(HBĐT) - Người Tày ở vùng cao huyện Đà Bắc có chữ viết riêng theo hệ chữ Sanskrit có nguồn gốc từ Ấn Độ, thông qua mẫu tự Khmer. Chữ Tày xuất hiện từ thế kỷ thứ XI đến nay đã được thế giới công nhận là 1 trong 4 văn tự cổ của Đông Nam Á.


Chữ Tày cổ và tư liệu sưu tầm.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chữ Tày - Thái được chính quyền thực dân dùng làm phương tiện chuyển tải những văn bản pháp quy ở châu Mai Đà (huyện Mai Châu và Đà Bắc ngày nay) nói riêng và toàn bộ các tỉnh có đông dân tộc Tày - Thái sinh sống như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái. Với cấu trúc hệ thống âm vần gồm tổ hợp 48 chữ cái, 19 nguyên âm và 6 chữ độc lập. Hệ thống chữ viết có thể ghi âm toàn bộ tiếng nói của dân tộc Tày trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do có chữ viết riêng nên những tri thức bản địa và tri thức truyền thống của dân tộc được bảo tồn, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Trước hết trong lĩnh vực quản lý xã hội, sách cổ đã ghi lại những luật tục, tập tục lành mạnh trong việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội cũng như cấu trúc bộ máy quản lý làng, xã. Tổng hòa các mối quan hệ hôn nhân và gia đình cũng như giáo dục con cái và quản lý xã hội thể hiện sự thống nhất, bền chặt của khối đại đoàn kết dân tộc. Luật tục không ghi thành chương, điều và hình phạt cụ thể như luật hiện đại, nhưng hình phạt nặng nhất có lẽ là sự xa lánh và cô lập của gia đình và cộng đồng. Nhiều điều trong luật tục, tập tục được các nhà làm luật nghiên cứu, ứng dụng trong việc xây dựng thành các bộ luật hiện đại mang tính kế thừa.

Bằng kinh nghiệm thực tế cải tạo và đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt mà sách cổ đã ghi chép tỉ mỉ những phương thức canh tác mùa màng, chọn lọc từ thiên nhiên những giống cây trồng và con vật nuôi tốt nhất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp, kinh nghiệm quý báu đó được thể hiện qua những câu tục, ngữ, thành ngữ, quán ngữ… cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng phải thừa nhận rằng cây trồng và con vật nuôi bản địa có năng suất, sản lượng không như mong muốn nhưng bù lại chất lượng sản phẩm thật tuyệt hảo. Cách chế biến và phối hợp gia vị cũng vô cùng độc đáo để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước nhiều ấn tượng với các món ẩm thực chỉ có ở vùng dân tộc. Trong khi sản phẩm nông nghiệp được công nghệ hóa không thể có chất lượng thơm, ngon bằng sản phẩm bản địa. Với việc lạm dụng thuốc bảo quản và bảo vệ thực vật thái quá như ngày nay, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp bản địa ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn riêng vốn có. Ngành nghề truyền thống được cộng đồng người Tày rất chú trọng, nhất là ngành mộc, dệt thổ cẩm, đan lát và thêu thùa, bởi những nét hoa văn độc đáo đó đã làm tôn thêm vẻ đẹp trong trang phục người dân tộc thiểu số.

Trong lĩnh vực y học, sách cổ đã ghi chép tỉ mỉ những cây thuốc, cách bào chế, phối hợp các loại cây thuốc và bài thuốc dân gian cổ truyền để khám, chữa bệnh trong cộng đồng rất hiệu quả. Nhiều ca bệnh nan y phức tạp, bệnh viện đã trả về nhưng với các bài thuốc dân tộc đặc biệt "cải tử hoàn sinh” của các ông lang, bà mế đã cứu được nhiều người, tạo thêm thu nhập và nâng cao trình độ khám, chữa bệnh cho những người hành nghề y học cổ truyền. Thông qua việc bảo tồn và phát triển cây thuốc nam, việc kết hợp đông - tây y trong điều trị bệnh cho nhân dân đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, một số hãng sản xuất đông y đã lợi dụng bài thuốc và cây thuốc dân tộc để cho ra đời nhiều loại thuốc kém chất lượng để đánh lừa người bệnh.

Về văn hóa, văn nghệ, do có chữ viết riêng nên nền văn hóa của dân tộc Tày đã phát triển rực rỡ với đủ các thể loại: Truyền thuyết, truyện thơ, truyện ngụ ngôn, tình ca, tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ, ca dao, dân ca… được viết bằng chữ Tày cổ. Nhiều tác phẩm văn học đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông như: Tác phẩm Sồng Chú Sằng Sạo, Khụn Lu - Nang Úa… Các tác phẩm của người Tày - Thái được sáng tác, chuyển thể dưới dạng các bài "khắp” - một dạng độc diễn hoặc biểu diễn tập thể của những nghệ nhân hát dân ca. Nội dung được chuyển tải đến mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi trong cộng đồng, những bài hát đối đáp giao duyên trữ tình gây ấn tượng sâu đậm trong nhân dân. Để phân biệt với dân tộc khác, người Tày có nhiều loại nhạc cụ độc đáo như: Bộ trống chiêng, đàn môi, sáo tiêu, nhị, pì pắp. Đặc biệt là chiếc khèn bè - một dụng cụ đặc trưng của người Tày, khi nghệ nhân biểu diễn nghe dìu dặt như tiếng suối chảy, lúc vi vu như gió thổi, khi thì dạt dào như tiếng sóng. Trong nước cũng như trên thế giới chưa có một dân tộc nào có điệu múa tập thể không phân biệt đẳng cấp, lứa tuổi như người Tày - Thái, đó chính là điệu xoè hoa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Không biết tự bao giờ, người Tày - Thái từ nhỏ đến lớn đều thuộc và diễn được 6 điệu xòe cổ, vòng xòe cứ thế rộng mãi ra tới hàng trăm, hàng nghìn… người. Các nhà biên đạo múa ngày nay đã cải biên từ 6 điệu xòe cổ thành những điệu múa hiện đại, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng nhưng vẫn giữ được những nét riêng của xòe cổ. Những bài hát dân ca được các nghệ nhân dân gian sáng tác nhưng khuyết danh được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình là địa phương dạy Tiếng dân tộc Tày - Thái đầu tiên của cả nước và cũng là tỉnh tiên phong đưa chữ dân tộc vào giảng dạy trong cơ sở giáo dục công lập, chủ yếu dạy trên địa bàn tỉnh nhằm bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về văn hóa Tày - Thái, tạo điều kiện cho cán bộ không phải người dân tộc công tác ở vùng dân tộc tốt hơn. Quá trình hồi sinh chữ viết dân tộc cũng trải qua giai đoạn lâu dài với nhiều khó khăn, trắc trở. Người viết bài này cũng đã tham gia ngay từ buổi đầu trong việc thống nhất mẫu ký tự chữ viết, nội dung và chương trình sách giáo khoa dùng cho giảng dạy chữ dân tộc tại huyện Mai Châu vào tháng 7/2007, gồm 8 tỉnh có đông dân tộc Tày - Thái sinh sống. Đến nay, toàn tỉnh đã mở được trên 40 khóa học với hàng trăm học viên được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc, chưa kể hàng chục lớp dạy bảo tồn tại 2 huyện Mai Châu và Đà Bắc. Hồi sinh chữ viết dân tộc trong môi trường cuộc sống cộng đồng người dân bản địa sẽ lần lượt đánh thức các di sản văn hóa phi vật thể, làm mục tiêu phát triển bền vững của cuộc sống đương đại. Trong những năm gần đây, chữ Tày - Thái được Nhà nước quan tâm, được công nhận là 1 trong 8 chữ viết dân tộc thiểu số được phép tổ chức dạy và học. Chữ Tày - Thái cũng đã được nghiên cứu, thiết kế trên máy vi tính với nhóm tin học Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La phối hợp Trung tâm Tin học - Bộ GD&ĐT với bộ font chữ Tày - Thái thống nhất có thể cài đặt trên hệ điều hành Windows.

Như vậy, chữ viết dân tộc không những là phương tiện giao tiếp lưu giữ tri thức bản địa và tri thức truyền thống trong cộng đồng, mà nó còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế, nhất là ngành văn hóa, du lịch phát triển bền vững. 

 

NNƯT Lường Đức Chôm

Xã Trung Thành (Đà Bắc)

Các tin khác


Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục