Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; đưa hàng hóa nông sản tới thị trường các nước: Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… những năm qua, tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực để chắp cánh, tạo đà cho nông sản Hòa Bình vươn xa.


Công nhân Công ty cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi - Lạc Thủy) 
vận chuyển lô hàng măng để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Hà Lan vào tháng 2 vừa qua.

Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Để nông nghiệp giữ vững vai trò "trụ đỡ” nền kinh tế của tỉnh, từ những năm 2015, 2016… tỉnh ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, phát triển thủy sản, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tháng 8/2015, UBND tỉnh phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.  Thực hiện Đề án, trong giai đoạn này ngành nông nghiệp của tỉnh đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Tăng trưởng bình quân ngành đạt 4,5%/năm (chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế của tỉnh). Phát huy kết quả đó, ngành NN&PTNT Hòa Bình tiếp tục thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với lộ trình cụ thể.

Cùng với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng bình quân 18% trở lên và cụ thể hóa kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tích cực triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch trong lĩnh vực NN&PTNT, thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện tốt các đề án, kế hoạch, giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Với các chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, vốn đầu tư cho  phát triển nông nghiệp đã tăng khá trong thời gian qua. Sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng thương hiệu, kết nối mở rộng thị trường 

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, kỹ thuật canh tác… trong những năm qua, tỉnh ta không ngừng mở rộng vùng sản xuất hàng hóa nông sản. Trong đó tập trung sản xuất nông sản an toàn đạt chất lượng cao, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với thu hút đầu tư, mời gọi các dự án phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao vào địa bàn, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp, hỗ trợ, tư vấn các nhà vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng các điều kiện tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện khoảng 20% diện tích cây có múi trong tổng diện tích 9.600 ha cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại nên năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là cây có múi trên địa bàn tỉnh luôn khẳng định được uy tín trên thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước.

Để chắp cánh cho nông sản Hòa Bình vươn ra biển lớn, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, đặc biệt là xuất khẩu như: tinh bột nghệ của Công ty TNHH tinh bột nghệ Nhưng Vần (Lạc Sơn); trà chanh đào mật ong của HTX Hà Phong (Cao Phong) đã xuất khẩu sang thị trường Anh quốc; các sản phẩm măng sơ chế, chế biến của Công ty cổ phần Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) xuất khẩu sang thị trường các nước: Hà Lan, Nhật Bản, Đức...; sản phẩm chè Sông Bôi xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Theo đó liên tiếp trong năm 2022, 2023 và đầu năm 2024, nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được xuất khẩu thành công sang các thị trường Mỹ, Anh, EU... như: mía tươi, măng tươi của Công ty cổ phần Kim Bôi, cam Cao Phong, chè Sông Bôi, bưởi Lương Sơn, Yên Thủy… Được quan tâm đầu tư đúng mức, nông sản Hòa Bình đã khẳng định được thương hiệu, giá trị và từng bước vươn xa.



Lam Nguyệt 
(CTV)

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục