(HBĐT) - Chị không nhớ đã bao lần về Hoà Bình để rong ruổi khắp các bản làng chụp những bức ảnh đẹp và tìm hiểu về văn hoá, cuộc sống của người Mường Hoà Bình. Đã có nhiều bài viết, bức ảnh chứa đựng những cảm xúc đặc biệt về vùng đất, con người nơi đây. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với chị - người đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội về lại là văn hoá ẩm thực của người Mường Hoà Bình. Và đó là lý do để chị em tôi lại tiếp tục hành trình du xuân đất Mường với văn hoá ẩm thực trong những ngày xuân...




Phụ nữ dân tộc Mường xóm Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) khéo léo bày mâm cỗ trong ngày Tết.

Mộc mạc bữa cơm đón khách quý

Chúng tôi có mặt ở nhà ông Bùi Văn Huy, xóm Be Ngoài, xã Chí Đạo  (Lạc Sơn) vào đầu giờ chiều. Thấy có khách, cả nhà phấn khởi tiếp đón, chuyện trò rồi nhắc nhau lo công việc sớm còn chuẩn bị bữa ăn tối. Ông Huy bảo tụi trẻ con ra đồng vợt ít châu chấu, tiện hái rau đồng về làm món rau đồ. Ông cùng mấy thanh niên xuống ao bắt cá. Gà thì sẵn trong vườn, con nào con nấy chắc nịch. Ông Huy cười bảo: "Tối nay ăn đạm bạc vậy thôi”. 

17 giờ, các thành viên trong gia đình đã có mặt ở nhà với đủ nguyên liệu cho bữa tối đạm bạc mà ông Huy giới thiệu. Tất cả thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn đều của nhà nuôi, trồng được hoặc hái, bắt trong tự nhiên. Riêng điều đó đã tạo nên sự thích thú cho người bạn đồng nghiệp của tôi. Đầu tiên là ớp châu chấu mấy đứa trẻ vợt được ngoài đồng. Tụi trẻ vặt cánh, chân cào cào rồi rửa sạch, đưa cho anh Đức (thanh niên trong nhà) chế biến. Đức đun sôi nước măng chua, đổ châu chấu vào chần qua (loại bỏ mùi hôi, tanh và nước măng chua ngấm vào châu chấu sẽ tạo vị chua, mặn đậm đà). Sau khi vớt châu chấu để ráo, Đức đem rang giòn, vậy là được món ngon thơm phức, vàng bóng. 

Tôi thì thấy hấp dẫn với món rau đồ thập cẩm. Đủ loại rau đồng như: dệu, cải đồng, tầm bóp, sam, má đề, muối… Vợ ông Huy còn vào vườn hái thêm chút rau ngót, ngải, lá sắn, hoa, lá đu đủ, quả cà dại và không quên hái thêm cái hoa chuối để thái mỏng trộn với các loại rau đem đồ trong cuốp. Khi rau chín lấy ra, chị bạn tôi phải thốt lên vì mùi thơm ngọt lạ và màu sắc hấp dẫn xanh, nâu, trắng của các loại rau, hoa quả. Vợ ông Huy giới thiệu: Các loại rau khi ăn sẽ hội đủ các vị: chát, chua, ngọt. Đó cũng là những vị rất ưa thích của người Mường trong bữa ăn. Các loại rau này đa phần đều là những vị thuốc trong dân gian, ăn vào mát và tốt cho sức khoẻ.

"Đây mới là món chủ đạo của bữa ăn nhé”, ông Huy vừa giới thiệu, vừa trực tiếp chế biến. Tôi lại được thể dẫn giải khi thấy chị bạn bất ngờ vì ông Huy vào bếp với món thịt gà măng chua. Thực tế trong các bữa ăn của người Mường, đặc biệt là trong những bữa ăn nhà có khách và làm cỗ, người đàn ông lại chịu trách nhiệm chính với những món ăn chủ đạo. Phụ nữ chỉ phụ bếp và làm những việc nhẹ nhàng như: nhặt rau, đồ xôi… Ông Huy nhanh nhẹn, khéo léo từ bắt, thịt gà, rồi chặt, trộn, ướp gia vị. "Để có món thịt gà măng chua ngon, gà phải chọn con béo béo một chút. Đặc biệt món này không thể thiếu hương vị hạt dổi”, ông Huy vừa nói vừa với lên gác bếp lấy một ống bương, đổ ra khoảng chục hạt dổi. Đây là cách cất giữ hạt dổi của người Mường, giúp hạt không bị mốc và giữ được mùi thơm đặc biệt. Gia vị được trộn đều với gà chặt khúc, ông Huy tiếp tục lấy hũ măng chua gia đình tự làm, bóp đều với thịt gà, bắc lên bếp đun sôi rồi để lửa riu riu cho gà chín dần. 

Một món cũng được giới thiệu là  "đặc sản” mới kiếm được đó là món chả nhái. Ông Huy cho biết: "Vì đêm trước mưa nên đồng ruộng nhiều nhái. Món này nấu măng chua cũng ngon tuyệt. Nhưng nay có gà măng chua rồi nên sẽ làm món chả lá lốt”. Ông Huy khéo léo mổ sạch nhái rồi băm nhuyễn. Thịt nhái được cuộn với lá lốt rồi rán giòn. 

Vậy là mâm cơm đãi khách của gia đình ông Huy đã hoàn tất. Các thành viên quây quần thưởng thức món ăn. Đó là bữa cơm ấm áp mà chị bạn đồng nghiệp của tôi bảo không bao giờ quên được. Ấn tượng khó phai đó không chỉ bởi văn hoá ẩm thực độc đáo mà còn là những chi tiết trong đời sống của mỗi gia đình. Đó là việc người lớn quan tâm đến nết ăn uống của con cái từ lúc còn nhỏ, là sự kính trên nhường dưới, lòng hiếu khách và hạnh phúc khi được nhiều người quý mến, ở lại nhà ăn cơm... 

Mâm cỗ cưới truyền thống ở Mường Be (Lạc Sơn)

5 giờ sáng, chúng tôi dậy cùng ông Huy sang nhà người họ hàng xem thịt lợn làm cỗ cưới. Những người đàn ông khoẻ mạnh bắt lợn, làm sạch rồi đem thui vàng. Theo ông Huy, cỗ cưới truyền thống của người Mường quê ông thường làm từ thịt lợn. Tuỳ thuộc vào lượng khách mời mà gia đình tính toán để thịt lợn phù hợp. Thường các gia đình có việc quan trọng sẽ tự nuôi lợn để phục vụ công việc của gia đình. Thịt lợn sẽ ngon, đảm bảo và đỡ tốn kém phải mua thực phẩm ở chợ. Mâm cỗ làm cũng đơn giản nhưng phải giữ được bản sắc, hương vị truyền thống. Người Mường gọi đây là cỗ lá. Các món thịt được bày trên lá chuối để giữ vị thơm đặc trưng của thịt. Tuy các món được làm từ thịt lợn nhưng vẫn chế biến đủ vị chua, cay, ngọt, mặn, chát. 

Để mâm cỗ thêm phần phong phú, gia chủ còn có ít đĩa thịt gà, rau đồ hoặc măng luộc chấm muối vừng. Các món nộm, dưa cải chua hoặc muối đu đủ chua cũng được gia chủ chuẩn bị để ăn kèm giúp không bị ngấy. Đặc biệt, mâm cỗ cưới của người Mường không thể thiếu xôi đồ và rượu nếp nấu... Chị bạn tôi ngỡ ngàng khi nghe những nghệ nhân trong Mường hát dân ca, hát giao duyên chào khách quý rồi mời rượu, mời cơm. Giai điệu ngọt ngào, yêu thương cuốn hút lạ thường…

Thăng hoa ẩm thực Mường

Văn hoá ẩm thực của người Mường được lưu giữ góp phần quan trọng trong việc tôn vinh văn hoá dân tộc. Nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm du lịch hấp dẫn với nhiều món ăn, sản phẩm đặc trưng được quảng bá     như khu vực suối khoáng Kim Bôi, bản Giang Mỗ (Cao Phong), khu vực thị trấn Mường Khến, Mường Bi (Tân Lạc), vùng Mường Vang và các xã vùng cao huyện Lạc Sơn…. Nhiều lễ hội được tổ chức trong năm cũng luôn dành một khoảng lớn cho việc tôn vinh giá trị của ẩm thực dân gian. 

Rời Mường Be, chúng tôi trở về thành phố tiếp tục thưởng thức ẩm thực dân tộc Mường. Mỗi món ăn, dù là dân dã, hay cầu kỳ, sang trọng trên những mâm cỗ trong các dịp lễ, tết, tại nhà hàng, điểm du lịch cũng đều chứa đựng trong đó những câu chuyện, giá trị về văn hóa đời sống, phong vị, tập tục của người dân xứ Mường Hòa Bình. 

Thịt chua, rượu cần, cơm lam, cá nướng… cùng nhiều đặc sản như: Cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, mía tím… được chị bạn tôi sau khi đến thăm  xứ Mường đã lựa chọn để làm quà biếu người thân. Và hành trình du xuân ý nghĩa ở xứ Mường với văn hóa ẩm thực của chúng tôi còn tiếp nối với bao lời hẹn…



Nam giới thường là những người chế biến các món ăn chính trong mâm cỗ truyền thống của dân tộc Mường.



Hồng Duyên

Các tin khác


Bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 25/4, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức bế mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức (BTC); Vũ Văn Hoài, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 3; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh...

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục