(HBĐT) - Hang Trại (hay hang đá Trại) nằm ở xã Tân Lập (Lạc Sơn). Một hang động không chỉ độc đáo ở vùng đất cổ Mường Vang trù phú, mà còn là di tích khảo cổ học quốc gia với nhiều dấu tích của nền Văn hóa Hòa Bình (VHHB).


Hang đá Trại, di tích khảo cổ học quốc gia được phát hiện ở xã Tân Lập (Lạc Sơn).

Văn hóa Hòa Bình có niên đại cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước công nguyên, trải dài trên vùng đất xen núi đá vôi thuộc phía Tây châu thổ 3 con sông lớn thuộc Bắc Bộ, với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nền VHHB được giới khảo cổ học chính thức công bố năm 1932. VHHB được dùng để chỉ văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh tại vùng đất Hòa Bình là một trong những nơi có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Trong đó, những dấu tích tìm được ở các di tích khảo cổ như hang đá Trại là minh chứng rõ nét nhất. 

Không khó để đến và khám phá di tích khảo cổ độc đáo này. Hang Trại nằm ở núi Khụ Trại, một ngọn núi có độ cao và diện tích vừa phải, được bao quanh bởi con suối Lạn mát lành. Ngọn núi tọa ở vị trí khá đắc địa, là trung tâm của vùng Cộng Hòa rộng lớn. Từ ngọn núi này có thể ngắm nhìn cánh đồng rộng mênh mông và các bản làng của vùng đất Mường cổ này. Có lẽ chính vì vị trí đắc địa như vậy mà người Việt cổ đã chọn hang Trại làm nơi sinh sống. Cùng lãnh đạo xã Tân Lập và người dân địa phương, chúng tôi có dịp được khám phá hang Trại. Ông Bùi Văn Bằng, người dân xóm Trại Sào cho biết: Từ khi được quan tâm, tôn tạo, di tích hang Trại ngày càng được người dân trong vùng biết đến. Di tích có người trông coi, các hạng mục như tường bao xung quanh, lối lên hang được xây dựng thuận lợi. Trong khuôn viên, các loài thực vật được bảo vệ. Ngoài ra, bà con trồng thêm các loại cây để tạo cảnh quan. 

Hang Trại nằm ở độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang cao khoảng 10m, rộng 8m và sâu 13m. Hiện nay, trong hang có một số tượng mô phỏng sinh hoạt của người tiền sử. Mặc dù là hang đá vôi nhưng trong hang khá thông thoáng, không ẩm ướt. "Hang núi có hướng đón ánh mặt trời, ánh sáng soi vào tận trong hang nên khô ráo” - ông Bằng lý giải. Sâu trong hang là những lớp vỏ ốc dày, đặc biệt là dấu tích lối đi cổ có niên đại 22 nghìn năm. Di tích hang Trại được phát hiện năm 1975 và tiến hành khai quật lần đầu năm 1980. Sau nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 nghìn hiện vật, gồm một số xương động vật các loại và vô số vỏ ốc, công cụ đá. Nơi đây là công xưởng chế tác công cụ của cư dân VHHB. 

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu hiệu tro bếp và bộ hài cốt có độ tuổi từ 14.000 - 17.000 năm. Trước đó, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy những hạt thóc của người xưa rơi vãi, được xác định thời nhà Trần. Với những phát hiện đó, năm 2001, hang Trại được công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia. Đồng chí Bùi Văn Nam, công chức văn hóa xã Tân Lập cho biết: Trước khi được các nhà khoa học phát hiện, hang đá Trại là một địa điểm tâm linh của người dân địa phương. Trước đây, trong hang có một ngôi chùa được ngăn bằng gỗ với nhiều tượng và các đồ thờ tự khác nhau dựng cách đây hàng trăm năm. Ngôi chùa nay đã không còn. Trong đợt tôn tạo di tích năm 2008, một ngôi chùa nhỏ được dựng lại ngay gần cửa hang, lấy tên chữ là "Trại sơn cốc tự” để làm nơi thờ tự về sau.

Đồng chí Bùi Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập nhấn mạnh: Hang đá Trại không chỉ là di tích khảo cổ học, mà còn có nhiều tiềm năng để trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch trong tương lai. Đây cũng là địa điểm được quy hoạch để trở thành một trong những điểm dừng chân khi du khách đến trải nghiệm ở vùng đất cổ Mường Vang. Có thể nói, với không khí mát lành, đến với hang Trại không chỉ là trải nghiệm để tìm hiểu về các dấu tích của nền VHHB, mà còn là dịp để hòa mình vào thiên nhiên với núi rừng và cánh đồng lúa mênh mông. Hơn nữa, từ hang Trại dễ dàng đến với Đồi Thung (xã Quý Hòa), ruộng bậc thang Miền Đồi - những điểm đến đầy hấp dẫn về cảnh sắc, con người của vùng đất cổ Mường Vang trù phú.


Viết Đào

Các tin khác


Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục