Được biết thông tin qua kỹ sư Quách Tự Hải, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoà Bình về bản Đon, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào có một cộng đồng người Mường từ Việt Nam sang. Như có duyên, tháng 3/2023, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhận được thư mời của Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn mời sang giúp bạn nghiên cứu, làm rõ nguồn gốc và văn hóa của người Mường ở địa phương. Được tỉnh cho phép, Hội VHNT tỉnh thành lập đoàn công tác, lên đường sang làm nhiệm vụ.


 Một góc bản Đon, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Có nhiều đường bộ để sang Lào, đoàn công tác Hội VHNT tỉnh chọn đi qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ cửa khẩu đến Sầm Nưa (thủ phủ tỉnh Hủa Phăn) khoảng 130 km. Từ đây đi tiếp 27 km về phía Tây Nam, đoàn tới bản Đon. Cả bản có 103 hộ, trên 800 nhân khẩu, hơn 99% là người Mường, số còn lại là phụ nữ Lào về bản làm dâu. Thông tin từ Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn cho biết, người Mường ở bản Đon sang Lào khoảng những năm đầu thế kỷ XVIII, họ từ đâu ở Việt Nam đến, tại sao đến đây thì đến nay chưa ai rõ.

Người dân ở đây rất thân thiện và còn nghèo, cả bản có ít nhà xây dựng khang trang, hầu hết là nhà xây lợp mái tôn, nhà gỗ sàn đất, nhà sàn gỗ. Tài sản trong mỗi gia đình không có gì đáng giá, nhiều nhà vẫn dùng các vật dụng lạc hậu. Điện có nhưng không có thiết bị điện hiện đại, như tủ lạnh cả bản cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu, ô tô cả bản có vài cái, hầu hết là xe bán tải và xe tải. Ở bản chỉ có một trường cấp I - II, khu trường này do một tổ chức xã hội của Hàn Quốc tài trợ, muốn học lên cấp III  phải ra Sầm Nưa, vì điều kiện xa xôi, kinh tế khó khăn nên ít người theo học hết cấp III  và học cao hơn. Tự hào cho người Mường ở bản Đon có 2 người con thành công trong công tác là ông Phu Son Thăm Mạ Vi Say, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, ông sinh năm 1962, nay đã nghỉ hưu về quê tại bản  Đon sinh sống và ông Bun Phon Bút Pha Chăn, hiện là Phó Giám đốc Sở Nông lâm tỉnh Hủa Phăn.

Bà con bản Đon, tỉnh Hủa Phăn (Lào) tập đánh các bài chiêng cơ bản.


Bà con bản Đon, tỉnh Hủa Phăn (Lào) trong trang phục dân tộc Mường biểu diễn đánh bài chiêng được học do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh hướng dẫn.

Dịch vụ văn hóa ở bản gần như không có gì, không có nhà văn hóa nên mọi hoạt động cộng đồng đều ra trường cấp I - II  để sinh hoạt, không nơi vui chơi giải trí công cộng, nhà khá giả sắm cái loa kéo để nghe nhạc và hát karaoke, đêm chưa kịp buông bản Đon đã chìm vào tĩnh lặng. Bản chỉ có những cửa hàng tạp hóa và vài cửa hàng sửa chữa xe máy, không có chợ, không thấy nơi nào bán thịt, cá và rau củ như bất kể nơi nào ở Việt Nam. Chị Súc Xi Đà, Hiệu trưởng trường cấp I - II cho biết: "Ở đây không có chợ, muốn đi chợ phải xuống Sầm Nưa (cách 27 km), muốn ăn thịt gà, vịt, cá đến nhà dân hỏi mua trực tiếp, còn muốn ăn thịt lợn thì chỉ có thịt đông lạnh mang từ Viêng Chăn, Sầm Nưa lên, ở đây không ai bán thịt lợn, bò tươi". 

Ẩm thực hàng ngày của người Mường ở đây giống người Lào, họ ăn uống hết sức đơn giản, gia vị chú trọng vào 3 vị chính: cay, đắng, mặn. Hàng ngày ăn cơm gạo nếp (không mấy khi ăn cơm tẻ) chấm với chẩm chéo và chấm vào miếng cá nhỏ kho nhừ, nát mục, mặn chát và cực kỳ cay, chấm để lấy vị cho dễ ăn xôi chứ không nhằm lấy chất đạm trong cá. 

Trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đến năm 2023 vẫn chưa có, có bệnh người dân tự mua thuốc uống, chữa bằng thuốc nam hoặc mời thầy cúng, bệnh nặng lắm mới cho đi Sầm Nưa khám. 
Phụ nữ hàng ngày mặc trang phục của người Lào, phía trên mặc áo sơ mi, áo phông, áo rét bình thường, phía dưới mặc váy quây kiểu Lào; đàn ông mặc áo sơ mi, quần tây. 

Ngôn ngữ là một đặc trưng văn hóa để phân biệt dân tộc/tộc người này và dân tộc khác. Người Mường ở đây nói tiếng Lào và tiếng Mường pha tiếng Lào. Ra ngoài thì nói tiếng Lào, về nhà nói tiếng Mường, trẻ con, con dâu là người Lào cũng phải học và nói tiếng Mường. Điều ngạc nhiên là người Mường ở đây dời quê hương đã vài trăm năm mà họ vẫn giữ và nói được tiếng mẹ đẻ, phải chăng đây chính là bí quyết để họ lưu giữ, để khẳng định mình là người Mường không bị hòa tan trong cộng đồng các dân tộc khác của người Lào?!

Ở Lào, cấp chính quyền không có cấp xã, phường như ở Việt Nam. Thấp nhất là thôn, bản, cụm bản đến cấp huyện rồi cấp tỉnh. Vai trò, tiếng nói, uy tín của trưởng bản, phó trưởng bản rất quan trọng, dân rất tin vào lãnh đạo thôn, bản.

Trong chuyến công tác tại Lào lần thứ nhất đến với bản Đon, chứng kiến những khó khăn, được nghe nhiều tâm tư của bà con và lãnh đạo bản muốn tìm rõ cội nguồn cũng như khôi phục văn hóa Mường của tổ tiên mình. Về nước, với quyết tâm một phần nào đó góp sức với bà con bản Đon thực hiện nguyện vọng của họ, bằng hình thức xã hội hóa, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức vận động ủng hộ được 3 bộ Chiêng Mường (31 chiếc); 20 bộ trang phục nữ dân tộc Mường; 2 cuốn sách "Sử thi Đẻ đất - Đẻ nước” và "Mo Mường” cùng hơn 20 triệu đồng tiền mặt.

Đúng 5 tháng sau lần tới bản Đon lần thứ nhất, chúng tôi sang Lào lần thứ 2, ngoài việc tặng quà cho bà con, đoàn đã hướng dẫn 30 cô gái Mường của bản cách sử dụng chiêng, cách mặc váy Mường, hát dân ca Mường. Họ học rất nhanh, chỉ sau 3 ngày họ đã hát được vài làn điệu dân ca Mường, sử dụng chiêng khá bài bản, đánh thành thạo 2 bài chiêng "Đi đường", "Bông trắng bông vàng". Nhìn các cô gái Mường lần đầu tiên được mặc váy áo truyền thống của cha ông, động tác đi lại đánh chiêng Mường, trưởng đoàn của chúng tôi - nhà thơ Lê Va không khỏi xúc động thốt lên: "Văn hóa Mường trên đất Lào được phục sinh". Trưởng bản Đon hứa: "Chúng tôi sẽ duy trì sinh hoạt này, vận động phụ nữ ở đây mặc váy áo Mường để giữ gìn văn hoá truyền thống qua trang phục".

Còn nhiều điều thú vị khi sang thăm đất bạn, đặc biệt là tìm về bản Đon của đồng bào Mường Việt Nam lưu lạc sang đất bạn Lào sinh sống đã vài trăm năm. Họ lạc quê hương, lạc phong tục tập quán, lạc hương vị đất mẹ nên khi biết tin đoàn công tác Hội VHNT tỉnh Hòa Bình về địa phương nghiên cứu văn hóa người Mường, ai cũng mừng. Họ đón đoàn như đón người thân, tiếp chân tình, cởi mở như cùng huyết thống, khi tiễn lưu luyến không muốn rời, nhiều cụ già lặng lẽ khóc. Trước tấm lòng chân tình đó, trong đoàn ai cũng xúc động, hứa với lòng về nước sẽ làm những việc góp phần giúp đồng bào Mường mình trên đất bạn bớt đi nỗi vất vả.

Lê Quốc Khánh
(CTV)


Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục