Hà Nội thay đổi từng ngày, cái ồn ào nông nổi giống như một “tác dụng phụ” của phát triển mà người ta phải chung sống, bất chấp lòng mình có yêu hay không. May thay, phong thái thanh lịch, đơn sơ nhưng trang nhã, lối sống trọng về nền nếp và thẩm mỹ của người Tràng An vẫn được lưu giữ trong những mái ấm của người gia đình Hà Nội gốc. Đôi vợ chồng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo – NSND, diễn viên điện ảnh Như Quỳnh có một nếp nhà như thế.

Danh gia vọng tộc

Như Quỳnh là ái nữ của hai nghệ sĩ Tiêu Lang – Kim Xuân, cặp tài tử nổi tiếng một thời của sân khấu cải lương phía Bắc. Dáng vóc mảnh mai, nét mặt đẹp đài các, đôi mắt nhung thăm thẳm lúc nào cũng như thoáng buồn – Kim Xuân, cô đào thương của đoàn cải lương Kiến Chung tiền thân của đoàn Chuông Vàng, Hà Nội) như được sinh ra để thể hiện các vai hồng nhan bạc mệnh. Kim Xuân là nữ diễn viên đầu tiên thủ vai Thúy Kiều trên sân khấu kịch hát. Gần một thế kỷ trôi qua, đã bao lượt Kiều xuất hiện trên sân khấu qua diễn xuất của nhiều lứa diễn viên, nhưng nghệ sĩ Kim Xuân vẫn xứng với sự tôn vinh là “nàng Kiều khả ái nhất”.


NSƯT Tiêu Lang - Kim Xuân cùng con gái NSND Như Quỳnh và cháu ngoại Đan Huyền

Chủ đoàn cải lương Kim Chung có người em trai tên Tiêu Lang, tướng mạo tuấn tú, đàn hay ca ngọt, thường đệm đàn cho Kim Xuân hát. Rồi họ đóng cặp với nhau, với cách diễn giản dị, xúc động và đầy thuyết phục, những vở ca kịch Đời cô Lựu, Trinh nữ Xuân Hương, Nàng tiên Mẫu Đơn, đặc biệt là Kim Trọng - Thúy Kiều, đã đưa tên tuổi Tiêu Lang - Kim Xuân thành cặp nghệ sĩ nức tiếng một thời. Như Quỳnh giống mẹ như hai giọt nước. Trước khi đến với điện ảnh, Như Quỳnh là diễn viên cải lương. Dường như duyên nghiệp, vai đầu tiên của Quỳnh là Thúy Kiều. Nếu không bị điện ảnh quyến rũ, không biết liệu “Kiều con” có soán mất danh xưng “nàng Kiều khả ái nhất” của mẹ?

Hà Nội thời thuộc Pháp có hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng khắp Bắc-Trung-Nam. Hiệu Tam Kỳ chủ yếu buôn lụa Hà Đông, lấy sòng phẳng, sự trung thực làm vốn, nên những mặt lụa tốt nhất luôn được bạn làm ăn để dành cho nhà Tam Kỳ. Có uy tín trong giới thầu vải của Hà Nội, thương lái từ Sài Gòn-Đà Nẵng ra, từ Cao Bằng-Lạng Sơn về, tư Pháp - Trung Quốc - Lào - Ấn Độ- Mã Lai... nghe tiếng tơ lụa Tam Kỳ cũng đến đặt mối làm ăn. Ông chủ Tam Kỳ là Nguyễn Hữu Nhâm, một nhà tư sản yêu nước của Hà Nội. Ông bà Tam Kỳ có 10 người con thành danh ở các ngành nghề bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... Nhưng đặc biệt các con trai của ông bà không ai nối nghiệp thương gia mà đều theo lĩnh vực nghệ thuật như đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, NSND - nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.

Trong kháng chiến, ông bà Tam Kỳ từng nuôi giấu cán bộ Việt Minh, may cả kho quần áo tặng bộ đội Nam tiến. Chính phủ non trẻ kêu gọi sự hiệp lực của các nhà tư sản trong Tuần lễ vàng - ông bà đã hiến 300 kg vàng cho công quỹ quốc gia. Giải phóng thủ đô, Nhà máy Da Thụy Khuê bị tê liệt, ông Tam Kỳ vận động gần 100 nhà tư sản Hà Nội góp vốn để mua lại nhà máy từ tay người Pháp. Trong vai trò giám đốc, ông đã đưa nhà máy hoạt động hiệu quả trở lại. Năm 1959, Hà Nội tiến hành cải tạo tư sản, nỗi oan ập đến với nhà tư sản yêu nước Tam Kỳ. Gia sản bị tịch thu, bị khai trừ Đảng với lý do “thuộc thành phần tư sản” – ông nhẫn nhịn không phản đối, vẫn tiếp tục quán xuyến nhà máy da với cương vị người trông coi kỹ thuật. Mãi sau này, Chính phủ đã ghi nhận gia đình cụ Nguyễn Hữu Nhâm “Có công với nước”. Thời gian trôi, bây giờ cái tên ông chủ Tam Kỳ chỉ còn sống trong ký ức của những người Hà Nội xưa.

Đám cưới của Hữu Bảo – “cậu công tử út” nhà Tam Kỳ và Như Quỳnh - giai nhân phố cổ, khiến Hà Nội xôn xao một thời. Nếu hôn nhân của giới nghệ sĩ thường khiến người ta nghi ngại về sự an toàn thì Hữu Bảo - Như Quỳnh lại bên nhau yên ả và bền bỉ. Họ cũng trải qua những ngày vất vả hay an nhàn với một phong thái sống thư thả, khiêm nhường nhưng không kém phần tinh tế, những thứ được thụ hưởng từ nền nếp gia phong.

Nếp nhà – “của để dành” cho con cháu

Tổ ấm của Hữu Bảo và Như Quỳnh nằm trong một phần nhà 48 Hàng Đào (tòa nhà rất rộng này trước kia thuộc gia sản của cụ Nguyễn Hữu Nhâm, là địa chỉ của thương hiệu tơ lụa Tam Kỳ). Họ sống chậm rãi, thung dung, lịch lãm trong một không gian ấm cúng và rất đỗi giản dị. Nơi đó, họ để lại bên ngoài cánh cửa những sáo danh “ngôi sao”, “nghệ sĩ”. Nếu không bận đóng phim, Như Quỳnh chỉ ở nhà. Chăm chút bữa cơm cho chồng con, thư giãn bằng việc đọc sách và xem phim một mình, những xô bồ ngoài kia dường như chẳng bao giờ là nỗi bận tâm của người phụ nữ này. Là người của công chúng, nhưng Như Quỳnh lại không hợp với đám đông. Có vẻ như những xôn xao phù phiếm của “giới celeb” hoàn toàn xa lạ với Như Quỳnh. Chị ưa cách sống kín đáo khiêm nhường của những người phụ nữ Hà Nội cũ. Chính nhan sắc uể oải mà thanh khiết, nét đẹp sang trọng và bí ẩn, mang đậm tinh thần Á Đông, đã khiến Như Quỳnh trở thành lựa chọn số một cho những đạo diễn từ nước ngoài muốn tìm một gương mặt rất Việt Nam. Có người nói rằng nhan sắc của Như Quỳnh ám ảnh, bởi ẩn phía sau là chiều sâu văn hóa của tâm hồn Hà Nội.

Nếu Như Quỳnh có phong thái nhu thuận, có phần khép mình thì Hữu Bảo lại ưa ngao du và rong chơi. Với nhiều người, tìm kiếm cảm giác xê dịch phải là ngao du trên những cung đường lạ. Còn Hữu Bảo, giữa Hà Nội đã bị “cày nát” từng xăng ti mét, hằng ngày anh vẫn nhận được những cảm xúc tươi nguyên, vẫn thấy đời sống va đập vào mình mới mẻ. Yêu Hà Nội theo cách hơi “bảo thủ”, nhà nhiếp ảnh này đã từng thú nhận mình khó thích ứng với một Hà Nội đang thay đổi từng ngày: “Đi ra đường tôi ngơ ngác như một người nhà quê, lạ lẫm vì những gì thấy không giống với hình dung của mình. Có lẽ tôi phải nhìn Hà Nội khoan dung hơn. Nhưng tôi lại có nỗi sợ rằng, nếu thích nghi thì tình yêu của tôi với Hà Nội không còn nguyên vẹn”. Để giữ lại một Hà Nội cổ (ít nhất cho riêng mình), nhiều năm nay, Hữu Bảo đã lặng lẽ làm công việc gom nhặt những “mảnh vụn” của đời sống và những vết tích còn lại có thể bị mất đi hoặc biến dạng - về Hà Nội của anh.


Tổ ấm Hữu Bảo - Như Quỳnh

Hữu Bảo và Như Quỳnh có hai con gái, Đan Huyền và Đan Khuê, nhan sắc hứa hẹn sẽ rực rỡ có phần hơn mẹ. Hai cô gái trẻ được bố mẹ tập cho từ bé để không có ảo tưởng về gia đình toàn người nổi tiếng. Cô chị cả Đan Huyền có vẻ đẹp lạ lùng, rất xi-nê, từng được nhiều đạo diễn nước ngoài đến VN làm phim lựa chọn. Nhưng Đan Huyền từ chối tất cả các cơ hội “một bước thành sao” ấy. Cô thích nghề báo và muốn trở thành một cây bút bản lĩnh. Hiện Đan Huyền đang du học ngành báo chí tại Trung Quốc. Bé Đan Khuê cá tính, khoáng đạt và cởi mở, cô bé thường được mẹ “nắn” để giữ khuôn nếp tế nhị, nhẹ nhàng của con gái Hà Nội.

Nếp nhà Tràng An, ấy là sự ổn định trong quan hệ giữa các thành viên gia đình, đạt đến hạnh phúc và ấm cúng. Giữ nếp kính trên nhường dưới, có chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau không ai to tiếng, cư xử nhã nhặn lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, sống giản dị mà thanh nhã, trọng thị bạn bè, chăm chút cái ăn - cái mặc – không gian sống đạt đến tính thẩm mỹ thanh lịch, coi trọng lấy giá trị tinh thần làm thước đo chất lượng sống... Những “căn cốt” ấy được truyền từ thời cha mẹ hợp duyên nhau, được duy trì đến đời sau như “của để dành” cho con cháu. Bằng phong thái sống, Hữu Bảo và Như Quỳnh đang lưu giữ tinh thần Hà Nội dưới mái ấm gia đình mình.

 

                                                                               Theo NLĐ

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục