(HBĐT) - Trên thế giới có 3 loại ngôn ngữ cơ bản phổ biến nhất: Tiếng nói dùng giao tiếp trực tiếp, đặc điểm của loại hình ngôn ngữ này giúp đối tác nghe được nguyên bản lới nói và có tính tương tác trực tiếp, điểm yếu cốt tử của nó là nói xong thì gió bay, không lưu giữ được. Ngôn ngữ viết: Dùng trong giao tiếp gián tiếp, hình thức dùng các ký hiệu ghi lại tiếng nói để ghi, khắc vào các vật liệu như: thẻ tre, tấm gỗ, bia đá..., ngày nay là giấy viết. Lời nói của người hôm nay nếu được ghi lại bằng chữ có thể nghìn năm sau người khác vẫn đọc được. Ngôn ngữ cử chỉ, hành động cơ thể: Dùng giao tiếp với người khuyết tật.

 

Hiện nay trong thời đại KH-KT phát triển mạnh mẽ, nhất là kỷ nguyên công nghệ thông tin, nền kinh tế tri thức... Hiện con người sáng tạo ra rất nhiều ngôn ngữ khác nữa trong khoa học: mật mã, ký hiệu biểu tượng, kỹ thuật số...

 

Có thể thấy nỗ lực to lớn của người Mường hàng nghìn năm qua đã lưu giữ và truyền miệng khối lượng đồ sộ các di sản văn hóa phi vật thể như; mo Mường, hệ thống tri thức dân gian, phong tục, tập quán, hệ thống tín ngưỡng... Tất cả được lưu giữ và truyền lại cho đời sau cho đến tận ngày nay đều bằng hình thức truyền khẩu, tức là ngôn ngữ tiếng nói trực tiếp.

 

Thời đại ngày nay, đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ, mở cửa và hội nhập, cùng chung dòng chảy đó, nền tảng sản xuất, cơ cấu xã hội trong người Mường thay đổi rõ rệt. Từ 100% dân số sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp lạc hậu tự cung, tự cấp, nay đang chuyển sang sản xuất hàng hóa. Theo đó, cơ cấu, thành phần cư dân đang chuyển từ nông dân thành những tiểu chủ sản xuất hàng hóa, người buôn bán nhỏ, tầng lớp trí thức được đào tạo bài bản, Vì thế nên sự truyền miệng làm cho văn hóa dân tộc, tiếng Mường ngày càng phai nhạt và đứng trước nguy cơ biến mất hay nói cách khác hình thức lưu giữ văn hóa, tri thức dân gian, trong đó có tiếng nói chỉ phù hợp trong xã hội cổ truyền, không phù hợp với xã hội có nền sản xuất hàng hóa đi lên công nghiệp hóa. Điều này bức thiết đặt ra  cần phải có bộ chữ có tính phủ khắp, tinh tế và sâu sắc ghi được hết những đặc trưng phát âm, song phải khoa học để nghi lại tiếng Mường.

 

Ngoài ra, tiếng Mường cần phải có chữ viết chính thức vì những lý do chủ yếu sau đây: Một ngôn ngữ muốn tồn tại và phát triển thì phải có ngôn ngữ thành văn (tức là có chữ viết). Chữ viết là công cụ lưu giữ và truyền tải văn hóa, tri thức của dân tộc từ đời này sang đời khác. Ngôn ngữ chính là linh hồn và bản sắc của dân tộc. Chữ viết có nhiệm vụ ghi lại chính linh hồn và bản sắc đó.

 

Khi chưa có chữ viết chính thức, một số nhà trí thức, văn hóa người Mường như: Quách Giao, Bùi Thiện, Vương Anh, Cao Sơn Hải, Đinh ân, Bùi Chỉ, Bùi Nợi, Bùi Huy Vọng... đã sử dụng  chữ quốc ngữ để ghi lại văn hóa Mường (như mo Mường, dân ca Mường, sử thi Mường Đẻ đất - đẻ nước ...). Những cách ghi này mang tính cá nhân nên mỗi người ghi một kiểu khác nhau, chưa thống nhất và có nhiều bất cập. Những cách ghi này không phản ánh một cách khoa học, trung thực, giản dị và tiết kiệm tiếng Mường nói chung và ngữ âm tiếng Mường nói riêng.

 

Việc có một bộ chữ Mường chính thức sẽ khẳng định vị thế của tiếng Mường, bảo tồn và phát triển được ngôn ngữ - văn hóa Mường cho muôn đời sau, đưa tiếng Mường và tri thức văn hoá Mường vượt qua khỏi ranh giới Mường để trở thành di sản của dân tộc, của nhân loại.

 

Chính vì sự bức thiết đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu rõ:  Chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể các dân tộc; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc, tổng hợp kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VH -TT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận sử thi mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. UBND tỉnh: “Quyết định các phương án cải tiến hoặc xây dựng mới chữ các dân tộc thiểu số trong tỉnh”. Việc xây dựng bộ chữ Mường được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ kết hợp với Viện Ngôn ngữ học thuộc Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì đề tài khoa học “Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho  việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường” tại tỉnh Hòa Bình do giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ học làm chủ nhiệm đề tài. Tham gia đề tài còn có các nhà khoa học của Viện và một số trí thức người Mường.

 

Trong tiếng nói bản sắc văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Mường thể hiện rất rõ những   đặc điểm có các nguyên âm dài như : e dài, ê dài, o dài, ô dài, u dài (trong tiếng Việt các âm này thường chỉ là các âm ngắn);  tiếng Mường có phụ âm kép như tl (tlơ - tlờ) hay phụ âm w (wơ - wờ) (tiếng Việt không có); có âm l   (lờ) ở cuối âm tiết (tiếng Việt không có), ví dụ như: tlơi - trời, tlăng - trăng; wê - về,   kâl - cây; mâl - mây...

 

Đặc điểm thanh điệu hay còn gọi là các dấu câu trong tiếng Mường, cơ bản ba thanh, trong đó thanh Không (viết không dấu), thanh sắc (/) và thanh hỏi (?) tương đồng như tiếng Việt. Riêng thanh nặng khi nói nhẹ hơn tiếng Việt, trong khi đó thanh wiê lại cao hơn thanh huyền nằm ở trong khoảng thanh huyền và thanh sắc trong tiếng Việt. Hiện đề tài đang tạm sử dụng ký hiệu (*) đánh trên nguyên âm để thể hiện dấu Wiê và ký hiệu gạch chân dưới nguyên âm (-) để thể hiện dấu nặng trong tiếng Mường.

 

 Ngoài ra còn có một số các biến âm phức tạp giữa các vùng mường vẫn đang được nghiên cứu và xử lý.

 

Tất cả những đặc điểm đó được các nhà khoa học thực hiện đề tài đang xử lý, công việc đã được hơn nửa chặng đường và đã đạt những thành quả quan trọng. Bộ chữ Mường còn được xây dựng theo áp dụng các thành tựu mới của khoa học ngôn ngữ trên thế giới cũng như chuẩn ngữ ẩm quốc tế, theo đó nó được tích hợp trong Unicode và khai thác tài nguyên trên Symbol.

 

Hiện các lớp dạy thể nghiệm bộ chữ Mường trong khuôn khổ đề tài dành cho người Mường biết tiếng Việt và thông thạo chữ quốc ngữ, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đang được tiến hành tại các địa phương trong tỉnh. Đông đảo những người được tham dự học hoan nghênh và tiếp nhận rất tự nhiên dùng chữ ghi lại tiếng Mường. Điều này chứng tỏ bộ chữ đang thể nghiệm được người Mường đón nhận, có tính khoa học và ứng dụng thực tiễn cao.

 

Chặng đường gìn giữ và phát triển văn hóa Mường trong đời sống đương đại và tiến tới tương lai là một quá trình. Khi có một bộ chữ Mường thống nhất sẽ có thêm một công cụ hữu hiệu, một sự khởi đầu mới cho việc bảo tồn và đưa văn hóa Mường ra khỏi ranh giới sinh sống, tiến tới thành di sản văn hóa của quốc gia và của nhân loại.

 

 

                                                                 Bùi Huy Vọng

                          (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn)

 

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục