(HBĐT) - Mo Mường là một sáng tạo vĩ đại của người Mường. Mo Mường tích tụ trong nó gần như toàn bộ những giá trị hợp thành văn hoá Mường: lịch sử, văn học, xã hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, sinh hoạt..., là di sản văn hóa trong đó phản ánh rõ thế giới quan, nhân sinh quan của người Mường rất cần được trân trọng, bảo tồn, lưu giữ cho đời sau. Có ai đó nói rằng mo Mường là cuốn bách khoa thư dân gian về người Mường còn chưa được nghiên cứu, hiểu biết thấu đáo, đầy đủ.




Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Minh, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) làm chủ tế trong lễ Kéo Si cầu mạnh khoẻ. Ảnh: Bùi Huy Vọng (TTV)

Trong mo Mường có gì?

Trong mo Mường có: Ngữ văn dân gian, chính là lời mo, các câu chuyện truyền thuyết, câu chuyện phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, giải thích một số phong tục tín ngưỡng Mường, tiếng Mường - Việt cổ. Vũ trụ quan, nhân sinh quan: Quan niệm về thế giới được sinh ra từ một vụ nổ, vũ trụ 3 tầng - 5 thế giới; các quan niệm về cuộc sống của người Mường...; địa chí dân gian, địa vực người Mường sinh sống được nói khá kỹ trong mo nhòm. Tri thức dân gian: Kinh nghiệm sản xuất, lịch pháp, phân loại thực vật, kinh nghiệm ứng xử với tự nhiên... Hệ thống biểu tượng văn hóa: Đồ túi khót của thầy mo, các biểu tượng trong tang lễ, đồ vàng mã, nhà táng, mộ Mường... có trong tang lễ phục vụ cho diễn xướng Mo. Âm nhạc dân gian: Giai điệu các bài mo, nhạc lễ trong mo… Các hiện tượng thiêng chưa giải thích được: Bùa chú, mằn hà của các thầy Mo…

Mo Mường cũng chứa đựng hệ thống tín ngưỡng dân gian Mường, bao gồm các tục thờ: Thờ tổ tiên, thờ Tổ nghề (thờ tổ nghề thầy mo); tục thờ người sống: các nghi lễ làm vía, có nơi gọi là mo vía... Tục thờ cây: các nghi lễ làm vía kéo si… Tục hiến sinh: mo trâu, bò, gà...

Tính thực trong mo Mường

Ngày nay, mọi người biết đến mo Mường chủ yếu biết đến mo sử thi Đẻ đất - Đẻ nước. Mo sử thi phản ánh chân thực đời sống con người thời hồng hoang sơ sử và thậm chí cả thời tiền sử, ngược về quá khứ phản ánh cả sự hình thành của vũ trụ. Truyền thuyết về vụ nổ lớn sinh ra đất và nước được gọi là "đẻ đất, đẻ nước".

Truyền thuyết con chim Ây - cái Ứa đẻ trứng trong hang đá, trứng nở ra muôn loài trong đó có con người cũng trong hang đá đó là hang Hanh - hang Hao. Gia đình đầu tiên của người Mường được biết đến chính là gia đình Đá Cài, Đá Cần và nàng Út Dạ Kịt ở trong hang đá… Gạt bỏ đi sự hoang đường, ta thấy những chi tiết trên đây thể hiện sự nhận thức thế giới của người Mường thời cổ xưa rất duy vật, rất biện chứng. Các chi tiết trên đã phản ánh rất rõ trước kia con người đã có giai đoạn sinh sống trong các hang đá.

Chúng ta đều biết năm 1949, lý thuyết vụ nổ lớn (tiếng Anh là big bang) là mô hình vũ trụ học nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ được đưa ra. Theo lý thuyết này, vũ trụ được sinh ra từ vụ nổ lớn.

Đầu thế kỷ thứ XX với những phát hiện và các cuộc khai quật khảo cổ học của bà Ma-đơ-len Cô-la-ni đã phát hiện ra có một nền văn hóa thời tiền sử con người từng sống trong các mái đá, hang động. Năm 1930, một thuật ngữ khoa học đã được định danh "Văn hóa Hòa Bình” rất nổi tiếng như chúng ta đã biết ngày nay. Đây là một chứng cứ khoa học khẳng định có nhiều sự kiện lịch sử phản ánh trong mo sử thi là có thực.

Sau giai đoạn ở trong hang đá, người Mường tiến ra sinh sống, làm nhà định cư lâu dài trên các chân đồi thấp, ven thung lũng và bắt đầu khai khẩn đất đai trồng lúa nương, lúa nước. Nhờ biết canh tác nông nghiệp nên của cải, vất chất trong bộ lạc, thị tộc lúc này khá dồi dào và quá trình phân tầng xã hội bắt đầu diễn ra. Điều này được phản ánh trong việc dân Mường rước người đàn ông là Đá Cần ra làm Lang đứng đầu đất Mường, phản ánh khá rõ trong chương mo Đẻ đất - Đẻ nước.

Ra khỏi hang đá, cuộc sống không dễ dàng gì, người Mường đối diện với cuộc sống sinh tồn hoang dã, chống chọi với côn trùng, thú dữ. Các roóng mo: Cổn Chu kéo lội, Săn muông… phản ánh điều đó.

Các roóng mo Xin lửa, Làm nhà sàn, Mo trâu, đẻ gà, Cuông Đèn… phản ánh rất rõ thuở hồng hoang khi mới ra khỏi hang xuống các vùng đất bằng, bưa bãi, chân đồi thấp để định cư, hình thành các khu dân cư. Ban đầu con người ăn sống, nuốt tươi, chưa có lửa để sưởi ấm, để nướng chín thức ăn, giúp xua đuổi côn trùng, tạo ra ánh sáng vào ban đêm…, chưa có nhà để ở, chưa thuần dưỡng được thú hoang làm vật nuôi… Việc đi xin lửa, trồng cây dâu, xin giống tằm, mô phỏng theo hình hài của con rùa để làm nhà sàn, các giao nhân giữa người và trâu, người và gà… được tác giả dân gian sử dụng hình thức thần thoại hóa, nhân cách hóa cho con vật biết nói, được sử dụng trong mo là lớp sơn huyền hoặc phủ lên bề ngoài sự kiện có cái lõi phản ánh các hiện tượng, sự kiện có thực trong đời sống thuở xa xưa. Việc đi xin lửa trên trời thực chất là đi tìm hiểu, sáng tạo là "công nghệ” làm ra lửa, được mô tả kỹ Đá Cặm Cọt Vót Nhui kéo dây dang qua đáy máng cây khô, trên có đặt mui nhui. Quá trình kéo đi, kéo lại làm máng cây bị ma sát nóng lên khiến mui nhui bắt lửa. Cây dâu hoang được mang về trồng, con trâu, con gà được thuần dưỡng thành vật nuôi…

Một điều rất đặc biệt, giai đoạn quần hôn và hôn nhân cận huyết thống của loài người, trong đó có người Mường cũng được phản ánh. Song người Mường rất nhanh chóng thấy rằng hôn nhân chung và cận huyết thống là điều không ổn, nó mang lại những di chứng, hậu quả không tốt cho thế hệ sau.

Lược qua vài chi tiết ta thấy mo Mường, nhất là mo sử thi phản ánh chân thực đời sống người Mường thuở hồng hoang, và các giai đoạn sau này của lịch sử người Mường thông qua các biểu tượng văn học dân gian.

Điểm qua một số giá trị cốt lõi trong mo Mường

Lịch sử nghiên cứu mo Mường đã hơn 100 năm nay, nếu thống kê, tìm lại các nghiên cứu đó vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ về mo Mường cũng như các giá trị mà nó để lại cho người Mường hôm nay và mai sau.

Trong một bài viết ngắn không thể nào nói được hết những giá trị của mo Mường, xin đưa ra một số nhận định chủ quan của tác giả về các giá trị của mo Mường. Theo thời gian như viên ngọc lộ sáng, ta có thế thấy những giá trị to lớn và xuyên suốt mà tiền nhân người Mường đã gửi gắm trong đó.

Giá trị ngữ văn dân gian và giáo dục của mo Mường vẫn còn nguyên trong đời sống ngày nay, là bộ sách giáo khoa truyền miệng và có tính răn dạy giáo dục rất sâu sắc, góp phần dung dưỡng nên tâm hồn và nhân cách sống dung dị, hiền hậu và cũng rất quyết liệt của người Mường.

Giá trị lịch sử là điều dễ nhận thấy rõ trong mo Mường, cụ thể trong tập hợp các roóng mo Đẻ đất - Đẻ nước, như đã nói ở trên, nó giúp cho người Mường thông qua mo có thể tìm hiểu về cội nguồn dân tộc Mường Việt cổ.

Giá trị bảo vệ, sàng lọc văn hóa: Nhờ có mo Mường nên gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, các loại đạo ngoại lai rất khó thâm nhập vào người Mường. Ngày nay cũng vậy. Mất mo Mường là hết sức nguy hiểm, người Mường, văn hóa Mường mất đi khả năng phòng vệ trước văn hóa ngoại lai có hại cho người Mường.

Thời gian càng trôi đi, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các nhà khoa học, mo Mường được tìm hiểu, nghiên cứu, ngày càng phát lộ ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn. Mong những giá trị đó sẽ được đưa trở lại đời sống để góp phần xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển, đi lên.


Bùi Huy Vọng (TTV)


Các tin khác


Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục