Gói bánh ống đã trở thành phong tục trong mỗi dịp Tết của người Mường.

Gói bánh ống đã trở thành phong tục trong mỗi dịp Tết của người Mường.

(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi cây đào trước sân vươn những cánh hồng, ông nội tôi lại cầm dao ra góc vườn cắt lá dong để chuẩn bị gói bánh ống. Tết năm nay, gia đình ông và 2 nhà hàng xóm cùng thịt chung một con lợn hơn 70 kg.

 

Ông tôi bảo: Bánh ống có từ rất lâu đời. Đây là loại bánh được làm bằng gạo nếp nhân thịt hoặc thêm ít đỗ. Người Mường gọi là peẻng ôống. Tên gọi này có lẽ bắt nguồn từ hình dáng vừa tròn vừa dài của bánh. Trong mâm cỗ ngày Tết dâng lên bàn thờ tổ tiên của người Mường không thể thiếu loại bánh này. Với tầm quan trọng như vậy, nên Tết nào nhà ông tôi cũng gói 30 – 40 chiếc.

 

Vào ngày gói bánh, con cháu chúng tôi dù bận đến mấy cũng cố thu xếp để về quây quần bên mâm bánh. Mỗi người mỗi việc, chuẩn bị cũng khá cầu kỳ. Trước hết là việc chẻ lạt. Lạt được chẻ từ ống cây giang, ống càng dài càng tốt. Để lạt mềm dễ gói phải chẻ thật mỏng, sau đó có thể hấp hay ngâm với nước muối. Ngâm, vo sạch gạo, để ráo nước rồi xóc ít muối. Lá dong rửa sạch, lau khô và tước bớt phần sống lá cho mềm. Tiếp đến là chuẩn bị nhân thịt. Ngon nhất là thịt ba chỉ với sự kết hợp của mỡ và nạc, cho nhân bánh vị béo, không khô bã. Thịt ướp với gia vị và hạt tiêu để tăng sự đậm đà.

 

Gói bánh ống đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận để đảm bảo bánh bảo quản được lâu, dền và đẹp mắt. Bởi vậy, những người phụ nữ, đàn ông Mường gói bánh đẹp còn được mệnh danh là nghệ nhân. Xếp hai lá dong chồng lên nhau theo chiều dọc, quay mặt xanh của lá vào bên trong để bánh có màu xanh bắt mắt. Thịt cắt miếng dài chừng 20 cm rải dọc theo chiều của lá giữa hai lớp gạo và quấn lại, bó bằng 2 – 3 lạt giang. Gấp mép lá dong một đầu và dựng đứng chiếc bánh lên. Để bánh được chặt, dền có thể dùng một chiếc đũa chọc cho gạo dàn đều, rồi gấp nốt mép lá đầu còn lại. Dùng lạt đã được nối dài quấn quanh chiếc bánh. Nếu không khéo bánh rất dễ một đầu to, một đầu nhỏ và lỏng lẻo. Chiếc bánh đẹp được gói tròn đều cả hai đầu, dài chừng 30 cm, quấn chặt tay. Sau khi gói xong, xếp bánh vào nồi, lót lá dong xuống đáy và trên cùng để không bị cháy và giữ được hơi. Đun trong khoảng 12 – 15 giờ, thỉnh thoảng thêm nước giữ cho ngập bánh. Luộc xong, rửa bánh trong nước lạnh cho sạch nhựa, để ráo hoặc túm lại treo lên.

 

Tết năm nay, con cháu sum vầy đông đúc, ông tôi vui lắm và quyết định gói một yến gạo, được khoảng 50 chiếc bánh ống. Háo hức nhất đối với chúng tôi là lúc vớt bánh, được xem kết quả của mình và cảm nhận hương vị Tết đang về. Cái mùi thơm, ngậy của gạo nếp hoà lẫn thịt lợn bốc lên đánh thức vị giác của bất cứ ai đi ngang qua. Hấp dẫn hơn khi bóc ra bánh có màu xanh. Dùng lạt của chính chiếc bánh cắt thành từng lát nhỏ. Bánh có thể để được gần 2 tháng, khi rán lên hoặc nướng than củi cũng vô cùng hấp dẫn. Gói, luộc và canh nồi bánh ống đã trở thành nét văn hoá, tập quán của người Mường mỗi dịp đón năm mới. Bà tôi còn cho chúng tôi biết, chiếc bánh thể hiện tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúc nước. Trước đây, trong lễ ăn hỏi của nhà trai mang đến nhà gái đều có bánh ống, nhưng bánh được làm chủ yếu nhất vẫn là vào dịp Tết. Công việc chuẩn bị và gói có tất bật nhưng cũng chính điều đó đã làm nên không khí ngày Tết. Ngày càng có nhiều loại bánh, kẹo mới xuất hiện, nhưng bánh ống luôn giữ một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của người Mường. Theo một số nhà nghiên cứu về văn hoá, bánh chưng nguyên thuỷ có hình tròn, dài, bánh ống có thể là dạng bánh chưng cổ.

 

Dù thế nào đi nữa, đối với cánh trẻ chúng tôi, bánh ống vẫn là một phần của Tết. Khuôn mặt ông tôi phấn khởi khi dỡ nồi bánh nghi ngút khói. Bọn trẻ nhà bên ríu rít đòi xếp bánh vào rổ. Cả bản Mường rộn ràng vào xuân.

 

                                                                                                 Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục