Ngày 4/4, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Festival Huế phối hợp với Ban Bảo trợ điện Huệ Nam (còn gọi điện Hòn Chén) tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam năm 2022, với sự tham dự của hơn 400 thanh đồng, đạo hữu theo đạo Mẫu cùng đông đảo người dân địa phương, du khách.


Đội thiếu nữ tham gia Cung nghinh Thánh Mẫu qua nhiều tuyến phố ở trung tâm thành phố Huế.
 

Sau hơn 50 năm (kể từ năm 1971), Ban tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam (còn gọi điện Hòn Chén) đã tái hiện lại lễ rước-cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng) lên Nghinh Lương Đình (thành phố Huế), trước khi xuống thuyền di chuyển lên điện Huệ Nam.

Đây là lần đầu tiên 1 lễ hội truyền thống, đa sắc màu tâm linh theo tín ngưỡng thờ Mẫu được tái hiện và xây dựng thành 1 carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn tại Festival Huế 2022.

Nét đặc sắc nhất của Lễ hội điện Huệ Nam là hoạt động rước Thánh Mẫu với sự tham gia của hàng chục chiếc thuyền rồng trên sông Hương, bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt; có đội hầu bóng, những người phục dịch và đông đảo khách hành hương đi theo...

Đặc biệt, điểm mới trong chương trình lễ hội năm nay là Trung tâm Festival Huế phối hợp với Ban Bảo trợ điện Huệ Nam tổ chức lễ rước Thánh Mẫu bằng đường bộ nhằm tái hiện, xây dựng 1 carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam -0
Đoàn cung nghênh Thánh Mẫu bằng đường bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng) lên Nghinh Lương Đình.

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm thanh đồng, đạo hữu cùng người dân và du khách thập phương có mặt tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo để tham gia nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu. Ngay sau lễ cáo, Ban tổ chức đã tiến hành nghi lễ cung nghinh bằng đường bộ đi qua các tuyến đường trung tâm thành phố Huế.

Đoàn cung nghênh bắt đầu từ Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng) dọc theo tuyến Chi Lăng lên đường Trần Hưng Đạo, tiếp nối đến Lê Duẩn trước khi đến di tích Nghi Lương Đình với chiều dài gần 3km. Cùng với các hương án, đông đảo các thanh đồng, đạo hữu trong trang phục truyền thống cùng với cờ, phướn tạo nên 1 đám rước đa màu sắc nhưng vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thành kính.

Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam -0
Lễ hội cũng được xem là 1 festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất cố đô.

Tại di tích Nghinh Lương Đình, Ban tổ chức cùng Đoàn cung nghênh đã làm lễ cáo yết cầu an trước khi nghênh giá xuống các thuyền rồng để ngược theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam thuộc xã Hương Thọ (thành phố Huế). Nét độc đáo của lễ hội truyền thống điện Huệ Nam là hoạt động rước Thánh Mẫu bằng hàng loạt thuyền trên sông Hương.

Hoạt động rước Thánh trên sông Hương có sự tham gia của hàng chục chiếc thuyền rồng, bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt. Đoàn thuyền có sự tham gia của đông đảo các thanh đồng, đạo hữu, những người phục dịch và du khách hành hương theo các thuyền lên điện Huệ Nam.

Tại điện Huệ Nam, sau khi sắp xếp nghi lễ và khai hội, Lễ hội tiếp tục diễn ra nghi lễ quan trọng khác như lễ Chánh Tế, cầu nguyện Quốc thái dân an và lễ Hoàn tạ… đến 14 giờ cùng ngày rồi kết thúc. Đoàn thuyền rồng sau đó sẽ quay đầu trở về thành phố Huế.

Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam -0
Đoàn thuyền rồng xuất phát từ di tích Nghinh Lương Đình, xuôi theo sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam (xã Hương Thọ).

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam năm 2022 cho biết, theo lệ thường lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày mồng 2 và 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thời tiết mưa lũ bất thường trái mùa những ngày qua, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nên Ban tổ chức lễ hội điện Huệ Nam năm nay đã quyết định lùi lại 2 ngày, tức ngày mồng 4/3 âm lịch (4/4/2022).

Theo ông Hải, ban đầu, lễ hội dự tính diễn ra 2 ngày nhưng do tình hình mưa gió có khả năng trở lại nên Ban tổ chức đã quyết định các hoạt động, nghi lễ trong lễ hội sẽ được tổ chức gói gọn trong 1 ngày so với kế hoạch ban đầu. Việc này đã được Ban bảo trợ điện Huệ Nam cùng đông đảo các thanh đồng, đạo hữu nhất trí. Quá trình tổ chức lễ hội đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội truyền thống điện Huệ Nam -0
Hoạt động cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ đã được tái hiện, 1 carnival dân gian độc đáo, có quy mô lớn và đầy màu sắc của trang phục cổ xưa, mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Lễ hội điện Huệ Nam (hay còn gọi là Lễ hội điện Hòn Chén) là lễ hội dân gian truyền thống mang yếu tố văn hóa tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na của 1 bộ phận dân cư xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung, được tổ chức vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hàng năm tại ngôi điện nằm trên núi Ngọc Trản bên bờ sông Hương, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ hội được xem như là một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương.

Ngoài các lễ chính, còn các lễ phóng sinh, phóng đăng, với các làn điệu chầu văn xứ Huế..., thu hút nhiều thuyền ngược dòng sông Hương, với lượng du khách rất đông đến từ các tỉnh trong cả nước về với lễ hội.

TheoNhanDan


 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục