Những năm 80 thế kỷ trước, NSƯT Quang Huy được mệnh danh là Hoàng tử nhạc nhẹ. Các chương trình ca nhạc ở đâu có ông là “cháy vé” ở đó. Cùng với các nghệ sĩ Ái Vân, Quang Thọ, Dương Minh Đức... trước một chút là Doãn Tần, Trung Kiên, Trần Hiếu - ông thuộc thế hệ vàng ca sĩ Việt Nam.

 
Nhưng khác với những nghệ sĩ còn thỉnh thoảng hát đâu đó, Quang Huy dường như im hơi lặng tiếng cũng dễ gần đến vài chục năm. Lâu lắm rồi, không thấy lại hình ảnh người ca sĩ cao lớn và thư sinh lịch lãm trên sân khấu, không nghe được giọng ca trầm ấm và quyễn rũ của ông. Bạn bè vẫn trông ngóng. Công chúng một thuở nhớ tiếc.


Thế rồi bỗng vui mừng thấy ông trở lại vào giữa tháng tư vừa rồi, trong một đêm nhạc nhỏ mang tính chất “nội bộ” nhiều hơn tại Nhà hát Ca múa nhạc – ngôi nhà mà ông gắn bó cả sự nghiệp đời mình.


Nghe ông hát lại, bạn bè và công chúng, đặc biệt là những khán giả, học sinh bây giờ của ông đã không để cho ông dừng ở đó. Liveshow đầu tiên cho cả cuộc đời ca hát của ông, chủ yếu là do bạn bè đứng ra tổ chức, sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, một đêm duy nhất vào 3-5.


Theo chân ông đến phòng tập của Nhà hát Ca múa nhạc ở đường Nguyên Hồng, giật mình ngạc nhiên khi ông cất giọng hát thử. Ở tuổi ngấp nghé sáu mươi, mà ông hát nồng nàn thế, trẻ trung và hiện đại thế. Nếu ai đó chưa từng gặp ông, hẳn sẽ còn ngạc nhiên hơn. Bởi ông còn quá trẻ so với tuổi, vẫn dáng người cao lớn, gương mặt đẹp thư sinh, phong thái giản dị gần gũi mà sang trọng, cuốn hút.


Nghe ông hát bây giờ, nhìn dáng điệu chuyên nghiệp và tinh tế, lịch lãm ngay cả trên sàn tập, sẽ hiểu vì sao ông lại lấy tên cho đêm diễn trở lại, và cũng là liveshow cá nhân đầu tiên trong cuộc đời ca hát của mình là “40 năm, tình tôi còn đó”.


Một người bạn của ông kể, ngày xưa đi hát, Quang Huy được hâm mộ lắm. Những ca sĩ thời ông, mỗi người một vẻ, ai cũng có chất giọng tốt và được đào tạo bài bản. Nhưng ông được gọi là Hoàng tử nhạc nhẹ, bởi ở dòng nhạc này, ông là người hội đủ cả yếu tố thanh và sắc, mỗi lần xuất hiện là tỏa sáng với sức cuốn hút mạnh mẽ.


Bạn ông kể rằng, hồi đó, chỉ cần có tên ông trên băng rôn, các chương trình ca nhạc đi đến đâu cháy vé đến đấy. Khán giả nghe tên ông là kéo đến ùn ùn. Các nhà hát tranh nhau để mời được ông đi biểu diễn. Nhiều cô gái mê ông đến nỗi mất ăn mất ngủ, có người còn đòi... tự tử!


Nhưng trò chuyện với ông và những người bạn của ông, mới thấy những nghệ sĩ một thời chưa xa đó, đã thật sự khác xa với những hào nhoáng ồn ã như thế hệ bây giờ. Họ học hành khổ luyện, tu dưỡng cả về ca hát lẫn phong cách xử thế bên ngoài. Những hào quang vây quanh sân khấu luôn giữ một khoảng cách bình yên và đúng mực với đời thực.


Đó là cái thời mà Quang Huy và Quang Thọ chung nhau một đôi giày, đi hát suốt trong nam ngoài bắc. Cứ người này ra khỏi sân khấu lại “tụt giày” cho người kia lên hát. Nhắc lại kỷ niệm khó quên này để thấy rằng, đó là thời mà ca sĩ chỉ có giọng hát làm nên thành công và sự ái mộ trong lòng công chúng. Không một thứ trang sức “phụ gia” nào, không sự lăng xê nào cả ngoài âm nhạc.


Thế hệ của Quang Huy là những người được đào tạo bài bản và ai cũng thực sự khổ luyện vì nghề. 12 năm liền học thanh nhạc, 20 năm đứng trên sân khấu và khoảng 20 năm đứng trên bục giảng, có thể nói chất “hàn lâm” của kỹ thuật thanh nhạc đã ngấm vào ông như máu thịt. Vậy nên hôm nay thấy ông hát lại trên sân khấu, nhiều người xuýt xoa vì đã quá lâu mới lại thấy hội đủ cả những chuẩn mực và thăng hoa nghề nghiệp, cả trong giọng ca lẫn cách xử lý kỹ thuật. Tinh tế và tự nhiên như vốn thế. Nhưng có dự buổi tập của ông, mới thấy người nghệ sĩ lúc nào cũng là khổ luyện, không ngừng. Không chỉ khắt khe cẩn trọng với mình, ông còn là người dẫn dắt từng chút một đối với dàn nhạc đệm.


Khác với người bạn nối khố của mình là Quang Thọ hát cổ điển, ông hát nhạc nhẹ. Chất giọng bariton hiếm hoi, trước ông chỉ có mỗi NSND Trần Hiếu. Nếu Trần Hiếu có chất tinh quái mê hoặc, thì giọng ca của Quang Huy lại có sự quyến rũ, hiện đại và sang trọng.


Nếu nói rằng làm nên thành công đối với người ca sĩ, không gì khác là hội đủ cả thanh và sắc. Nhưng với Quang Huy còn hơn thế: nếu trời phú cho ông chất giọng tuyệt vời và “nhan sắc” tỏa sáng cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, thì ông lại có cơ hội được học hành một cách bài bản và kinh viện. Đó là khi đất nước đang những năm tháng chiến tranh gian khó. Ông cũng là một trong những ca sĩ được số phận  cưng chiều, là người hát nhiều nhất trong những show diễn lớn, những sự kiện trọng đại, những hoạt động đối ngoại cấp nhà nước. Suốt gần 20 năm là giọng ca chủ lực của Nhà hát Ca múa nhạc trung ương và Nhà hát Nhạc nhẹ Việt Nam, ông có mặt trong hàng trăm chương trình, diễn suốt trong nam ngoài bắc, đến mọi ngõ ngách đời sống.



Thời của ông, thành tựu nhạc nhẹ nước nhà nhìn chung cũng chưa có ấn tượng gì đặc biệt. Nhưng nếu từ góc độ cá nhân nghệ sĩ, thì có thể nói đã có những giọng ca có tố chất tài năng, kỹ thuật và phẩm chất nghệ sĩ sánh tầm cỡ thế giới. Còn nhớ, ca sĩ Ái Vân từng giành giải nhất trong một cuộc thi hát ở Đức, nơi hội tụ các ca sĩ nhạc nhẹ của nhiều nước.


Những năm từ 70 đến 80 của thế kỷ trước, nếu hỏi rằng người ca sĩ nào mang tiếng hát Việt Nam đến với nhiều chân trời bè bạn nhất, có thể nói câu trả lời là NSƯT Quang Huy. Ông đã đi diễn khắp châu Á, châu Âu, đến cả những đất nước xa xôi châu Mỹ, từ Trung Quốc, Liên Xô, tới Cu Ba, Mexico, Mông Cổ. Giọng hát của ông và những ca sĩ cùng thế hệ, có thể nói là một thành tựu ngoại giao ấn tượng của Việt Nam khi đó, trong lòng bạn bè quốc tế.


Đêm nhạc đánh dấu sự trở lại này, ông hát lại những bài ca ghi dấu tên ông một thuở: Tình yêu Hà Nội, Giờ này anh về đâu, Lazôrôna, Lòng thủy chung của những con thiên nga ...


Cũng để đánh dấu cho sự trở lại này, ông sáng tác bài hát “Tình tôi còn đó”, lấy làm tiêu đề cho chương trình và tự biểu diễn. Vẫn nồng nàn thế, đắm say thế, lịch lãm và trẻ trung thế. Ông lại gây nên cơn sốt, khi mà chương trình vừa được thông tin trên báo chí, vé bán ra cho gần chín trăm chỗ ngồi ở Nhà hát Lớn đã hết veo chỉ trong vài ngày.


Người bạn của ông bảo, sau đây, họ sẽ mang chương trình này xuyên Việt, đến những địa danh mà ngày trước, giọng hát Quang Huy và thế hệ ca sĩ của ông đã đi qua...


Thế mới biết, khán giả vẫn khát khao lắm, những chương trình ca nhạc, những nghệ sĩ mà tài năng, giọng ca và phẩm chất của họ là thành quả xã hội của một thời. Và vẻ đẹp và giá trị lâu bền của nghệ thuật vẫn luôn cần cho đời sống tinh thần của công chúng.


Đêm nhạc “40 năm, tình tôi còn đó” của NSƯT Quang Huy sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ cùng thời  với ông: các NSND Doãn Tần, Quang Thọ, các NSƯT Dương Minh Đức, Hoàng Chè. Họ sẽ hát lại bài hát tiêu biểu gắn liền tên tuổi một thời: Tình ca, Đất nước, Chiều hải cảng... Cũng trong chương trình này, hai ca sĩ trẻ Minh Trang và Thu Hương - học trò của nghệ sĩ Quang Huy - sẽ có cơ hội đến với khán giả yêu quý ông với những ca khúc hiện đại.

 

 

                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục