(HBĐT) - Cùng với niềm tự hào là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chiêng Mường Hòa Bình được người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Đây cũng là loại hình nghệ thuật đặc sắc, phổ biến nhất, có sức lan toả mạnh mẽ, gắn bó và gần gũi với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Mường.


Đoàn vận động viên các nước khu vực Đông Nam Á tìm hiểu về chiêng Mường qua giới thiệu của các nghệ nhân huyện Cao Phong.

Có dịp thăm quan, trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) của đồng bào Mường ở xã Suối Hoa (Tân Lạc), xã Tiền Phong (Đà Bắc), dàn chiêng đón khách với 12 người cùng màn trình tấu đặc sắc mang đến cho du khách ấn tượng đẹp đẽ về bản sắc văn hóa dân tộc Mường ngay khi đặt chân khám phá bản làng. Anh Bruce, du khách Ai-Len chia sẻ: Âm thanh của chiêng Mường vang ngân như giao hoà với đất trời, thiên nhiên. Tôi rất nhiều cảm xúc khi biết được rằng chiêng Mường đã thay lời đón mời nồng hậu của người dân bản địa dành cho những quý khách ghé thăm bản Mường.

Năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh, tiêu biểu là Hòa Bình đăng cai môn đua xe đạp trong khuôn khổ Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31. Quá trình thi đấu tại giải, người dân địa phương không chỉ mang theo cờ, trống mà còn huy động cả dàn chiêng đến địa điểm thi đấu để cổ vũ, khích lệ tinh thần của vận động viên đến từ các nước trong khu vực.

Tại Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình chào mừng SEA Games, các huyện, thành phố cũng trình tấu nghệ thuật chiêng Mường để giới thiệu, quảng bá văn hoá đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, tại chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” diễn ra cùng sự kiện tỉnh đón bằng công nhận lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường và lịch tre (lịch đoi) dân tộc Mường Hòa Bình là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, hơn 200 tay chiêng đã tham gia trình tấu, mang đến lễ hội một không gian đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Chiêng Mường là vật thiêng, "hồn cốt”, gắn chặt với đời sống tâm linh của người Mường Hòa Bình. Theo số liệu kiểm kê, toàn tỉnh còn lưu giữ được trên 11.000 chiếc chiêng, nhiều nhất ở 4 vùng Mường (Lạc Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong) và thành phố Hòa Bình. Có không ít người dân đang sở hữu số lượng lớn chiêng Mường cũng như nắm giữ giá trị di sản, như: Nghệ nhân Bùi Tiến Xô ở xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi); các Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, Bùi Thanh Bình ở phường Thái Bình (TP Hoà Bình)… Bên cạnh đó, toàn tỉnh thành lập được hàng trăm CLB giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị chiêng Mường, nổi bật là thị trấn Mường Khến, các xã Phong Phú, Suối Hoa (Tân Lạc), thị trấn Bo, các xã Vĩnh Tiến, Xuân Thuỷ, Nam Thượng, Kim Lập (Kim Bôi)…

Gắn với việc bảo tồn, làm lan toả sâu sắc giá trị văn hoá chiêng Mường, hoạt động truyền dạy nghệ thuật chiêng cũng được các cấp, ngành quan tâm. Ngành GD&ĐT đã tích cực phối hợp với địa phương đưa công tác truyền dạy cho học sinh các nhà trường. Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên ở cơ sở triển khai các lớp truyền dạy cho thanh, thiếu niên. Hàng năm, Trung tâm Văn hoá tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn, truyền dạy về chiêng cho đội văn nghệ các xóm, xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá chiêng Mường. Chiêng Mường được bảo tồn, phát huy rộng khắp vào các dịp lễ hội, trong các sự kiện của tỉnh, huyện, địa phương, được quảng bá, giới thiệu trong các sự kiện chính trị, văn hoá ở khu vực và toàn quốc, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Mường Hoà Bình, sản phẩm du lịch hấp dẫn, đóng góp cho phát triển KT-XH, đồng thời góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hoá truyền thống của tỉnh.


Bùi Minh


Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục