Trong các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2009, chỉ số minh bạch giảm sút mạnh mẽ khiến lợi thế thuộc về các doanh nghiệp có "mối quan hệ", phải trả phí để "bôi trơn". Trong khi đó, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh lại sụt giảm.

Thứ hạng ít biến động

Các vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009 (PCI), do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI công bố sáng 14/1, cơ bản không thay đổi nhiều.

Giống như năm 2008, Đà Nẵng (75,96 điểm) tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về điểm số PCI, theo sau là Bình Dương, tỉnh đã từng dẫn đầu trong ba năm (74,01 điểm). Ngoài ra, Lào Cai (70,47 điểm), Đồng Tháp (68,54 điểm), Vĩnh Long (67,24 điểm) và Vĩnh Phúc (66,65 điểm) cùng nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Cao Bằng, Đắk Nông và Bắc Kạn nằm cuối bảng xếp hạng.

Mô tả ảnh.
Đang có sự bùng nổ về công văn, thay vì ban hành văn bản pháp luật. (Ảnh minh họa: VNN) 

Vị trí các nhóm hạng này ổn định ngay cả khi sử dụng các phương pháp tính toán trọng số và xây dựng chỉ số khác nhau (chẳng hạn, thay đổi quan trọng nhất là quyết định bỏ chỉ số Ưu đãi doanh nghiệp nhà nước tại địa phương), vì vậy có giá trị hơn khi sử dụng để so sánh các kết quả.  

Thứ bậc đơn lẻ trong các nhóm xếp hạng có thể thay đổi chút ít, tùy thuộc vào thay đổi nhỏ trong quá trình xây dựng chỉ số.

Tuy nhiên, “ổn định” không đồng nghĩa với “cố định”. Trong hai năm qua, một loạt các địa phương đã dần chuyển lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng.

Chỉ số PCI 2009 là “tập hợp tiếng nói” của 9.890 DN dân doanh đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh.

Kết quả cuối cùng là chỉ số tổng hợp xếp hạng 63 tỉnh, thành của Việt Nam dựa trên kết quả công tác điều hành của từng địa phương trong 9 lĩnh vực có vai trò then chốt đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Năm nay, trong tổng DN tham gia trả lời điều tra, DN tư nhân chiếm 35%, công ty TNHH chiếm 45% và 18% là các công ty cổ phần.

Điển hình như các tỉnh Cà Mau, Điện Biên, Long An và Thừa Thiên - Huế có bước nhảy vọt về thứ hạng. Điểm thú vị, điểm số của các tỉnh này tăng mạnh ở các lĩnh vực khác nhau.

Điện Biên cải thiện đáng kể trong cắt giảm các chi phí không chính thức, nâng cao tính năng động của lãnh đạo tỉnh và thúc đẩy chất lượng đào tạo lao động. Cà Mau thực hiện các biện pháp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức.

Các bước tiến của hai tỉnh Long An và Thừa Thiên - Huế là nhờ cải thiện chỉ số tính minh bạch tăng.

Ví dụ điển hình nhất, ngay cửa trụ sở của một cơ quan Nhà nước như Sở TN-MT Long An có đặt một màn hình máy tính, giúp người dân tiếp cận với các kế hoạch sử dụng đất, văn bản pháp luật và tiến độ xử lý các hồ sơ.

Báo cáo PCI năm 2009 cũng xem xét trường hợp Hà Nội mở rộng. Theo đó, việc nhập Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và huyện Lương Sơn - Hòa Bình vào Thủ đô thực sự đã làm tăng điểm tổng hợp PCI của Hà Nội mới lên chút ít. Tuy nhiên, thay đổi này là khá nhỏ, không làm thay đổi nhiều vị trí xếp hạng.

Tâm lý bi quan vẫn bao trùm

Kết quả năm 2009 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã giảm xuống sau quý II, bất chấp các số liệu về kinh tế vĩ mô chỉ ra rằng Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tâm lý kém lạc quan ở các doanh nghiệp tư nhân là phổ biến hơn cả, nhưng xu hướng ít lạc quan lại bao trùm trên tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Theo điều tra của VCCI, chỉ 65% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong hai năm tới, so với 78% năm 2008 và 77% năm 2007. Các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với 47% doanh nghiệp cho biết có ý định mở rộng kinh doanh.

Đánh giá về gói kích cầu của Chính phủ triển khai trong năm 2009, 3.225 trong số 9.890 doanh nghiệp phản hồi điều tra PCI cho biết tiếp cận được khoản vay với lãi suất ưu đãi 4%.

Việc tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất từ gói kích thích kinh tế dường như có liên quan đến khả năng mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.

Các đơn vị được hưởng lãi suất ưu đãi này có khả năng tuyển dụng thêm lao động trong năm vừa qua cũng như mua thêm đất đai, nhà xưởng và khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh trong vòng 2 năm tới cũng cao hơn.

Ngoài ra, gói kích cầu này đã được phân bổ tương đối đồng đều trên khắp cả nước. Trên thực tế, các doanh nghiệp ở nông thôn và có quy mô nhỏ hơn dễ có khả năng được vay vốn hơn.

Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu sơ bộ và cần phải tiến hành thêm một số phân tích để có thể khẳng định các kết quả nêu trên.

Phải trả phí "bôi trơn"

Một trong những chỉ số quan trọng để làm tiêu chí khi xếp hạng là tính minh bạch, mặc dù có sự cải thiện lớn song năm 2009 lại đảo chiều. 

Cụ thể, để tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh và tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh (61,26%) giảm về mức năm 2006.

Tương tự, số doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi pháp luật của tỉnh (8,4%) và phải thương lượng với cán bộ thuế địa phương (41%) giảm xuống dưới mức năm 2007.

Trường hợp thường thấy ở Việt Nam là các doanh nghiệp thường bị phạt do vi phạm các quy định của Nhà nước mà họ chưa từng được biết đến.

Và khi ý thức được điều này, họ biết rằng sẽ phải chịu một khoản tiền phạt đáng kể và mất thời gian để điều chỉnh hoặc giải quyết vấn đề bằng những cách không chính đáng như trả các khoản "bôi trơn”.

Các tác giả bảng xếp hạng cho rằng, kết quả này là đáng lo ngại này trùng khớp với kết quả phân tích dữ liệu trên nhóm doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra PCI liên tục trong nhiều năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong khi việc doanh nghiệp tiếp cận tài liệu văn bản pháp lý (như luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn) dễ dàng hơn thì lại khó khăn khi muốn tìm hiểu các văn bản, tài liệu kế hoạch tại địa phương.

Trong đó, ngân sách tỉnh và các kế hoạch sử dụng đất được coi là các thông tin khó tiếp cận nhất, còn khả năng tiếp cận với các kế hoạch về cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội cũng giảm mạnh so với năm 2008.

Gợi ý trả lời câu hỏi này, hai chuyên gia Phan Vinh Quang và John Bently cho rằng, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng sử dụng công văn thay vì ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật được ban hành từ năm 2005 tới 2008 - nhiều gấp 3 lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó (giai đoạn 1987-2004).

Trước năm 2004, trung bình một tỉnh có 19 công văn trên 81 văn bản quy phạm pháp luật, nay tỷ lệ này đã tăng tới 55/45.

Cách sử dụng phổ biến các công văn không minh bạch này đã tạo ra một “rừng văn bản pháp luật”, trong đó “ngay cả chuyên gia cũng bị lạc chứ chưa kể đến người dân và các nhà đầu tư".

Trong “khu rừng” này, có "mối quan hệ" trở nên đặc biệt quan trọng, bởi chỉ có một vài cá nhân có đặc quyền mới biết cách định hướng.

Điều nguy hiểm, việc chỉ đạo lập kế hoạch được thực hiện ngày càng nhiều bằng công văn, và sự "bùng nổ" của dạng văn bản này chính là lời giải cho cả hai câu hỏi về khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh giảm và tầm quan trọng của các mối quan hệ để tiếp cận các tài liệu này tăng. 

Ngoài ra, các chỉ số khác như chi phí không chính thức cũng không có cải thiện nào đáng kể. Thậm chí, còn bộc lộ xu hướng đáng lo ngại khác khi có tới 52% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị tin rằng cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của tỉnh với mục đích trục lợi, tăng so với 37% năm 2008 và 2007. 

Kết quả này phù hợp với kết quả ở trên của nhóm nghiên cứu về giảm tính minh bạch. Quy định của địa phương càng kém minh bạch thì càng có lỗ hổng cho các cán bộ tắc trách trục lợi.

Hơn nữa, 53% doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước, dấu hiệu xấu về nạn nhũng nhiễu trên diện rộng.

Kết quả nghiên cứu của VCCI chứng tỏ, tham nhũng ở quy mô lớn có xu hướng phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó cạnh tranh khi tham gia đấu thầu các hợp đồng của cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh sụt giảm. Chỉ có 43% doanh nghiệp tin tưởng chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân, giảm 10 điểm phần trăm so với mức năm 2008. Việc giải quyết những trở ngại của doanh nghiệp tại địa phương cũng thấp hơn.

Đây là một kết quả khó giải thích, bởi trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ và đạt được các tiến bộ về cải cách hành chính công, các cán bộ lãnh đạo tỉnh được mong đợi là năng động và tiên phong hơn.

                                                                                   Theo Vnn

Các tin khác


Ký kết chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực ngân hàng

Chiều 15/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Hoà Bình tổ chức hội nghị ký kết chương trình phối hợp với Báo Hoà Bình, Đài PT&TH tỉnh về thực hiện công tác thông tin, truyền thông lĩnh vực ngân hàng. Dự hội nghị có đồng chí Võ Ngọc Kiên, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. 

Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng

Năm 2023, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng.

Giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật đối với việc cho thuê đất, sử dụng đất 

Sáng 15/5, HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật đất đai đối với việc cho thuê đất, việc sử dụng đất (SDĐ) của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Huyện Đà Bắc: Nông dân rơi nước mắt vì dịch tả lợn Châu Phi

Những ngày gần đây, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát, lây lan mạnh trên địa bàn xã Tú Lý, huyện Đà Bắc. Dịch bệnh đã và đang khiến không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay…

Giải ngân trên 100 tỷ đồng vốn đầu tư công

Tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, tính đến hết tháng 4, huyện Lạc Thủy đã giải ngân được 102.264 triệu đồng. Trong đó, giải ngân nguồn ODA, ngân sách Trung ương 2 công trình 13.025 triệu đồng, đạt 65%; ngân sách tỉnh 7 công trình giải ngân 8.078 triệu đồng, đạt 14%; ngân sách huyện giải ngân 60.287 triệu đồng, đạt 29%; nguồn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu 11.212 triệu đồng, đạt 66%; nguồn thu từ đất 9.662 triệu đồng, đạt 13%; nguồn tiết kiệm chi giải ngân 39.412 triệu đồng, đạt 54,66%.

Mật ngọt Hợp Tiến - món quà từ thiên nhiên

Mật ong rừng Hợp Tiến, xã Hợp Tiến là 1 trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Kim Bôi, là sản phẩm mật ong đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Nhờ chú trọng cải tiến quy trình, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường, được khách hàng gần xa tin tưởng, ưa chuộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục