(HBĐT) - Một trong những giá trị văn học to lớn của mo Mường là giá trị ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một trong những vấn đề cơ bản nhất của mo Mường. Giống như viên gạch là đơn vị cấu thành nên những công trình kiến trúc nguy nga, đồ sộ, ngôn ngữ là chất liệu cấu thành nên những tác phẩm văn học nói chung, trong đó có mo Mường nói riêng.



Ngôn ngữ mo Mường kết tinh từ tiếng nói quen thuộc của Nhân dân, trong đó không thể thiếu vai trò của nhiều thế hệ các "chàng trò mo trượng” đã không ngừng tiếp nối, giao thoa, sáng tạo, làm nên những áng mo Mường bất hủ, tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm. Trong quá trình sáng tạo, ngôn ngữ mo Mường có những đặc điểm trở thành giá trị văn học đặc sắc rất đáng chú ý: Ngôn ngữ mo Mường là thứ ngôn ngữ Mường Việt cổ. Có vô số tên các địa danh, nhân vật huyền thoại, thần thoại ở khắp cả "3 tầng, 4 thế giới" theo vũ trụ luận của Nguyễn Từ Chi. Do đó, ngôn ngữ mo có tính trừu tượng, huyền ảo, vừa thực vừa hư.

Trong quá trình lịch sử dân tộc, qua lao động, sáng tạo không ngừng để chinh phục thiên nhiên, Nhân dân đã đặt tên cho các loài động, thực vật và nó đều có mặt trong mo Mường. Nếu thống kê sẽ gặp những cặp loài động vật phân chia theo hệ thống, từ lớn - nhỏ, hung dữ - hiền lành, trừu tượng, linh thiêng, không có thật - bình thường nhất. Quá trình đặt tên ấy là quá trình nhận thức ban sơ về thế giới tự nhiên của con người. Con người Mường Việt xưa vừa sống phụ thuộc nhưng đồng thời cũng hòa hợp với tự nhiên, cải tạo tự nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ cho cuộc sống sinh tồn và không ngừng phát triển của mình.

Nếu như tiếng Việt hiện đại miêu tả sự vật rất chính xác, tinh tường thì dường như tiếng Mường không có khả năng ấy nhưng lại có tính tượng hình và tượng thanh rất dồi dào. Thử phân tích hình tượng con vật có tên gọi "Ti̒l wi̒l tươ̭ng wươ̭ng” với tiếng kêu "ngáw ư̭!”… Tên gọi gợi trí tưởng tượng về một con vật có nhiều hoa văn khoanh tròn to lớn, cử chỉ lặng lẽ, bất thần, bước đi rón rén, nhẹ nhàng rình mồi không gây ra tiếng động, nhưng khi đã bật ra âm thanh "ngáw ư̭!” thì hành động vũ bão chớp nhoáng, cực kỳ hung dữ, cào xé lung tung, gây ra sự rách nát, đổ máu, làm cho già trẻ đều khiếp vía kinh hồn. Vì thế, các dịch giả mo Mường thường để nguyên tên gọi, mặc sức tưởng tượng của người đọc.

Thực chất của ngôn ngữ mo là lời khấn, lời kể chuyện bằng văn vần, nó còn thô ráp như dầu thô, mỏ quặng, chưa được chắt lọc, tinh luyện như văn thơ bác học. Nhưng nó cũng có hồn thiêng sắc thái riêng biệt vì nó luôn tồn tại song hành với nghi thức diễn xướng mo. Hồn thiêng sắc thái ấy thể hiện qua những câu mo dài từ 13-15 tiếng. Điều quan trọng là dịch giả mo cần chuyển tải được cái không khí, cái hồn, cái thần sắc của mo. Nếu cắt khúc một câu mo dài thành hai ba đoạn nhỏ để cho dễ dịch thì không còn là mo trong nghi thức nữa. Những ông mo biết đọc những bản dịch cắt khúc đó sẽ không hiểu mình đang nói gì.

Nếu như tinh thần Mường là yếu tố cốt tử về nội dung để mo tồn tại ngàn đời thì vần điệu là yếu tố hình thức để đảm bảo sự sống còn của mo. Khi sử dụng vần điệu, các ông mo thực sự là những vị phù thủy về ngôn ngữ, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vần là cần thiết bởi các ông mo phải thuộc lòng hàng vạn câu mo, mo dài hơn chục ngày đêm. Các bộ nhớ tuyệt diệu ấy đã huy động đến mức tối đa để  bù lại một xã hội không có chữ, không có phương tiện để ghi lại lịch sử, văn hóa, gia phả của mình. Một ông mo nổi tiếng nói: " Người mo phải biết đường đi mồn một, rõ ràng”. Đúng vậy, không thấy đường đi rõ ràng làm sao ông mo có thể dẫn hồn đi chơi khắp mường, vào mường ma, lên trời, xuống âm phủ, trở về nhà, cuối cùng về mường ma qua hàng nghìn chặng đi, chặng nghỉ được. Trên chặng đường dài dằng dặc ấy, mỗi vần là một nấc thang vịn để người học mo, ông mo vịn vào để nhớ, để thuộc và vượt qua.

 Vốn từ vựng của tiếng Mường không nhiều như tiếng Việt. Để có hàng vạn câu, tác giả mo đã sử dụng từ ngữ, gieo vần như thế nào? Giữa câu trước và câu sau thường phải có vần. Có những vần dùng tiếng có nghĩa và cả những vần dùng tiếng không nghĩa. Tiếng không nghĩa này thường kèm theo âm đệm mâ̒l, kâ̒l… (đệm vào để cho vần). Đoạn xuống âm phủ (mường vua khú) sau đây là một ví dụ tiêu biểu:

          "Thuổng xủn xủn kải nâ̭m ta̒ng kaách

          Thuổng ka̒l haách kải nâ̭m ta̒ng mương ta̒ng pai

          Thuổng kưở khâ̭p bua khú

          Kưở khṷ Ta̭o Pa Wi̒ quốc bương

          Châ̭m kưở khâ̭p mâ̒l khô̒i

          Pô̒i kưở khṷ mâ̒l khi̒nh”.

          (Xuống lún lún theo con đường cát

          Xuống man mát theo những bờ mương, bờ phai

          Xuống cửa sập vua rồng

          Cửa đá Tạo Ba Vì quốc vương

          Dẫm cửa sập kêu sầm

          Đạp cửa đá kêu sình).

Trong nguyên bản tiếng Mường, hai tiếng vần nhau khú-rồng và khṷ-đá đều có nghĩa, còn haách là tiếng không rõ nghĩa, kèm theo âm đệm ka̒l haách chỉ cốt cho vần với kaách ở câu trên chứ không có nghĩa. Để chuẩn bị vần cho câu sau: pô̒i (đạp) thì tiếng mâ̒l khô̒i ở câu trước là vần đệm không có nghĩa. Để dịch được những vần đệm không nghĩa này là điều không tưởng, chỉ có thể dịch theo ý mà thôi. Bản dịch mo Mường vừa sát nghĩa, có hồn, mang tính văn học là một yêu cầu cao, đòi hỏi sự lao động nghiêm túc, không dễ dãi.

 Ngoài những từ ngữ thông thường, thỉnh thoảng ta bắt gặp những từ cổ rất khó. Đó thực sự là những viên ngọc được che phủ qua lớp bụi thời gian. Nếu gọt dũa, ta sẽ được những viên ngọc sáng long lanh. Sau đây là những câu mo khó nhất, nhưng là những câu hay nhất trong mo Mường.

          Câu thứ nhất:

          "Khṷ khót tlêênh khôông to̭ hoo̒ng hảw lă̭n

             Khṷ bẳn tlêênh khôông to̭ hoo̒ng hảw ti̒m”

          Để có được túi khót, túi bắn – công cụ bảo bối hành nghề quan trọng nhất của ông mo – hải thực hiện cuộc hành trình đi tìm rất công phu, vất vả. Hai người phải qua chín núi, mười sông, chín thác mười ghềnh, chín ngày mười đêm mới đến được núi khót, núi bắn ở đầu sông cuối nguồn. Phải đào, bới, nạy, tìm kiếm mới lấy được những hòn cuội quý, mỏ tráng ó, xương mèo rừng (nanh vuốt hổ), lưỡi rìu đồng… Lấy được đầy thuyền mang về gần đến nơi rồi lại va vào miệng con khú con rồng, rơi hết xuống sông, phải tiếp tục quay lại núi khót, núi bắn. Vậy núi khót, núi bắn ở đâu? Chính là nơi trên sông "to̭ hoo̒ng hảw lă̭n, to̭ hoo̒ng hảw ti̒m”. To̭ hoo̒ng là một từ vừa rất ẩn, vừa rất cổ, cổ đến mức ngày nay không còn dùng nữa. Chỉ những cụ ở tuổi 80 mới còn nhớ những câu nói có tiếng này: To̭ hoo̒ng mă̭t tlơ̒i moo̭c, to̭ hoo̒ng mă̭t tlơ̒i lă̭n, nói to̭ tên cúng cơm. Hay một câu trong mo "Teẻnh to̭ hoo̒ng cho nhả kải kôô̭c khăng tôô̒ng” (Đánh thẳng vào chỗ đó). Từ nghĩa của các câu trên tổng hợp lại, ta được nghĩa của từ to̭ hoo̒ng là đúng chỗ đó, nện thẳng vào chỗ đó, lặn xuống chỗ đó. Còn kết hơp với văn cảnh của câu mo trên, ta được một câu mo dịch ra tiếng Việt như sau:

          Núi khót trên sông nơi mặt trời sắp lặn

          Núi bắn trên sông nơi mặt trời sắp chìm

Vừa sát nghĩa lại vừa trong sáng.

          Câu sau đây nằm trong văn cảnh đoàn người quay xung quanh nhà xe, thầy tư văn đọc đoạn văn tế, kể chuyện Hằng Nga - Thục Đế:

          Thấy trăng mà không thấy sao

          Thấy ao mà không thấy cá

          Thấy lá mà không thấy cây

          Thấy mây mà không thấy hẹ.

 Vấn đề là ở chỗ từ hẹ, vừa cổ vừa ẩn. Nếu theo lô gíc thông thường thì thấy mây mà không thấy mưa thấy gió. Nhưng ở đây lại không thấy hẹ. Có phải hẹ rượu theo nghĩa dô bây giờ không? Tuyệt đối không. Phải rau hẹ không? Càng không phải. Vậy phải tìm câu tiếp có từ này: Kơm ngăi nha̒ hḙ (cơm ai nhà nấy); Chăng dố ngăi dố hḙ chi (không thấy ai nấy gì). Từ hẹ đúng ở trường hợp này: Đại từ chỉ ngôi thứ ba: ai, nấy. Đặt vào văn cảnh đây chính là muốn nói đến người đang vắng mặt: Thục Đế trong chuyện đang kể, đồng thời cũng là người mất. Câu mo mang âm hưởng tha thiết, lâm ly. Vì thế cần dịch là:

          Thấy trăng mà không thấy sao

          Thấy ao mà không thấy cá

          Thấy lá mà không thấy cây

          Thấy mây mà không thấy nấy.

 Khi đi điền dã, ta đến với bà con các làng. Làng Bui vừa có tên ở Tân Lạc, vừa có ở Lạc Sơn, địa danh có nhắc đến trong mo. Bui ở đây có phải nghĩa vui tươi, vui vẻ không? Vào đầu thế kỷ XV, khi ngôn ngữ Việt - Mường còn có những nét tương đồng, khi Lê Lợi nói tiếng Mường, Nguyễn Trãi có câu thơ ai cũng biết:

          "Bui một tấc lòng ưu ái cũ

          Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng”.

 Từ "bui” trong thơ Nguyễn Trãi nghĩa là riêng. Hai làng Bui ở Tân Lạc và Lạc Sơn đến nay còn nhiều nhà nhận nhau là anh em. Hai làng này chưa rõ đâu là quê gốc nhưng đều có đặc điểm giống nhau là nằm tách ra ngoài mường lớn Bi, Vang như là con cái lập gia đình ra ở riêng, đều có chung đặc điểm là làng ở ngoài mường. Vậy nghĩa của từ Bui chắc chắn phải là riêng - làng ở ngoài mường.

 Điểm xuyết những câu mo có những từ khó như trên để thấy được những cái khó, đồng thời cũng là cái hay của ngôn ngữ mo Mường mà các dịch giả thường gặp. Dường như là thách thức chúng ta phải đi đến tận cùng núi khót, núi bắn để giải đúng nghĩa của nó...

 Ngôn ngữ mo Mường là tiếng nói muôn đời của tổ tiên, là hồn thiêng sông núi, là ngôn ngữ sử thi hàng đầu Đông Nam Á, sánh tầm nhân loại, đáng được gìn giữ và vinh danh. Điều đáng tiếc nhất là tiếng Mường hay như vậy, ngôn ngữ mo hay như vậy mà không được thể hiện qua chữ viết truyền thống của người Mường. Điều lo lắng nữa là tiếng Mường nói chung, mo Mường nói riêng có nguy cơ thất truyền ở các thế hệ tiếp theo. Việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Mường, trong đó có ngôn ngữ Mường và ngôn ngữ mo Mường là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai không chỉ các cơ quan văn hóa, giáo dục mà của toàn xã hội. Đòi hỏi toàn xã hội cùng chung vai gánh vác, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm để kho tàng văn hóa quý báu này được vinh danh và trường tồn cùng dân tộc.

                                                                   
Bùi Văn Nợi (Xã Phong Phú, huyện Tân Lạc)

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục