(HBĐT) - Đứng trên cao phóng tầm mắt nhìn xuống thị trấn Tam Đảo - Vĩnh Phúc nhỏ hẹp như lòng bàn tay vậy. Thế nhưng “lòng bàn tay” ấy lại là nơi hội tụ cơ bản những điều cần và đủ để thu hút khách du lịch.

 

  Một góc thị trấn Tam Đảo - Vĩnh Phúc bình yên và thơ mộng.

Phong cảnh hữu tình

 

Vừa thơ mộng, trữ tình, vừa hùng vĩ, bí ẩn, đó là cảm nhận của riêng tôi khi đặt chân khám phá  thị trấn mờ sương này. Có mặt ở Tam Đảo vào quãng 10 h trưa, ánh nắng trải vàng trên từng lá cây, ngọn cỏ làm cho bức tranh nơi này thêm phần sinh động. Khá mệt mỏi với chặng đường dài đèo, dốc quanh co nhưng cảm giác đó chợt tan biến khi đứng trước hồ bơi có thiết kế mềm mại được ôm ấp bởi hàng rào tre, trúc và  đá cuội với làn nước sóng sánh màu xanh rêu. Bốn bề nơi đây là mây, núi và những ngôi nhà cao tầng dáng dấp Tây âu. Được biết, khu du lịch này được người Pháp phát hiện và cho xây dựng thành điểm nghỉ dưỡng từ cuối thế kỷ XIX, bởi vậy hiện tại, nơi đây vẫn còn nhiều ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc Pháp cổ với tường vách rêu phong, cũ kỹ, độc đáo và bí ẩn. Ngoài hoa lá, cỏ cây, đồi núi còn có điểm nhấn là Nhà thờ đá Tam Đảo, thác Bạc,  chùa Vàng… Có lẽ cũng bởi hùng vĩ, bí ẩn, nên thơ đó mà Bộ VH -TT&DL đã cắm chốt tại đây 3 Trại sáng tác. Anh Nguyễn Bá Lộc, một cư dân của thị trấn Tam Đảo giới thiệu với chúng tôi như vậy và nhấn mạnh thêm: người dân Tam Đảo luôn cảm thấy tự hào, trân trọng bức tranh quý giá mà thiên nhiên ban tặng.

 

Khí hậu trong lành, mát mẻ

 

Có người bạn nghệ sỹ đã từng nằm lỳ ở trại sáng tác Tam Đảo vài tháng ròng cho biết: Khí hậu ở Tam Đảo trong lành, mát mẻ và một ngày ở nơi đây luôn hội tụ đủ 4 mùa trong năm. Bởi vậy, trong hành trang du lịch của mỗi người dẫu là mùa hè vẫn phải có chiếc áo khoác nhẹ. Thật vậy, bình minh ở Tam Đảo thật tinh khôi với màn sương mỏng uốn quanh thung lũng như những dải lụa mềm. ánh mặt trời lóe rạng lên cao dần và đến khung giờ nhất định cái nóng cũng sẽ bao trùm, tất nhiên nhiệt độ ở mức cao nhất cũng chỉ chừng 25oC (theo giới thiệu của cư dân Tam Đảo). ánh nắng vẫn chứa chan nhưng khoảng 4 h chiều, hồ bơi gần như vắng bóng người vì tiết trời đã mát và nước ở đây vốn rất lạnh. 3-4 h chiều cũng là quãng thời gian các quán “nướng” đỏ lửa. Gọi là quán nướng là bởi các món ăn được bày bán hầu hết là đồ nướng: ngô nướng, khoai nướng… nhưng mặt hàng chủ  đạo vẫn là thịt nướng và cơm lam. Thịt lợn được tẩm ướp gia vị xiên lẫn với củ quả (cà rốt, su su) hoặc lá mắc mật, khi được đặt lên chậu than hồng mỡ cháy xèo xèo khiến làn khói bao trùm lên không gian mang theo mùi thơm khó cưỡng. Những bếp nướng hay quán nướng này là sản phẩm du lịch độc đáo và rất riêng của Tam Đảo bởi nó hoàn toàn phù hợp với tiết trời se lạnh lúc chiều và đêm. Tìm nơi thư giãn, nhâm nhi ly kem hay cốc cafe để thưởng ngoạn không gian, mọi cánh tay đều chỉ về “Quán Gió”. Quả thật, Quán Gió (tên một quán cafe ở Tam Đảo) tọa lạc ở một vị trí  khá đắc địa. Từ đây có thể thu vào tầm mắt toàn bộ không gian của thị trấn Tam Đảo. Càng về khuya, màn sương càng ken đặc bao trùm lấy bóng đèn đường tạo nên không gian thật huyền ảo. Cùng với màn sương kéo về là cái lạnh đến thấu xương, nửa đêm về sáng, tiết trời Tam Đảo chuyển mùa đông.

 

Và ấm áp tình người

 

Ngày cuối tuần, du khách đổ về Tam Đảo như trẩy hội, tất cả các khách sạn, nhà nghỉ đều chật chỗ. Thế nhưng, điều tuyệt nhiên là không có tình trạng chèo kéo, chèn ép du khách. Phương châm của các cơ sở kinh doanh du lịch ở đây là làm “vui lòng khách ở, vừa lòng khách đi”. Quán ăn, nhà hàng giờ cao điểm cũng ít khi có một góc bàn trống. “Thượng đế” có thể đòi hỏi, giục giã, thậm chí là quát nạt nhưng chủ nhà hàng vẫn nhẹ nhàng, từ tốn. Chợ đêm đông đúc hội tụ cũng chủ yếu phục vụ ăn uống. Du khách có thể lỡ hỏi giá chỗ nọ nhưng lại mua chỗ kia mà không sợ bị lườm nguýt, xỉa xói như ở những khu du lịch khác. Có lẽ bởi không gian nhỏ hẹp lại có phần hiểm trở nên buổi tối rất ít phương tiện tham gia giao thông. Thỉnh thoảng mới thấy có bóng dáng chiếc taxi nhưng hỏi ra được biết là taxi chở khách đến. Người dân Tam Đảo cho biết, trước đây có xe điện phục vụ du khách đi lại trong thị trấn nhưng do đường nhiều đèo, dốc quanh co, lượng người qua lại đông đúc dễ gây tai nạn nên nay đã dừng hoạt động. Thấm cái lạnh của sương đêm ở “Quán gió”, chúng tôi loay hoay tìm phương tiện để trở về khách sạn được nhanh hơn nhưng đành… chịu. Nhìn vẻ nhăn nhó của lũ trẻ nhỏ, chủ quán rút điện thoại bấm số nhờ sự trợ giúp. Dăm, bảy phút sau đã có 3 chiếc xe máy chờ tới, nhận vài lời dặn dò và cái mỉm cười của chủ quán, các “xế” nghiệp dư chở chúng tôi về chỗ nghỉ trong chốc lát. Rút tiền trả “xe ôm”, tôi ngỡ ngàng trước cái nhìn thiện cảm: Chúng em tiện đường nên giúp các cháu đỡ mỏi chân thôi. Tạm biệt các bé…! Vài lời ngắn ngủi, những chiếc xe rồ máy lướt đi rồi mất hút trong màn đêm đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng đẹp.

 

2 ngày 1 đêm, khoảng thời gian vừa đủ để thư giãn sau 1 tuần làm việc, học tập căng thẳng, nhiều du khách rời chân đi đã hẹn ngày trở lại bởi Tam Đảo không chỉ có mây, núi, thác nước…, khí hậu mát mẻ mà còn ấm áp tình người.

 

 

                                                                             Thúy Hằng

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục