Đó là nhận xét của NSND Huy Thành, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM

Hơn 3 năm chuẩn bị cho phần phục trang, đạo cụ, tìm bối cảnh và hơn 3 tháng trời làm việc ngày đêm ròng rã trên trường quay từ TPHCM cho đến Tây Nguyên, miền Trung, cuối cùng bộ phim Tây Sơn hào kiệt (kịch bản Cao Đức Trường – Phạm Thùy Nhân, đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh, Phượng Hoàng và Lý Hùng, do Hãng phim Lý Huỳnh phối hợp với Hội Điện ảnh TPHCM và Công ty Hải Đăng sản xuất) đã được hoàn thành, chờ ngày ra mắt công chúng vào dịp 30- 4 tới.


Diễn viên Lý Hùng vai Quang Trung - Nguyễn Huệ  Ảnh: Lữ Đắc Long



90 phút phim cuốn hút


Tây Sơn hào kiệt mở đầu bằng công cuộc Bắc chinh phò Lê diệt Trịnh, khởi  đầu cho một cuộc tình đẹp giữa người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ với nàng công chúa cành vàng lá ngọc của nhà Lê và điểm nhấn là cuộc tiến quân đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng Thăng Long.

Đan lồng trong những cảnh chiến trận khốc liệt, oai hùng là những hình ảnh đẹp, lãng mạn của mối tình giữa vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân.
     

Tính đến thời điểm này, chỉ mới có mỗi phim Tây Sơn hào kiệt, công trình ý nghĩa góp phần chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (làm bằng vốn tư nhân), được hoàn thành.   

Sau khi xem được những thước phim hoàn chỉnh, có thể nói rằng Tây Sơn hào kiệt là bộ phim lịch sử cổ trang có quy mô lớn và hoành tráng nhất trong lịch sử phim võ thuật-cổ trang của Việt Nam.

Khán giả sẽ được xem những cảnh chiến đấu hoành tráng, đầy hào khí của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Với kinh nghiệm làm phim võ thuật, cùng với sự hỗ trợ của kỹ xảo hiện đại, các đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh, Phượng Hoàng, Lý Hùng  đã tạo ra được những cảnh chiến đấu bằng võ thuật và binh khí thật nhất mà lâu nay điện ảnh Việt Nam chưa thể làm được. Một góc lịch sử đã được tái hiện hào hùng trên phim Tây Sơn hào kiệt.


Trở lại với vai anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung lần này, diễn viên Lý Hùng đã không làm người xem thất vọng. Anh thể hiện được thần thái của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung; “ngôi sao hành động võ thuật” một thời này cũng trổ tài bằng những thế võ đẹp mắt và điêu luyện, càng tôn thêm sự uy nghiêm lẫm liệt cao cả cho hình tượng người anh hùng áo vải cờ đào.

Với nhân vật công chúa Ngọc Hân, nhiều người từng ái ngại Thùy Lâm khó tròn vai nhưng nàng hoa hậu cũng đã thể hiện được cốt cách, thần sắc của một công chúa cành vàng lá ngọc, bản tính nhân từ, mang nặng nỗi lo thời loạn.

Một đội ngũ các nghệ sĩ kỳ cựu tham gia diễn xuất trong phim đều để lại ấn tượng: NSND Thế Anh (vai Nguyễn Hữu Chỉnh), NSND Đoàn Dũng (vai Tôn Sĩ Nghị), Mộng Vân (vai vợ Lê Chiêu Thống)...


Những điều đáng tiếc


Tây Sơn hào kiệt hoàn toàn có thể thu hút khán giả đến phút cuối. Tuy nhiên, thời lượng quá ngắn ngủi nên bộ phim đã không thể chuyển tải hết được một giai đoạn lịch sử với đầy những biến thiên thăng trầm. Vì thế, phim chủ yếu tập trung xây dựng hình tượng Nguyễn Huệ - Quang Trung là chính. Vai trò của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ còn khá mờ nhạt.


Những cảnh đánh đối đầu phô diễn tài năng võ nghệ của Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh Mãn Thanh diễn ra khá chóng vánh. Điều này làm tôn vinh nền tảng võ nghệ cao cường của Nguyễn Huệ nhưng lại hạ thấp quân thù. Hơn nữa Nguyễn Huệ - Quang Trung không chỉ là một người anh hùng chiến trận mà còn là vị anh quân. Tính cách quan trọng đó, bộ phim chưa khắc họa được.

Gần 20.000 lượt diễn viên quần chúng tham gia vào vai nghĩa quân Tây Sơn,  quân lính Mãn Thanh nhưng xuất hiện rải rác ở nhiều điểm quay nên ở nhiều phân cảnh lực lượng nghĩa quân còn khá mỏng. Như trận đánh chiếm đồn Ngọc Hồi, cả quân Tây Sơn và lính nhà Thanh đều thưa thớt.

Đại cảnh có đông lực lượng diễn viên quần chúng nhất là cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân, chiêu tập nghĩa quân, xuất quân Bắc tiến đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh được dàn dựng đơn giản, thiếu sự hoành tráng cần có ở phân cảnh làm nên tính cách sử thi của bộ phim.

Những hạn chế này là dễ hiểu bởi cũng như nhiều bộ phim lịch sử cổ trang khác, Tây Sơn hào kiệt được thực hiện bằng những bối cảnh tự nhiên và quay nhờ, không có được phim trường chuyên nghiệp để tập trung dàn dựng nên những cảnh quay như mong muốn.

Chẳng hạn, bối cảnh thành Thăng Long được quay tại Khu Du lịch Đại Nam, Bình Dương, vì thế không thể dựng cảnh hoàng đế Quang Trung áo bào nhuốm thuốc súng cưỡi voi tiến thẳng vào thành Thăng Long được.
 

Dù vẫn chưa thật sự hoàn hảo, nhưng những gì thể hiện trên phim Tây Sơn hào kiệt đã cho thấy điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên những bộ phim lịch sử cổ trang hoành tráng.

Có thể không quá lời khi nói rằng Tây Sơn hào kiệt là phim lịch sử cổ trang Việt Nam khá nhất, bởi so với những Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Đêm hội Long Trì... trước đây thì Tây Sơn hào kiệt đã có một bước tiến vượt bậc về kỹ xảo điện ảnh.  
   


Người góp của, người góp công    

Kinh phí làm bộ phim Tây Sơn hào kiệt chỉ hơn 10 tỉ đồng, một số tiền không nhiều để thực hiện một bộ phim lịch sử cổ trang.

Để có bối cảnh đẹp, hoành tráng ở mức như trong phim, đạo diễn Lý Huỳnh cho biết đoàn phim phải lặn lội gần mấy tháng trời để tìm điểm quay ở các nơi, trong đó có những bối cảnh quay phải dựng mới hoàn toàn như cảnh đồn Ngọc Hồi.

Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định thì đoàn phim không có bối cảnh này và thực hiện cảnh công đồn hoành tráng như vậy. Ngoài tiền của, tỉnh Bình Định còn hỗ trợ hàng ngàn diễn viên quần chúng và các võ sư, võ sinh đóng vai tướng lĩnh và binh lính Tây Sơn.

Để có đàn voi trận gần 100 con lên phim, đoàn làm phim phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài một số bối cảnh nội phải thực hiện tại Huế, phần ngoại cảnh còn lại đoàn phải quay nhờ bối cảnh tại Khu Du lịch Đại Nam (Bình Dương)...

 

                                                                              Theo NLĐ

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục