Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình và Báo Hà Tĩnh thăm di tích đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Tiên Điền

Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình và Báo Hà Tĩnh thăm di tích đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Tiên Điền

(HBĐT) - Trong chuyến công tác xuyên Việt, chúng tôi có dịp dừng chân tại tỉnh Hà Tĩnh. Quên đi những mệt mỏi trong suốt chặng đường dài trở về từ đất mũi Cà Mau, chúng tôi lại hăm hở theo chân đồng nghiệp làm báo ở tỉnh Hà Tĩnh để được thăm quan các di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, những điểm nhấn làm nên niềm tự hào cho lớp lớp những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này

 

Vùng đất có truyền thống học hành và khoa cử

  

Giới thiệu với chúng tôi về đất và người nơi đây,  ông Lê Hữu Quý, Tổng biên Tập Báo Hà Tĩnh chia sẻ giọng tâm tình: Hà Tĩnh vốn là vùng đất học. Truyền thống đó đã được duy trì từ hàng trăm năm nay và thực tế đã xuất hiện nhiều những người tài giỏi thi cử đỗ đạt và được cắt cử vào các vị trí quan lại trong thời phong kiến. Cho đến hôm nay, những người con của Hà Tĩnh cũng có mặt ở hầu khắp các trường Đại học tên tuổi trong cả nước, các Viện nghiên cứu của Quốc gia...

 

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về nền móng học hành, khoa cử của quê mình, ông Quý cùng chúng tôi thăm lại một vài di tích, trong đó, điểm đến đầu tiên là di tích đại thi hào Nguyễn Du và dòng họ Tiên Điền. Là người Việt Nam, hẳn ai cũng từng được đọc, được nghe ít nhất là một vài câu trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Ông là một nhà thơ lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII, đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm văn chương bằng chữ Hán, chữ Nôm quý giá  (trong đó có kiệt tác Truyện Kiều). Nguyễn Du sinh năm 1765 tại Bích Câu - Thăng Long, nhưng quê của ông lại ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Thăm di tích Nguyễn Du, bước vào cổng chính, chúng tôi đã bị hút mắt bởi tấm biển đề chữ “Hạ mã”- (xuống ngựa). Trên cổng cột có các câu đối ghi nội dung: Nơi dành cho những người học rộng, tài cao. Cổng nhìn về hướng Nam, có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn tạo được thế uy linh trân trọng người hiền tài. Chúng tôi dạo quanh khu di tích, đọc từng tấm bia, dịch từng con chữ được viết trên những tấm biển gắn ở mỗi nếp nhà hay gốc cây cổ thụ để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du cũng như những người trong gia tộc họ Nguyễn  đã từng học hành thi cử đỗ đạt làm rạng danh sử sách.

 

Cùng đi dạo trong khu di tích Nguyễn Du và dòng họ Tiên Điền, ông Quý còn lật tìm trong sử sách giới thiệu cho chúng tôi biết thêm: Cũng tại huyện Nghi Xuân này còn sinh ra một nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam cận đại, đó là Nguyễn Công Trứ (1778-1858). Là người có tài, ngay từ thở hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp.  Điều đó được thể hiện trong câu thơ bất hủ của ông: “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Là người khí phách, văn võ song toàn, nhưng do chính sách hà khắc của triều Nguyễn, cuộc đời, sự nghiệp của ông gặp lắm tai ương. Tuy nhiên, ngay cả khi chua chát nhìn lại đời mình ông vẫn là người đầy khí phách: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ giữa trời vách đá treo leo/ ai mà chịu rét thì trèo với thông”…

 

Trong câu chuyện kể của những người đồng nghiệp, chúng tôi còn biết thêm Hà Tĩnh là quê hương của các danh nhân như: Nguyễn Biểu, nhà ngoại giao thời Trần; Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thời hậu Lê); Nhà bác học Phan Huy Chú; Nhà ngoại giao Phan Huy Ích; Nhà sử học Trần Trọng Kim... Ngoài ra, còn có những gương mặt tiêu biểu xuất hiện trong làng văn thơ và các lĩnh vực khoa học ở thời hiện đại được nhiều người biết đến là: Nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận, nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian Nguyễn Đổng Chi, nhà Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, nhà sử học Phan Huy Lê…

 

Những tên tuổi ấy đã nói lên rằng, Hà Tĩnh là vùng đất học và truyền thống đó đã được duy trì cho tới hôm nay. Dù đang sống ở mảnh đất có nhiều tiềm năng, nhưng người dân Hà Tĩnh vẫn không quên rằng quê mình vốn là vùng đất khó. Bởi vậy, các thế hệ cháu con của đất Hà Tĩnh luôn coi trọng “sự học” để giúp mình, giúp đời. Thực tế đó đã được minh chứng qua bao thế hệ. Ngay trong mùa thi đại học năm 2009, Hà Tĩnh một lần nữa khẳng định niềm tự hào vì được xếp vị trí thứ 16 trong toàn quốc và đứng số 1 trong các tỉnh Bắc miền trung về điểm bình quân trong các trường Đại học.

 

Nơi sáng ngời chí khí cách mạng

 

Ai đến Hà tĩnh mà chẳng muốn một lần ghé thăm ngã ba Đồng Lộc, nơi ghi lại dấu ấn của 10 cô gái thanh niên xung phong cùng hàng trăm chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ con đường huyết mạch của Tổ quốc. Trong đoàn công tác của chúng tôi, có người đã đến với ngã ba Đồng Lộc lần thứ 3, còn riêng với những cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh thì mỗi năm họ đến với khu di tích tới vài chục lần. Vậy mà khi nghe giọng thuyết minh trúc trắc của những anh chị hướng dẫn viên, tất cả mọi người đều nghẹn ngào trong nước mắt. Tổng Biên tập Lê Hữu Quý chia sẻ: Đoàn khách nào đến với Hà Tĩnh, chúng tôi cũng phải đưa tới thăm ngã ba Đồng Lộc. Bởi đó đó là tình cảm, sự tri ân của những người con Hà Tĩnh còn được sống trong thời bình.

 

Nhắc đến cụm từ  “địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng”, ông Quý khảng khái: Tôi may mắn được làm báo ở một vùng đất luôn sáng ngời chí khí cách mạng của các thế hệ cha anh. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này tạo cảm hứng, nền tảng cho chúng tôi làm nên cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn trong từng trang báo Đảng. Rồi ông giới thiệu cho chúng tôi biết thêm: Mới đây, Báo Hà Tĩnh đã đăng bài giới thiệu về khu căn cứ Vũ Quang, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân tham gia cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng và không khí nô nức, phấn khởi của người dân xã Cẩm Hưng huyện Cẩm Xuyên thi đua lập công chào mừng 104 năm ngày sinh của cố Tổng  Bí thư Hà Huy Tập. Trong đôi mắt những người đồng nghiệp ở Báo Hà Tĩnh ngời lên niềm tự hào khi nhắc đến đến những tên tuổi như cụ : Phan Đình Phùng, một nhà nho yêu nước, mặc dù đang chịu tang mẹ nhưng hưởng ứng dụ Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông vẫn đứng ra tập hợp quân sỹ dựng cờ khởi nghĩa để kháng Pháp. Rồi những chiến sỹ cách mạng kiên trung như đồng chí Trần Phú, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta và người kế nhiệm thứ 3 là cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập…

 

Một ngày đến và đi, chúng tôi có dịp hiểu thêm về Hà tĩnh, một vùng quê nằm trên dải đất miền Trung thiên nhiên không mấy ưu đãi thế nhưng lại được biết đến là nơi “địa linh nhân kiệt”. Và chúng tôi biết thêm một điều đáng quý: Trong khó khăn gian khổ, những con người nơi đây đã vươn lên tạo dựng được một đời sống tinh thần phong phú, để lại cho muôn đời sau những giá trị văn hoá to lớn về tên tuổi của các bậc danh nhân tiêu biểu, để đến hôm nay, Hà tĩnh có nhiều làng quê nổi tiếng với văn chương, khoa bảng và chí khí anh hùng. Đó là những giá trị văn hóa tinh thần to lớn mà mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên đất Hà Tĩnh luôn có ý thức gìn giữ và phát huy.  

 

                                                                    Thuý Hằng

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục