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ chính thức về thăm tỉnh. “Biết được đón Bác Hồ, cán bộ, nhân dân tỉnh ta đứng xếp hàng chờ tại cửa hội trường nhưng Bác lại đi thẳng xuống nhà bếp, xem cách thức nấu ăn cho giáo viên, học sinh. Bác đi ra chỗ rửa rau và hỏi các anh chị bếp rửa mấy lần, Bác còn cầm rau lên xem và đi xem chỗ úp bát. Gặp bếp trưởng, Bác dặn phải giữ gìn vệ sinh để giáo viên, học sinh đảm bảo sức khỏe học tập và cống hiến cho phong trào hợp tác hóa của tỉnh. Sau đó, Bác đi cửa khác lên thẳng bục trong hội trường. Mọi người bất ngờ quay vào thì Bác giơ tay chào và ra hiệu cho hơn 300 người ngồi xuống. Bác đến trong màu áo nâu và đôi dép cao su, thân thương như một người cha đến với các con. Bác hỏi thăm tình hình của trường, của tỉnh, chỉ ra những hạn chế và dặn dò phải biết tiết kiệm, hăng hái thi đua, đoàn kết các dân tộc. Trước khi rời hội trường, Bác bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”, mọi người cùng hân hoan, phấn khởi cất cao lời ca. Trong chuyến thăm đó, Bác còn đến thăm một gia đình người dân tộc Mường. Bác bỏ dép dưới bậc thang nhà sàn và đi về phía bếp, nắm tay cụ già, ân cần hỏi thăm sức khoẻ, cuộc sống của gia đình. Một vị lãnh tụ sâu sát trong công việc, hiểu được phong tục bản địa, ứng xử có văn hóa và gần dân, thương dân vô cùng. Được gặp trong khoảng thời gian không nhiều nhưng đến tận bây giờ, ký ức về Bác vẫn vẹn nguyên, sáng mãi trong trái tim tôi” -  ông Nguyễn Văn Nông tâm sự.  

Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh, nhân cách của Người còn mãi đậm sâu trong trái tim nhân dân Việt Nam. Bác vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước. Ôn lại những bài học quý, những hành động, việc làm trong sáng của Bác cũng là dịp để mỗi người soi chung tấm gương, gương mẫu học và làm theo Bác.

 

                                                                                        Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục