(HBĐT) - "Ngày xưa nghèo lắm, làm gì có sẵn thịt gà, thịt lợn như bây giờ. Thế nên, thịt chuột rừng trở thành món ăn "cứu đói”. Nó quen thuộc với chúng tôi như cây măng trên rừng vậy…” - Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo (Đà Bắc) trở nên thật thú vị khi ông kể về những chú chuột rừng. Được biết, thịt chuột rừng chính là món ăn đã "đi cùng năm tháng” với một số dân tộc thuộc huyện vùng cao Đà Bắc, trong đó, có cộng đồng người Dao xã Tân Pheo.

 


Thực khách thích thú thăm quan gian hàng bày bán thịt chuột rừng và các món ăn độc đáo khác của người dân vùng cao huyện Đà Bắc.

Ông Lê Văn Sinh là người dân tộc Dao, sống ở xóm Bương – một trong hai xóm của xã Tân Pheo có 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Dao. Vừa là người bản địa vừa có nhiều năm tham gia công tác lãnh đạo tại địa phương, nên hơn ai hết, ông Sinh hiểu thấu những nhọc nhằn, gian khó của nơi này.

Ông kể, bao lâu nay, người Dao xã Tân Pheo nói riêng cũng như cộng đồng người Dao sinh sống trên địa bàn huyện Đà Bắc nói chung đã nếm đủ các vị cay, đắng của đói nghèo, thiếu thốn. Cả một vùng đất rộng lớn bao la nhưng chỉ trơ khấc núi cao, vực sâu, đất đai thì cằn cỗi, khô hạn nên trồng cây gì cũng khó, nuôi con gì cũng thất bại. Mặc cho cái nghèo cứ bám dai như con vắt trên rừng, như con đỉa dưới ruộng, người Dao vẫn bền bỉ gắn bó với mảnh đất mà họ đã sinh ra và lớn lên. Từ đời này qua đời khác, họ bảo ban nhau trồng cây gây rừng và kiên quyết giữ rừng. Qua từng tháng, từng năm, họ kiên nhẫn phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để kiếm kế sinh nhai từ rừng…

Từ xưa đến nay, rừng chính là tài sản lớn nhất của người dân xã Tân Pheo nói riêng cũng như toàn huyện Đà Bắc nói chung. Hiện, xã Tân Pheo có gần 50% diện tích tự nhiên là đất rừng, tương đương tổng diện tích rừng trên 2.000 ha. Trên phạm vi toàn huyện, Đà Bắc là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các huyện trong tỉnh và phần nhiều trong đó là đất rừng, chiếm trên 65,12% tương đương trên 50.660 ha rừng. Từ bao đời nay, người Dao ở Tân Pheo cũng như các đồng bào dân tộc khác ở huyện vùng cao Đà Bắc đã làm bạn với rừng. Rừng không những đóng vai trò là "lá phổi xanh” trong cuộc sống mà còn hào phóng trao tặng cho con người những sản vật quý được nuôi dưỡng bằng chính nguồn tài nguyên phong phú của mình. Trong đó, không thể không kể đến… những con chuột!

Chủ tịch UBND xã Tân Pheo Lê Văn Sinh bắt đầu câu chuyện về những con chuột rừng: Ngày xưa đói kém, dân làng phải đi săn bắt thú rừng về ăn, trong đó bắt đơn giản bậc nhất chính là con chuột. Chuột rừng to lắm! Nó to gấp đôi, gấp ba các loại chuột bình thường. Hơn nữa, nó chỉ toàn ăn hạt nứa, măng rừng, lúa nương nên thịt rất lành, thơm, ngậy. Chỉ cần bắt được hai con là đủ thức ăn cho cả gia đình 4-5 người, cải thiện bữa ăn toàn rau của người dân thời đói khổ.

Nghe các cụ cao niên kể lại: Năm 1945, trong khi "giặc đói” tràn lan khắp cả nước thì trên này, thịt chuột rừng trở thành món ăn "cứu đói” cho cả làng, cả vùng. Nhất là vào mùa nứa khuy – tức là thời gian cây nứa ra hoa (theo chu kỳ khoảng 25-30 năm rừng nứa sẽ khuy một lần). Hoa và hạt nứa chính là nguồn thức ăn dồi dào, yêu thích của lũ chuột rừng. Vì thế, hễ năm nào nứa khuy thì năm ấy chuột sinh sôi nhiều vô kể, người dân sẽ "được mùa” săn bắt chuột rừng.  

"Không chỉ riêng dân tộc Dao ở xã Tân Pheo, các dân tộc khác ở huyện vùng cao Đà Bắc cũng quen thuộc với các món ăn chế biến từ thịt chuột rừng” - ông Hà Văn Phời, một cao niên người dân tộc Tày ở Đà Bắc giới thiệu. Ông kể, dân tộc Tày của ông còn có một câu chuyện dân gian truyền miệng về món ăn đặc biệt này: Ngày xưa, có một gia đình nọ, rất nghèo. Ngày Tết Nguyên đán, nhìn trong nhà chỉ có một con gà mái là có thể làm thịt để thắp hương thờ cúng tổ tiên, chủ nhà mới bàn với gia đình ngày mai sẽ bắt thịt. Con gà mái nghe được câu chuyện, nó rất buồn và dặn dò đàn con nhỏ: "Mai mẹ chết rồi, các con ở lại phải yêu thương nhau, bảo ban nhau tự đi bới giun, kiếm dế mà ăn, không được mất đoàn kết…”. Người con dâu nghe thấy, rất thương, bèn nói chuyện lại với chồng. Cuối cùng, họ quyết định đi bắt con chuột rừng để làm món ăn mặn thay thế cho món thịt gà trong mâm cỗ thờ cúng tổ tiên. Từ đó, món thịt chuột rừng trở thành một món ăn đầy ý nghĩa trong những ngày tất niên, đón chào năm mới. Trong mẫm cỗ ngày Tết của người Tày huyện Đà Bắc, món thịt chuột rừng thường được bày biện cùng với các món ăn ngon lành khác, vai trò giống như một món ăn mặn chế biến từ con gà, con lợn, con cá, con chim….

Cách chế biến thịt chuột rừng của đồng bào vùng cao Đà Bắc cũng khá đơn giản. Sau khi bẫy được chuột mang về nhà, người dân sẽ dùng dao cắt tiết, rồi đốt lửa thui lông. Thui xong thì mổ bụng, làm sạch nội tạng. Sau đó, hoặc để cả con, hoặc chặt thành miếng nhỏ rồi tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng như muối ớt, hạt tiêu, mắc khén… Khi gia vị ngấm đều vào miếng thịt, bà con sẽ đem gác bếp. Đợi đến khi thịt đượm khói vàng ươm mới đem ra chế biến thành các món theo khẩu vị, phổ biến nhất là xào, nướng muối ớt, giả cầy, luộc ống nứa… Cho đến khi miếng thịt vừa mềm, vừa giòn, vừa dai, lại thơm nức đặc trưng mùi xông khói là có thể thưởng thức. 

Mùa này, miền núi Đà Bắc rất lạnh. Nếu được nhâm nhi chén rượu thuốc cùng với món thịt chuột rừng thơm nức đặc trưng bên bếp lửa hồng thì sẽ thú vị vô cùng! Thịt chuột rừng bây giờ đã thành đặc sản của huyện vùng cao Đà Bắc, thế nên không phải thực khách nào cũng có dịp thưởng thức món ăn độc đáo này. "Còn ngày xưa nghèo khó, cứ đến ngày Tết Nguyên đán là dân làng cùng nhau làm mâm cỗ dâng Thành Hoàng làng. Trong mâm cỗ thường có thịt chuột rừng. Cùng với các lễ vật khác, mỗi nhà thường góp 1-2 con chuột rừng gác bếp để tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu mong một năm mới an lành, no ấm…” – ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo tiếp tục câu chuyện về những chú chuột rừng "cứu đói” và món ăn đặc biệt đã gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao Đà Bắc. Ngoài sân, cây mận đã bật nở những bông hoa đầu tiên, báo hiệu mùa xuân mới đang về. 


Thu Trang

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục