(HBĐT) - Dù bao năm tháng trôi qua, tôi vẫn nhớ hơi ấm của bếp lửa nhà sàn dân tộc Mường. Hơi ấm ấy giống như hơi ấm của tuổi thơ trong vòng tay mẹ; hơi ấm của bắp ngô, củ khoai nướng bữa chiều đông; hơi ấm của hơi thở, của sức sống cộng đồng, của văn hóa Mường Hòa Bình…


Người già ở Mường Be, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đồ xôi trên bếp lửa truyền thống trong ngôi nhà sàn.

Trong không gian bếp lửa nhà sàn đầm ấm, bên ấm nước trà xanh thơm nức, câu chuyện về bếp lửa nhà sàn của những người già trong Mường khắc sâu trong tôi một câu chuyện đẹp, phong tục hay, nét văn hoá độc đáo. 

Ông Bùi Văn Diềm, người cao tuổi ở xóm Be Ngoài, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) ngồi bên bếp lửa hút điếu thuốc lào, nhâm nhi bát nước chè xanh trải lòng: Cuộc sống của người dân quê mình ngày càng được cải thiện, những ngôi nhà sàn bằng gỗ cũng dần được thay thế bằng nhà sàn bê tông hoặc nhà xây. Bếp lửa và những phong tục của người Mường trước kia vì thế mà ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, cho đến nay, người Mường Be vẫn gìn giữ được nhiều nếp nhà, nếp ăn, nếp ở cùng với nét văn hóa truyền thống bên bếp lửa... 

Không chỉ ở Mường Be, vùng Mường Vang huyện Lạc Sơn mà các vùng Mường ở các huyện như: Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong… trên những ngôi nhà sàn truyền thống, bếp lửa vẫn luôn hiện hữu, gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của người Mường. Bếp lửa có sức mạnh và thiêng liêng và được ví như linh hồn trong ngôi nhà sàn vậy. 

 Ý thức được giá trị to lớn của bếp lửa nhà sàn nên bao đời nay, người Mường luôn trân trọng, nghiêm túc với các nghi lễ dựng nhà, làm bếp, nhóm lửa, làm bàn thờ thổ công và vua bếp. Ví như  khi làm khuôn và lấy đất đắp bếp phải chọn được ngày tốt theo tuổi của gia chủ; đất để đắp bếp phải lấy ở nơi đất sạch sẽ… Nhóm lửa cũng phải chọn ngày, giờ tốt để sắm mấy mâm cỗ làm lễ cúng xin tổ tiên, thổ thần cho phép được nhóm lửa và mời anh em nội ngoại, làng xóm đến chứng kiến ngày nhóm bếp. Lễ cúng nhóm bếp xưa thường được thầy mo hoặc các vị cao niên trong nhà thực hiện, nhưng việc châm lửa nhóm bếp phải nhờ một vị cao niên, sống có uy tín trong cộng đồng, họ tộc và phải là gia đình có con cháu trai, cháu gái đuề huề, làm ăn phát đạt để nhà chủ được nhờ hưởng phúc - lộc - thọ - khang từ người nhóm lửa…

Từ sự trân trọng bếp lửa nhà sàn của người Mường, nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt và tâm linh cũng được bộc lộ rõ nét. Người Mường quan niệm vừa duy tâm, nhưng cũng rất thực tế như thú dữ hay tà ma rất sợ lửa nếu bếp tắt thì tà ma, thú dữ sẽ vào nhà. Chính vì vậy mà trước kia, bếp lửa của người Mường không bao giờ được tắt lửa. Rồi những kiêng kỵ khá cầu kỳ như: Trong những ngày Tết, người Mường kiêng bếp bị tắt lửa; phụ nữ đun nấu không được ngồi ở vị trí cửa bếp (miệng của chiếc kiềng ba chân) mà phải ngồi lệch sang bên cạnh; ngồi sưởi phải khép chân bó gối. Củi đun phải đun đúng chiều gốc vào trong bếp để "tránh” khi sinh nở thai sẽ bị ngược; khi đun nấu không để nước sôi tràn xuống bếp sẽ làm ăn lụi bại. Mọi người tuyệt nhiên không được khạc nhổ vào đống tro quanh bếp…

Tôi rất thích thú với những chi tiết, câu chuyện của ông cha vẫn kể từ khi còn nhỏ: Khi thấy ngọn lửa nhóm lên, ở đầu cây củi bỗng lửa cháy phì phì và ánh sáng của lửa sáng trắng hơn thì đó là lửa cười. Vậy là sẽ có niềm vui tới, hoặc nhà sẽ có khách và nếu là trong năm mới sẽ làm ăn thuận lợi. Tôi cũng nhớ vào mỗi buổi sáng, trước khi nấu ăn bao giờ cũng phải gắp một chút đồ ăn ném vào giữa bếp để mời vua bếp… Tôi cũng như bao đứa trẻ ở quê Mường thật tự hào vì từ khi sinh ra đã được ở cạnh bếp lửa, được sưởi ấm, được bảo vệ để trưởng thành bên bếp lửa nhà Mường.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trường phòng VH&TT huyện Lạc Sơn cho biết: Bếp lửa trong không gian văn hóa của người Mường rất đặc biệt, có nhiều ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa. Bếp lửa gắn với ngôi nhà sàn truyền thống, gắn với nếp ăn, nếp ở, với phong tục tập quán… Để lưu giữ những nét đẹp truyền thống ý nghĩa đó, trong những năm qua, Phòng VH&TT huyện đã tham mưu để Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện. Từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo tồn. 

Theo đồng chí Trưởng phòng VH&TT huyện, hiện toàn huyện có trên 12 nghìn ngôi nhà sàn truyền thống. Đa phần ở những ngôi nhà sàn truyền thống vẫn giữ được bếp lửa truyền thống. Đặc biệt, trong đề án bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường, huyện xây dựng gắn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng dưới các hình thức như làng, bản Mường, homestay... để những bếp lửa hồng, ấm áp luôn hiện hữu và giữ vai trò là linh hồn của ngôi nhà sàn Mường.


Hồng Duyên


Các tin khác


Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Huyện Đà Bắc nâng cao hiệu quả xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Huyện Đà Bắc có 17 xã, thị trấn với 122 xóm, tiểu khu, 5 dân tộc chủ yếu Tày, Mường, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Những năm qua, việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục