Phong cách đáng chú ý ở Nguyễn Đức Toàn cả trong âm nhạc và hội hoạ là giản dị, nhưng đầy chất thơ và có sức truyền cảm.

 

Xuân 1994, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đến Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) đưa tận tay tôi tệp giấy mời “các bạn nhà Đài” tới dự chương trình “Trái tim ca hát” của ông ở Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên, Hà Nội. Gặp nhau ở sân cơ quan 58 phố Quán Sứ, nên ông rất vội. Tôi cảm ơn nhạc sĩ đã nhớ đến Đài. Ông xua tay mà rằng: “Mình phải cảm ơn Đài chứ. Nhờ Đài mà các bài hát của mình được phổ biến rộng rãi”. Xuân ấy Nguyễn Đức Toàn vừa tròn 65 tuổi – một “trái tim hồng” của Hà Nội mến yêu.

Chàng trai Phố Huế ấy khi mới 12 tuổi đã đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau đó hơn ba năm (1945) anh tham gia cách mạng. Không khí chính trị hồi ấy đã hướng  cây bút vẽ của anh sang cây đàn. Cây đàn ấy đã tạo cho người nhạc sĩ trẻ tuổi bằng ca khúc đầu tay: “Ca ngợi đời sống mới”. Năm 1946, Nguyễn Đức Toàn tham gia đoàn kịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sau đó theo bộ đội kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian này, tên tuổi của ông được nhiều người biết đến qua bài hát “Quê em miền trung du”.

 

 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

Khi Đoàn Văn công Việt Bắc được thành lập, Nguyễn Đức Toàn cùng lúc vừa là diễn viên kịch, vừa vẽ minh hoạ, trình bày báo, vừa sáng tác ca khúc… Những bài “Chiều hậu phương”, “Lúa mới” và một số ca cảnh của ông ở chiến khu được mọi người yêu thích. Sau ngày giải phóng Hà Nội, ông được cử làm lãnh đạo Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Và sau bài hát “Mời anh đến thăm quê tôi”, Nguyễn Đức Toàn đã có một bước chuyển đổi trong bút pháp, để từ đó, ông viết hàng loạt tác phẩm có chủ đề ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ và tinh thần vì nhân dân quên mình của các chiến sĩ quân đội trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc như: “Đào cộng sự”, “Bài ca người lái xe”, “Khâu áo gửi người chiến sĩ”…

Trong ba năm (1968 – 1970) Nguyễn Đức Toàn tu nghiệp ở nhạc viên Kiev (Ukraina). Kế đó, một số tác phẩm khí nhạc đã được hoàn thành và dàn dựng ở nước ngoài như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Moscow), tổ khúc giao hưởng Tổ quốc… Về nước, Nguyễn Đức Toàn cho ra đời những ca khúc, hợp xướng như: “Bài ca Xây dựng”, “Tiếng hát buổi bình minh”, “Bài ca chiến thắng”… Khi non sông thu về một mối, những ca khúc của ông ánh lên nét trữ tình như: “Từ ngày hôm nay”, “Tình em biển cả”… Nguyễn Đức Toàn là một trong những nhạc sĩ trưởng thành từ cách mạng tháng Tám, có công mở ra một phong cách nhạc nhẹ ở nước ta qua ca khúc cuốn hút các bạn trẻ, ví như: “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội – một trái tim hồng”, “Câu chuyện tình yêu”…

Sau thời gian dài “phiêu lưu” trong thế giới âm thanh với nhiều ca khúc trữ tình và những bản giao hưởng lớn, Nguyễn Đức Toàn bỏ nhiều công sức cho hội hoạ và có nhiều thành công trong tranh sơn mài, tranh lụa. Bút pháp của ông hào hoa nhưng không cầu kỳ, gợi được “nét duyên” cuộc sống quanh ta như một mái chùa cổ, một nhành cây, một thoáng chân dung thiếu nữ Tràng An… với những chấm phá mạnh mẽ trong xúc cảm mang phong cách riêng. Tranh của ông từng có mặt ở nhiều triển lãm quốc tế: Liên Xô (trước đây), Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Pháp, Nhật Bản và từng được giải thưởng tại Triển lãm Erfurt (CHDC Đức trước đây).

Nghe nhạc hay xem tranh của ông, mọi người đều yêu mến và mong mỏi được nghe hay xem tiếp những tác phẩm sau. Phong cách đáng chú ý ở Nguyễn Đức Toàn cả trong âm nhạc và hội hoạ là giản dị, nhưng đầy chất thơ và có sức truyền cảm. Bên cạnh tên tuổi các nhạc sĩ kiêm họa sĩ của đất nước như Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Trịnh Công Sơn… đã có thêm Nguyễn Đức Toàn.

Là một nhạc sĩ, lại sống trong môi trường quân đội nên Nguyễn Đức Toàn được tham gia vào nhiều chiến dịch, được sống cuộc sống quân ngũ với những gian khổ, hi sinh nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Đó chính là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ sáng tác những ca khúc đặc sắc về anh bộ đội. Đặc biệt ông đã cho tôi những ấn tượng đẹp trong chùm bài hát ca ngợi các anh hùng liệt sĩ.

Năm 1971 nhân ngày Thương binh liệt sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đến thăm Đài TNVN và gặp gỡ bà con biên tập văn nghệ. Ông tâm sự: “Người liệt sĩ hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hi sinh anh dũng của Liệt sĩ trở thành bất tử, làm tất cả mọi người cảm động, thương tiếc và cảm phục. Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, có biết bao sự hi sinh mất mát, lẽ nào không được lưu truyền để đời sau ngưỡng mộ và tri ân. Tôi muốn âm nhạc và giai điệu nồng nàn sẽ gánh vác nhiệm vụ ấy….”.

Ông viết bài hát đầu tiên ngợi ca liệt sĩ là ca khúc: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, sáng tác năm 1958. Giai điệu và ca từ bài hát mang nhiều cảm xúc tự hào và thương tiếc: “…Người thiếu nữ ấy như mùa xuân. Chị đã dâng cả cuộc đời…”, để rồi giai điệu bài hát bất ngờ dâng trào “…Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội, vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lùi…”.

Bài hát “Nguyễn Văn Trỗi còn sống mãi”, ông sáng tác năm 1964, ngay tại chiến hào trận địa pháo cao xạ bảo vệ thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nhớ lại: “Tối hôm ấy, tôi đang ở trận địa, được nghe qua đài TNVN báo tin giặc Mỹ đã giết hại anh Trỗi. Tôi bàng hoàng, cả trận địa cũng sững sờ. Tôi đi tìm một chỗ bằng phẳng, bấm đèn bin soi và viết bài hát liền một mạch. Viết xong tôi hát cho mọi người nghe và chờ tiếng vỗ tay, nhưng tất cả đều im lặng, mọi người đang khóc… cả đời tôi  không thể quên những giây phút ấy”.

Ca khúc “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1965. Ông cho biết: “Nhóm đi sáng tác hồi ấy gồm có nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Xuân Thiều, nhạc sĩ Thanh Phúc và ông. Đi trên 4 chiếc xe đạp thẳng con đường quốc lộ 1 để vào mảnh đất Khu Bốn. Đạp xe vào đến Hà Tĩnh, rồi lên huyện Hương Khê, nơi tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân đóng quân. Trời đã gần tối, mọi người phải tìm vào nhà dân ngủ nhờ. Chủ nhà cho ngủ và cho mỗi người mượn một cái nong to nằm thay chiếu…

Đến sáng thấy có ai đập mạnh vào người và nghe tiếng gọi ra lệnh “Dậy, dậy mau!”. Ông bừng tỉnh dậy, thấy ngay nòng súng AK quen thuộc chĩa vào mặt mình. Ông trình bày giấy tờ đi đường, nhưng vì mấy cô dân quân không biết đọc chữ đánh máy nên ra lệnh giải cả nhóm lên cấp trên. Mọi người đành yên lặng đi theo mấy cô dân quân. Đến nơi, chợt nghe thấy tiếng ai kêu lên: “Toàn phải không?”. Ông ngẩng đầu lên mà chưa nhận ra người đã gọi, lại nghe tiếp “Đoan đây, Đoan tuyên huấn Bộ tư lệnh đây!”. Ông mừng quá, thoát rồi…

Mấy cô dân quân lúc ấy mới cười khúc khích. Ông đi đến trận địa pháo cao xạ của đơn vị, đi qua quả đồi và ông dừng lại viếng mộ Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, rồi đi tiếp đến một bãi rộng, nơi đây Nguyễn Viết Xuân đã cùng đơn vị pháo bắn rơi máy bay Mỹ và đã anh dũng hy sinh. Bài hát như một lời tâm sự kể lại câu chuyện và gợi nhớ hình ảnh chân thật và cảm động.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn còn có nhiều bài hát ca ngợi anh hùng liệt sĩ khác, như: “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Ca ngợi Trần Thị Lý”, “Ôi mẹ Việt Nam yêu em đời đời” (ca ngợi liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm).

Tôi đã nhiều lần nghe và xem Nhạc và Họa của người nghệ sĩ ưu tú tài hoa Nguyễn Đức Toàn, từng trò chuyện và phỏng vấn ông tại Đài TNVN. Hình ảnh của ông còn mãi trong tôi. Một “trái tim hồng” của Hà Nội đã ngừng đập trước ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ Đô. Bài viết này là nén nhang thơm vĩnh biệt ông – một đàn anh trong Làng Nhạc./.

 

                                                           TheoVOV

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục