Những năm qua, công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn được huyện Kim Bôi xác định là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Nghệ nhân Bùi Tiến Xô truyền dạy đánh chiêng Mường cho thành viên Câu lạc bộ chiêng Mường xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi).

Huyện uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá (DSVH). Tăng cường truyền thông, quảng bá để các tầng lớp Nhân dân hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, tầm quan trọng và vị trí của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc. Chú trọng khôi phục, gìn giữ và thúc đẩy sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trò chơi dân gian. Quan tâm phát hiện, tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân, gia đình, cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc.

Hàng năm, Phòng Văn hóa và thông tin huyện đã tham mưu cho huyện tổ chức các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, tạo không gian văn hóa để lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Công tác phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống luôn được quan tâm như: lễ hội Mường Động, xã Vĩnh Đồng; lễ hội đình Lập, xóm Lập, xã Kim Lập; lễ hội chùa Sim, xóm Sim Ngoài, xã Hợp Tiến...

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Kim Bôi cho biết: Để những giá trị văn hóa dân tộc Mường trường tồn với thời gian, huyện đã có giải pháp thiết thực. Trong năm 2023, phòng đã mở lớp tập huấn cho 50 đại biểu là cán bộ văn hóa, nghệ nhân mo Mường trên địa bàn; tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị DSVH mo Mường với 33 thành viên tham gia; phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường; tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian...

Trong hoạt động bảo tồn DSVH phi vật thể, huyện đẩy mạnh kiểm kê, ghi danh, truyền dạy và phát huy DSVH, tôn vinh các nghệ nhân. Đến nay, toàn huyện có 9 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân, trong đó có 7 nghệ nhân về mo Mường, 1 nghệ nhân về dân ca Mường và 1 nghệ nhân về chiêng Mường. Các nghệ nhân luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH dân tộc.

Bà Bạch Thị Đào, Nghệ nhân Ưu tú về dân ca Mường ở xóm Bèo, xã Xuân Thủy chia sẻ: Từ bé được nghe bố mẹ hát ru những bài dân ca Mường nên tôi rất đam mê, niềm đam mê ấy đã ngấm vào máu thịt nên khi lớn lên đi học, hay trong các buổi sinh hoạt phụ nữ tôi đều hát dân ca Mường. Để gìn giữ các làn điệu dân ca Mường, năm 2017 tôi đã thành lập được câu lạc bộ dân ca và đánh chiêng Mường. Ngoài ra tôi còn truyền dạy hát dân ca Mường cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn xã.

Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi có khoảng 45 thầy mo chính đang hành nghề. Các thầy mo nắm giữ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và giá trị nhân văn của mo Mường. Đồng thời luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH mo Mường, thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu, truyền dạy các bài mo, dòng mo, thực hiện các nghi lễ của mo Mường trong nghi lễ mo ma theo quy ước của khu dân cư, không trái với quy định của pháp luật. 

Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền về việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động, học sinh và các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao ý thức sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Khuyến khích các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ, đánh giá, tôn vinh những người trực tiếp gìn giữ kho tàng văn hoá dân tộc.


BùiThoa (Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)

Các tin khác


Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024

Tối 24/4, tại Cung Văn hoá tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang (LLVT) và thanh niên, sinh viên tỉnh Hòa Bình lần thứ X, năm 2024. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.

Khu 1, thị trấn Cao Phong: Khơi dậy tinh thần đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa

Từ một khu dân cư (KDC) không có hoạt động gì nổi bật, Khu 1 - thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong đã bứt phá, trở thành điểm sáng thực hiện phong trào xây dựng nhà văn hoá (NVH), KDC văn hoá ở địa phương nhờ khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh toàn dân.

Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục