(HBĐT) - Hà Giang là tỉnh vùng biên giới cực Bắc của Việt Nam. Đây là vùng đất quá nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ. Người dân các dân tộc nơi đây mộc mạc, hiếu khách. Vẻ đẹp bốn mùa lúc nào cũng làm say đắm bất kỳ ai từng đặt chân đến.



Cánh đồng hoa tam giác mạch - đặc trưng vùng Cao nguyên đá.

Cao nguyên đá Đồng Văn mùa Lễ hội hoa Tam giác mạch
Tôi có dịp trở lại Hà Giang vào cuối tháng 11/2022, thời điểm giao mùa giữa thu và đông. Trong tôi vẫn nguyên tâm trạng háo hức, cũng may đúng dịp mở hội hoa tam giác mạch. Mùa hội này có rất nhiều chương trình mới lạ chờ đón du khách, đủ để đảm bảo rằng bạn sẽ không phải hối hận khi đến đây.
Đến với Cao nguyên đá, theo tôi, tâm trạng tốt là chưa đủ. Bạn cần chuẩn bị cho mình sức khỏe và phương tiện thật tốt để trải nghiệm sự quăng quật, vật vã khi vượt qua những con đèo hướng lên trời cao hun hút trên quãng đường dài hơn trăm cây số. Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích tương đối lớn, trải dài trên 4 huyện của tỉnh Hà Giang: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ. Nơi đây từ lâu đã là điểm du lịch hấp dẫn, nhất định phải đến của đông đảo du khách. Trên đường đến Cao nguyên đá luôn cho bạn những cảm giác lạ. Bạn đang chơi vơi, mật xanh, mật vàng nhưng bỗng chốc lại phải òa lên về vẻ đẹp, vì sự kỳ vĩ của cảnh quan bên đường.
Rời xa thành phố Hà Giang vài cây số là bạn được chiêm ngưỡng những vạt hoa tam giác mạch lung linh, sặc sỡ. Chuyện kể rằng, nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Mùa giáp hạt, khi ngô, lúa trong nhà đã hết, mọi người chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Đến một khe núi, ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt, mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô nên gọi là mạch, lá có hình tam giác và thế là nó có tên "tam giác mạch”. Đây là câu chuyện được người dân vùng cao truyền từ đời này sang đời khác về sự tích loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc này. Để tôn vinh loài hoa dân dã nhưng đẹp, người ta đã tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch hàng năm vào đúng mùa hoa, tức là vào khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng 12. Địa điểm tổ chức ở 4 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và thành phố Hà Giang. Mùa lễ hội năm 2022, Hà Giang đã trồng thêm hơn 400 ha hoa tam giác mạch để phục vụ du khách. Hoa được trồng trên các vạt đất, thửa ruộng ven đường, ven làng. Hoa được trang hoàng trên các khuôn viên, góc phố, được các thiếu nữ Mông gùi trên vai…

Hiên ngang cột cờ Lũng Cú
Trước khi đến Cổng trời Quản Bạ hút gió - địa điểm check in nổi tiếng, từ đỉnh đèo cao, bạn được chiêm ngưỡng cặp Núi Đôi kỳ thú. Tiếp đó là thị trấn Quản Bạ và Yên Minh cũng là điểm dừng chân lý tưởng. Dịp cuối năm, phố xá hai nơi được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Khách sạn, nhà hàng không đủ phục vụ du khách. Đến điểm du lịch Nhà của Pao bạn cũng nên ghé. Vì đây là điểm phim trường nổi tiếng. Dinh thự Họ Vương, phố cổ Đồng Văn,  "Vua đèo” Mã Pì Lèng là những điểm níu chân du khách. 
Cùng du khách đến từ mọi miền đất nước, chúng tôi lên thăm cột cờ Lũng Cú - di tích lịch sử linh thiêng, là điểm cực Bắc của Hà Giang và cũng là cực Bắc của Tổ quốc. Từ trên cao, hướng mắt xuống chân núi là cánh đồng Thèn Pả rộng hơn 10 ha bao trọn núi Rồng. Những nếp nhà trình tường, những mái ngói âm dương cổ kính của bản Lô Lô Chải và bản người dân tộc Mông, là những cư dân sống ngay dưới chân cột cờ… cảnh sắc ấy tựa như một bức tranh thủy mặc khổng lồ trên vùng đất Cao nguyên đá, gợi cho du khách những cảm nhận sâu sắc về sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người miền biên ải.
Lũng Cú có nhiều tên gọi. Theo cách gọi dân dã, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mông thì Lũng Cú là Lũng ngô   (vì theo tiếng Mông, cú có nghĩa là ngô). Còn đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở.
Sử sách ghi lại, di tích cột cờ Lũng Cú ra đời từ thời Lý. Khi xưa, Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước ta. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, nhận ra tầm quan trọng của vùng đất biên ải này, ông đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, dưới đồn gác cho đặt một trống đồng, mỗi một canh được đánh lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Cũng vì lẽ đó, mảnh đất này còn có tên gọi là Long Cổ (tức trống của vua).
Đến năm 1978, đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là đồn Biên phòng Lũng Cú) cho cắm cột cờ trên đỉnh núi Rồng tại vị trí bây giờ. Lúc đó, cột cờ chỉ bằng cây sa mộc, cao 12 m, lá cờ rộng 1,2 m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đỉnh núi Rồng được lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú đóng chốt, bảo vệ vững vàng.
Đến đây, ai cũng muốn tận tay sờ nắm vào lá cờ Tổ quốc, thấy lá cờ rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trong gió, trên nền trời xanh đều cảm thấy lâng lâng tự hào…
Mùa xuân đến, bạn hãy lên với Hà Giang. Lễ hội xuân còn kéo dài đến hết tháng 3. Mùa xuân, hoa đào, hoa mận nở rộ khắp triền núi, bản làng. Còn có chợ tình Khâu Vai, là chợ tình vẫn giữ được nét nguyên sơ và là một trong những lễ hội được mong chờ nhất trong năm… Trong tiết xuân còn se lạnh, trong sự rộn ràng, nườm nượp bước chân du khách, trong tiếng khèn, tiếng sáo Mông réo rắt núi rừng gọi bạn tình, hãy cùng bạn bè và người dân chân chất nơi đây thưởng thức rượu Yên Minh men lá; đừng quên mua vài lít mật ong hoa bạc hà về tặng người thân, bạn bè.



"Nhà của Pao”, điểm du lịch thu hút khách.


Tiếng sáo Mông tại điểm dừng chân trên cung đường đến Cao nguyên đá Đồng Văn.


Thùy An



Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục