Hàng loạt vấn đề "nóng" như áp lực nợ công, bội chi ngân sách, xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, giải pháp tăng trưởng...đang được đặt lên bàn nghị sự.

Hôm nay (31/10) Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường kéo dài 2,5 ngày về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020.

 

Nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội sẽ kéo dài từ sáng 31/10 đến hết buổi sáng 2/11

Dự kiến, hàng loạt vấn đề nóng về kinh tế - xã hội sẽ được đặt lên bàn nghị sự, trong đó có giải pháp tăng trưởng kinh tế, giảm bôi chi ngân sách, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ, dự án BOT, BT, kiểm soát nợ công, lạm phát, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

Phân bổ vốn chưa hợp lý

Mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La bày tỏ tin tưởng rằng với các nhóm giải pháp toàn diện mà Chính phủ đưa ra, tăng trưởng năm nay sẽ đạt mục tiêu là 6,7%.

Ông Nguyễn Đắc Quỳnh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đại biểu này lưu ý đến sự cần thiết phải ứng phó với các biến đổi trên thị trường, giảm nhẹ thiên tai,...

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đắc Quỳnh

Đặc biệt, ông Quỳnh cho rằng, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo phòng chống thiên tai, vừa lo xây dựng vừa lo giữ gìn thành quả đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) đồng ý với các nhóm giải pháp tăng trưởng của Chính phủ, đồng thời nêu ra một số bất cập trong việc phân bổ ngân sách trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia.

Ông Bình cho rằng tiến trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các tỉnh miền núi còn rất chậm, việc hỗ trợ sản xuất chưa được các bộ chủ quản chưa hướng dẫn cụ thể.

Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để thực hiện các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020. Đây là các chương trình quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa nhưng phân bổ nguồn vốn chưa phù hợp, giải ngân chậm.

Nợ chồng lên nợ

Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, số liệu tăng trưởng không hợp lý, các quý cuối năm thường tăng đột biến. Tốc độ tăng trưởng GDP rất "thần kỳ" ở quý 3 và 4 dù khá thấp ở 2 quý đầu năm.

Ông Hàm đề nghị chính phủ làm rõ và khắc phục ngay tình trạng này để đảm bảo tăng trưởng thực chất và hiệu quả.

 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng nêu thực tế: Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn chủ yếu đi vay nhưng bố trí vốn chưa hợp lý. Các dự án mục tiêu quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành nhưng vẫn chưa được để dành vốn nên không có tiền triển khai hai dự án này trong năm 2018.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư của 21 chương trình mục tiêu được bố trí rất hạn hẹp nên khó đảm bảo thực hiện. Trong khi đó, bội chi cao sát trần, kỷ luật tài khóa chưa nghiêm, nợ công ở mức cao, bình quân trả lãi mỗi năm 100 nghìn tỷ, phải vay đảo nợ khiến nợ chồng lên nợ, ông Hàm nêu rõ.

Ông Hàm kiến nghị một số giải pháp cụ thể để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, trong đó có ưu tiên giảm bội chi, đẩy mạnh tinh giản biên chế, giữ vững an toàn nợ công, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, tăng vốn đầu tư cho hai dự án làm đường cao tốc Bắc Nam và xây sân bay Long Thành, đẩy nhanh cơ chế tự chủ, khoán chi không thường xuyên, ưu tiên giảm bội chi trả nợ, cắt giảm phát hành trái phiếu,...

Các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội trường về chủ đề kinh tế - xã hội đến hết buổi sáng ngày 2/11. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội đầu kỳ họp cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.

Dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD; dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Năm 2018 Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP.../.

                             Theo VOV

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục