(HBĐT) - Tôi trở lại Luang Prabang sau gần 20 năm chạm mặt. Những đổi thay là không đáng kể, dù dấu vết thời gian in hằn, hiển hiện khắp vùng đất cố đô của Lào. Du khách nước ngoài, nhiều nhất là Thái Lan đã đặt chân đến đây để chiêm bái những di sản về kiến trúc, tôn giáo, văn hóa độc đáo ở vùng đất cổ yên bình, nhẹ nhàng, dịu dàng này.



Du khách đến thăm Bảo tàng Quốc gia Luang Prabang.

1. Lần này, tôi đến Luang Prabang bằng phương tiện giao thông rất hiện đại là tàu hỏa tốc độ cao. Tuyến đường sắt cao tốc dài 1.035km từ Vietiane tới tận thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trong đó có 4 ga trên đất Lào có chiều dài 422 km. Từ khi khai trương vào ngày 3/12/2021 đến nay, du khách luôn rất đông, nhất là sau khi  mở cửa trở lại sau đại dịch, chuyến nào cũng gần như hết chỗ. Từ Vientiane đến Luang Prabang, tàu chỉ dừng ở ga Vieng Vang và chỉ mất 2 tiếng đồng hồ (so với khoảng 7 - 8 tiếng nếu đi ô tô, với quãng đường hơn 340 km). Sở dĩ nhanh như vậy là tàu có thể chạy với vận tốc tối đa 160 km/giờ. Và nữa, dọc tuyến đường sắt cao tốc đi qua rất nhiều hầm xuyên núi,   cầu qua sông, cầu cạn nên tuyến đường có tổng chiều dài 240 km thẳng băng chứ không uốn lượn quanh co. Tất nhiên, giá vé cũng không hề "mềm”, lên tới 383.000 kíp (khoảng 950.000 đồng).
Ga Luang Prabang cách trung tâm thành phố chừng 12 km. Nhìn đoàn người xuống ga có thể biết rằng, du khách đến thăm cố đô cũng nhiều. Gần 2 thập kỷ mới có dịp trở lại, Luang Prabang không đổi thay là mấy. Vẫn bình yên, trầm mặc, tĩnh lặng, dịu dàng bên dòng sông mẹ Mê Công hùng vĩ. Bà Vien Vilay Dilaphan - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Luang Prabang cho biết, trước khi dịch Covid-19 diễn ra, Luang Prabang đón khoảng 700.000 du khách/năm, nhưng khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch đóng cửa, kinh tế ảnh hưởng nặng nề. Tôi để ý thấy trên đường phố, khá nhiều biển hiệu cho thuê nhà, cửa hàng, khách sạn vẫn được treo, dù hoạt động du lịch đã mở cửa trở lại. Bà Vien Vilay Dilaphan cho biết thêm, trước dịch   Covid-19, tốc độ tăng GDP vào khoảng 7,8%/năm, nhưng giảm xuống còn 3,3% trong thời kỳ đại dịch và đã rục rịch tăng trở lại, ở mức 3,6% hiện nay. Thu nhập của người dân cũng giảm trông thấy, từ khoảng 2.000 USD/ người, nay chỉ còn 1.500 USD/người. 
2. Sáng tinh mơ, chúng tôi đã lục tục dậy, háo hức chuẩn bị cho chuyến đi cúng dường mà các bạn Lào đã chuẩn bị sẵn sàng, hết sức chu đáo. Xe ô tô dừng, chúng tôi đến vỉa hè ngay sát ngôi chùa. Đoạn chiếu đỏ được trải sẵn. Những chiếc khăn rằn của Lào được thắt chéo người. Mỗi người trong đoàn được trang bị một hũ xôi nếp, một khay nhựa đựng bánh kẹo các loại và tiền lẻ. Chúng tôi ngồi ngay ngắn, nghiêm cẩn chờ đợi các nhà sư từng đoàn đi khất thực. Mỗi nhà sư đều mặc áo cà sa vàng, đeo những giỏ đựng đồ bằng nhôm, mây tre đan để người dân cúng dường là bánh kẹo, xôi nếp, tiền lẻ. Người dân, ai cũng thành kính, cẩn trọng cúng dường. Có những gia đình cả nhà dậy sớm đi cúng dường. Du khách quốc tế cũng nhiều người thích thú, hứng khởi tham gia. Ngày nào cũng vậy, việc cúng dường đều diễn ra từ tờ mờ sớm tới khi mặt trời lên. Hình ảnh những nhà sư mặc áo vàng xếp hàng đi khất thực dọc các con phố ở cố đô Luang Prabang như một nét văn hóa đặc trưng, một hình ảnh đáng nhớ, hấp dẫn du khách quốc tế. 
Sau khi hoàn thành nghi lễ cúng dường, mê mải ngắm các nhà sư đi khất thực nhuộm vàng những con phố, tô điểm sắc màu cho buổi sáng Luang Prabang thêm rực rỡ, quyến rũ; chúng tôi đi thăm chợ sát bến sông chỉ bán buổi sáng. Khá nhiều mặt hàng được bày bán, từ quần áo, khăn, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm khô, hoa quả, thịt, cá... cho tới đồ ăn sáng, cà phê. Tất nhiên, đến Luang Prabang không thể không đến Phou Si - ngọn đồi dốc cao 150 m, có đền Wat Chom Si nhìn ra bao quát thành phố và dòng sông Mê Công vàng đục phù sa. Sau khi leo dốc nhẹ nhàng, chúng tôi vào thắp hương ở đền Wat Chom Si rồi ra ngồi nghỉ, hưởng không khí trong lành, mát mẻ, phóng tầm mắt ngắm nhìn mênh mông cố đô yên bình, tĩnh tại. Cũng từ đỉnh Phou Si, chúng ta có thể thấy rõ 2 dòng sông Mê Công và Nậm Khan trĩu nặng phù sa, chảy giữa đô thị cổ kính, làng mạc bình yên. 
Xuống chân đồi, những bước chân đã nhẹ nhõm hơn, hơi thở không còn dồn dập. Bước qua đường ngay phía đối diện, chúng tôi mua vé vào Bảo tàng quốc gia Luang Prabang, vốn là Hoàng cung (Haw Kham) trước kia. Rất nhiều du khách theo đoàn đông, nhóm nhỏ. Mọi người chăm chú, yên lặng ngắm nghía những hiện vật được trưng bày, lưu giữ tại đây của 3 nhà vua cuối cùng trị vì. Và một điểm đến nữa trong buổi sáng không thể không tới, đó là Wat Xieng Thong, được ví là "chùa của thành phố Vàng”, chùa của Hoàng gia nên nổi bật hơn các ngôi chùa cổ kính, đặc sắc khác được phân bố ở khắp nơi như: Wat Aham, Wat Mai Suwannaphumaham, Wat Manorom, Wat Wisunarat, Wat Xieng Muan...
Buổi chiều, chúng tôi đến thăm quan thác Kuang Si (Tat Kuang Si), cách trung tâm Luang Prabang 29 km về phía Nam. Chính xác thì đây là núi Kuang Si, với quần thể nhiều thác nước lớn nhỏ khác nhau. Các thác đều được bao bọc bởi núi rừng rậm rạp, nước rất xanh, tung bọt trắng xóa, đổ mạnh bay theo những làn hơi nước mát lạnh. Những bãi tắm ở nhiều con suối, cách xa thác cũng khiến du khách thoải mái tận hưởng cảm giác hòa mình với thiên nhiên một cách thích thú. Đến Tat Kuang Si, du khách không chỉ được đắm mình trong dạt dào cảm xúc, sự hùng vĩ, tươi đẹp của thiên nhiên, mà còn có thể thăm khu bảo tồn gấu, băng rừng, khám phá hay có thể leo thác mạo hiểm. Nhẩn nha nghỉ ngơi cách thác Kuang Si mùa nước đổ không xa, chúng tôi thưởng thức món nộm đu đủ truyền thống của Luang Prabang - món ăn mà từ gần 20 năm trước khi lần đầu thưởng thức, tôi vẫn nhớ tới tận bây giờ...
Luang Prabang còn nhiều điểm đến khác, là bảo tàng, những ngôi chùa, thác nước, làng nghề chạm bạc truyền thống. Điểm đến nào cũng có nét đẹp, ý nghĩa, sự quyến rũ đáng nhớ. Nhưng có điểm chung dễ nhận thấy, đó là sự tĩnh tại, bình yên, dịu dàng, như cả thị trấn cố đô, như cả tỉnh Luang Prabang đều vậy. Đó chính là bản sắc, là nét hấp dẫn du khách quốc tế, trong đó có những người Việt Nam. Từ tháng 11/2022, đường bay thẳng Hà Nội - Luang Prabang đã mở trở lại. Chắc sẽ có nhiều người Việt đến du lịch cố đô của Lào hơn. Nhưng thăm thú Vientiane rồi đi tàu cao tốc xuống Luang Prabang cũng là một trải nghiệm thú vị, đáng nhớ.



Chúng tôi lần đầu được trải nghiệm cúng dường ở Luang Prabang.


Nguyễn Tri Thức
Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục