(HBĐT) - Về với đất Mường Hòa Bình, du khách không chỉ có cơ hội tham quan những di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn được trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực phong phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Một trong số đó có cơm Lam. Với cách chế biết đặc biệt và hương vị độc đáo, cơm lam Hòa Bình đã trở thành một món ăn độc đáo, ấn tượng.


Cơm lam được bày bán tại cổng khu du lịch sinh thái suối khoáng Kim Bôi.

Không biết món cơm lam ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng trước đây người dân miền núi thường xuyên phải đi rừng dài ngày, có những đợt kéo dài nửa tháng. Do không tiện mang xoong nồi đi để nấu, họ chỉ mang theo bên mình một chút gạo và ít muối trắng hoặc cầu kì hơn là mang theo mấy miếng thịt ướp để làm lương thực. Khi gần đến bữa ăn, họ sẽ chặt ống tre, ống nứa bên đường, bỏ chút gạo và nước vừa đủ vào bên trong ống sau đó sẽ cho vào bếp lửa để nướng. Đây là cách làm chín gạo thành cơm mà không cần đến xoong, nồi. Bên cạnh cơm lam, người ta còn nghĩ ra cách làm cá lam, thịt lam....

Cách chế biến cơm lam rất đơn giản mà hầu như người con nào sinh ra từ núi rừng Tây Bắc cũng biết làm. Đầu tiên là khâu chọn ống nứa, muốn có ống cơm lam thơm ngon, đẹp mắt thì phải chọn cây nứa tươi, có vỏ ngoài xanh đậm, chặt khúc dài khoảng 30cm. Kế tiếp là khâu chọn gạo nếp: Gạo để làm cơm lam là loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn, mẩy, màu trắng sữa và có mùi thơm. 

Đầu tiên, vo gạo cho sạch, ngâm khoảng 6-8 tiếng, sau đó vớt ra rổ để ráo. Tiếp đến, đổ gạo vào ống, cho nước ngập gạo và lấy lá chuối khô hoặc cắt mía thành khúc nhỏ dài 3cm để nút ống cơm lam. Lưu ý, khi đổ gạo không đổ đầy ống mà cách ra một khoảng để khi gạo chín sẽ nở đầy miệng ống. 

Khi hoàn tất công đoạn chuẩn bị, ống cơm lam sẽ được đem nướng trên lửa. Trong lúc nướng, liên tục xoay ống nứa để cơm được chín đều. Để ý thấy hơi nước bốc ra từ nắp có mùi thơm là cơm lam đã chín. Lấy dao chẻ lớp vỏ bên ngoài, chỉ để lại lớp lạt mỏng. Khi ăn, bóc vỏ rồi ăn cùng với muối vừng hay đơn giản chỉ là muối trắng cũng rất ngon. 

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, cách làm cơm lam cũng đã có đôi chút nét đổi khác. Bên cạnh cơm lam thông thường còn có cơm lam nước dừa, cơm lam ngũ sắc, cơm lam lạc.... Người dân cũng không còn làm cơm lam để ăn khi đi rừng đi núi nữa mà nó đã trở thành món ăn gắn bó với đời sống hằng ngày của người dân. 

Không chỉ vậy, cơm lam không đơn giản dùng để "ăn cho qua bữa” mà đã được nâng tầm lên thành sản phẩm du lịch. Nó đã trở thành món quà mang về xuôi mỗi khi du khách có dịp lên Hòa Bình. Cơm lam còn có mặt ở rất nhiều nhà hàng lớn nhỏ ở thành phố Hà Nội. Món ăn tưởng chừng đơn giản, dân dã đã trở thành thương hiệu của mảnh đất Hòa Bình. 

Cầm trên tay ống cơm lam – một sản vật của dân tộc mình, trong tim tôi cũng dâng lên một cảm xúc khó tả. Là một người con của mảnh đất Mường, sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nền văn hóa dân tộc, tôi luôn trân trọng những sản vật mang đậm nét văn hóa dân tộc. Và hơn cả là tâm trạng phấn khởi khi thấy sản vật ấy được giới thiệu rộng rãi đến người dân mỗi khi có dịp đến Hòa Bình. 

Chị Bùi Thị Nguyên, người làm cơm lam lâu năm tại suối khoáng Kim Bôi (huyện Kim Bôi) cho biết: " Trong vài năm gần đây, khách du lịch mua cơm lam ngày càng nhiều, một phần họ mua để ăn luôn tại chỗ, một phần họ mua về làm quà biếu bạn bè, người thân. Nhờ vào việc làm cơm lam, kinh tế gia đình tôi và một số hộ khác cùng làm cơm lam cũng được cải thiện lên từng ngày.” 

Chia sẻ với chúng tôi khi đang chọn mua cơm lam, Ông Mai Đình Tú (phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) nói: " Tôi thường xuyên đưa vợ con lên Hòa Bình chơi, lần nào lên cũng mua cơm lam về làm quà. Mọi người ở cơ quan và gia đình tôi thích lắm, lần nào tôi có dịp lên Hòa Bình cũng nhắc mua cơm lam.” 

Trải qua thời gian, qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, cơm lam vẫn luôn hiện hữu trong đời sống của người dân xứ Mường. Một món ăn tưởng chừng như đơn giản ấy lại mang trong mình những giá trị văn hóa đặc biệt, chứa đựng những ý tưởng độc đáo của người dân bản địa.

Khánh Linh

(Sinh viên kiến tập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục