(HBĐT) - "Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài FDI chủ yếu là DN Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, may mặc, tập trung tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn, bờ trái sông Đà và một số địa bàn khác, cơ bản triển khai dự án nhanh, bảo đảm tiến độ đề ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả, đặc biệt là giải quyết việc làm, thay đổi tư duy người lao động, tạo ra giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững" - đồng chí Lưu Tùng Lâm, Phó phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh cho biết.  



Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni tại Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Hầu hết các DN FDI triển khai dự án đúng tiến độ cam kết, hoạt động SX-KD có hiệu quả, tạo sự tăng trưởng ổn định về doanh thu, giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công ty TNHH dệt kim Hòa Bình Koyuseni tại KCN bờ trái sông Đà được thành lập trên cơ sở liên kết giữa đối tác Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó đối tác Việt Nam xây dựng nhà xưởng, máy móc công nghệ của Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản. Nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả từ nhiều năm nay, môi trường làm việc tốt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản là một trong những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Bà Dương Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R cho biết: Sau 20 năm hoạt động, công ty thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, có sự tăng trưởng tốt. Năm 2021, công ty thực hiện giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu 18 triệu USD, nộp NSNN 9,4 tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 762 lao động với thu nhập bình quân 8,2 triệu đồng/người/tháng. 

Công ty may mặc của Tập đoàn Esquel là một trong những doanh nghiệp sớm đầu tư tại KCN Lương Sơn có tăng trưởng về doanh thu, quy mô, năng lực sản xuất. Từ đầu năm hết tháng 4 đã thực hiện doanh thu và giá trị xuất khẩu đạt 17,63 triệu USD. Mấy năm nay, công ty duy trì tạo việc làm ổn định cho xấp xỉ 5.000 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, có những năm công ty đóng góp 10% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản, nhiều năm liền được tặng thưởng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh vì thành tích đóng góp tốt cho ngân sách, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động. Đến nay, công ty đã cung cấp trên 50 triệu sản phẩm linh kiện xe máy, cung cấp cho các khách hàng lớn như Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Năm 2021, công ty thực hiện doanh thu 459 tỷ đồng, sử dụng trên 200 lao động với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng, nộp NSNN trên 2,1 tiệu USD. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư nước ngoài như các công ty: Transon, Seyong INC, Midori Apparel Việt Nam, Doosung Tech Việt Nam…. tại KCN Lương Sơn; Sankoh, GGS tại KCN bờ trái sông Đà đang góp phần đáng kể vào doanh thu, giá trị xuất khẩu, giải quyết việc làm, nộp NSNN. 

Năm 2021, các chỉ tiêu phát triển KCN đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Các KCN thu hút 8 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,5 triệu USD và 315,85 tỷ đồng, trong đó, 1 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 6,5 triệu USD, 7 dự án DDI với tổng vốn đăng ký 315,85 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án, trong đó có 1 dự án FDI tăng 4 triệu USD, 4 dự án DDI tăng 88,9 tỷ đồng. Đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của là 103 dự án (27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 528,1 triệu USD và 76 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký 11.084,45 tỷ đồng). Các doanh nghiệp KCN thực hiện doanh thu đạt 17.989 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020, tăng 13,9% so với kế hoạch; giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, nộp NSNN 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Giá trị xuất khẩu và doanh thu giá trị sản xuất công nghiệp chiếm lần lượt là 51% và 33,72% giá trị của toàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển các KCN tỉnh trong 5 năm (2021-2025). Theo đó, đề ra mục tiêu, giải pháp trọng tâm như: Nâng cao tỷ lệ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các KCN, tỷ lệ lấp đầy KCN; tạo nhiều diện tích đất sạch đã có hạ tầng để thu hút các dự án đầu tư lớn, nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực; hỗ trợ có hiệu quả các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Yên Quang, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN đã hình thành lên trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các KCN, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha)…

Đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: BQL các KCN tỉnh đang tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, triển khai giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất sạch tại KCN, tăng cường xúc tiến, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển công nghiệp sạch và bền vững theo quy hoạch. Được biết, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế. Nghị định có quy định điều kiện chuyển đổi KCN sang phát triển khu đô thị - dịch vụ đã tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.

Lê Chung

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục