Từ Mộ Ðức (Ba Tơ, Quảng Ngãi) qua 12 cây số đèo Vih'lac là tới huyện KonPlông thuộc tỉnh Kon Tum. Vih'lac là tên gọi theo ngôn ngữ của người HRê, đèo uốn lượn mềm mại, lúc ẩn, lúc hiện giữa điệp trùng núi xanh, ngàn trùng mây trắng...

 
Ðại ngàn của KonPlông có diện tích 137.963 ha, là nơi định cư lâu đời của bà con các dân tộc người Xơ Ðăng, Ka Dong, Mơ Nâm, HRê và số ít người Kinh buôn bán ở bên đường. KonPlông là xứ sở ngập tràn huyền thoại và âm thanh cồng chiêng. KonPlông đã qua một thời đánh giặc, hết Pháp lại Mỹ. Ðâu có thể ngờ một Măng Ðen hôm nay ngút ngát tầm mắt là rừng thông thẳm một mầu, vi vu gió thổi, ngày trước từng là cứ điểm quân sự quan trọng của kẻ thù. Bốt đồn giặc găm chặt xuống Măng Ðen và một trạm ra-đa kiểm soát Nam Ðông Dương, Mỹ - ngụy dùng trực thăng để nuôi 2.000 lính và đẩy người dân vào "ấp chiến lược". Nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng, để rồi KonPlông trở thành đất anh hùng với ba xã Anh hùng là NgọcTem, ÐakRing, ÐakNên, và hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là A Gió và Thanh Minh Tám. Thanh Minh Tám - A Núk, là chiến sĩ đặc công từng tham gia cứu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ nhà lao Tuy Hòa. Con dao đặt trên bàn thờ nhà ông như bảo vật thiêng của một thời cứu nước, giữ làng, nay được trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Kon Tum.


Tách ra từ huyện KonRẫy được hơn sáu năm, KonPlông có chín xã, 89 thôn, 117 làng, gần 5.000 hộ dân với 20.300 nhân khẩu. Sau mấy chục năm, từ kinh tế tự túc, tự cấp với tập quán canh tác, chọc tỉa, săn bắt, hái lượm là chủ yếu, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các cấp và sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về mọi mặt, nhân dân các dân tộc huyện KonPlông đã vươn lên, làm cho KonPlông đổi mới từng ngày. Trên toàn huyện, 6.174 ha đất có thể gieo trồng, thì cây lương thực chiếm 4.382 ha. Nhiều rừng, nhưng đồng bào các dân tộc ở KonPlông ít phá rừng làm rẫy, mà chủ yếu làm ruộng. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi cho nên ở đây có ít cánh đồng rộng hơn 20 ha, hầu hết là ruộng hẹp vài ha, và ruộng bậc thang, ruộng khe ở rải rác giữa các lũng núi hẹp, rất khó canh tác và chăm sóc. Mùa việc, bà con thường phải ngủ lại trong các nhà đầm, nhà chòi để lao động sản xuất. Nhằm thay đổi tận gốc những tập quán canh tác cũ, huyện đã cử cán bộ xuống xã "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn cách dùng trâu, bò để cày bừa, phổ biến cách dùng phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch,... qua các lớp tập huấn IPM. Nét nổi bật của nông - lâm nghiệp ở KonPlông là tổ chức thành công hơn 200 mô hình kinh tế cộng đồng (nhóm sản xuất), mỗi mô hình từ năm nhà trở lên để đổi công, giúp đỡ nhau làm thủy lợi, về tư liệu sản xuất, trao đổi kỹ thuật, trồng cây, chăm sóc bảo vệ và khai thác rừng, đồng thời là đầu mối nhận các kế hoạch đầu tư, hỗ trợ vốn. Các xã  ÐakLong, Xã Hiếu, Pờ Ê đã có các mô hình làm rất tốt. Huyện đang thí điểm giao rừng cho các nhóm hộ để bảo vệ, khai thác hợp lý, giúp người dân sống thân thiện và hưởng lợi từ rừng theo dự án ZICA. Những thành công bước đầu về nông - lâm nghiệp ở KonPlông, là sự phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa cơ chế chính sách qua việc đầu tư, hỗ trợ, cho vay vốn của Nhà nước với Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Ðến nay, toàn huyện có hơn 120 hộ có thu nhập hằng năm từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng. Tiêu biểu là gia đình ông Ðinh Xuân Ðợi ở ÐakLong, Hộ Y Xai ở xã Ngọc Tem... Trên các nẻo đường về xã, kể cả một số xã xa trung tâm huyện từ 50 đến 80 km, đường đèo dốc đứng, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, vẫn thường gặp cán bộ Phòng Nông - lâm nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội Nông dân, Huyện đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh,... xuống cơ sở để bám dân, bám đồng. Riêng các nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ từ 400 nghìn đồng năm 2002, nay đã là hơn 44 tỷ đồng. Tuy chưa có mô hình cấp tỉnh, nhưng sau hơn sáu năm tách huyện, nông - lâm nghiệp của KonPlông đã có thành tích đáng kể. Sản lượng lương thực đạt gần 8.500 tấn, bình quân lương thực đạt 498 kg/người/năm.


Ngoài cây lương thực, huyện còn phát triển 359 ha các loại cây lâu năm và gỗ quý như hương, trắc, lim, pơ-mu, sao xanh; rồi 486 ha quế, thảo quả, bời lời, gió bầu, cà-phê, chè, tre lấy măng... Khai thác các nguồn lợi từ rừng mỗi năm khoảng 200 nghìn sợi song mây. Bên cạnh đó là phát triển các nguồn nuôi ong lấy mật tại rừng ở MăngBuk, Xã Hiếu mỗi năm thu hơn 2.000 lít mật. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được quan tâm phát triển, nhất là nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà vịt. Con trâu ở KonPlông không chỉ nuôi để cày bừa, giẫm ruộng mà được coi là vật quý để tế thần. Hằng năm, đồng bào có một ngày lễ hội làm chuồng trâu, cúng trâu trong dịp xuống đồng, khi xong vụ. Huyện đã vận động và đầu tư để 100% số hộ có chuồng trâu với mái lợp và nền xi-măng. Hiện nay, đàn trâu, bò ở KonPlông đã có hơn 10.500 con. Ðồng thời với việc nâng cao mặt bằng sản xuất, chăn nuôi, KonPlông cũng thử nghiệm những loại vật nuôi cây trồng mới. Tại trại giống rau, hoa, kỹ sư Nguyễn Ngọc Sơn đang vận dụng kiến thức và kinh nghiệm, hợp tác với các nhà vườn ở Ðà Lạt để nhân giống bằng phương pháp cấy mô một số giống hoa lan, loa kèn và trồng các loại rau xứ lạnh cho kết quả tốt. Ở Xã Hiếu đã có trại nuôi cá tầm thành công bước đầu. Trại có hơn 700 cá bố mẹ, và sẽ có những lứa cá con giống đầu tiên để phát triển nuôi cá thịt với quy mô rộng. Ở xã Măng Cành cũng đang đầu tư hơn hai tỷ đồng để xây dựng khu chăn nuôi cá hồi và cá tầm bên cạnh suối ÐakLô. Kết hợp khai thác du lịch ở ba con thác gần đó và nuôi thú rừng, tạo nên một khu sinh thái đa dạng cho huyện.


Về mặt kinh tế, với một huyện ở Tây Nguyên thì đó là một bước tiến không thể phủ nhận, và chính điều đó đã làm thay đổi một cách cơ bản cuộc sống mọi mặt của bà con các dân tộc ở KonPlông. Cùng với hệ thống điện, đường, trường, trạm do Nhà nước đầu tư, cho đến nay, 90% số hộ gia đình ở KonPlông đã có phương tiện nghe nhìn. Hệ thống thông tin phủ khắp, xe máy, điện thoại di động trở thành một phần của sinh hoạt hằng ngày. Có người già nói với tôi: "Tiếng HRê chui được vào máy điện thoại, nghe vui lắm!". Cụ Lết già làng ở thôn 3, xã Pờ Ê đang đi bừa ruộng, thấy có khách, con gái cụ dùng điện thoại di động gọi cụ về. Gặp tôi, cụ kể cho nghe nhiều chuyện và nhận xét: "Giờ khác trước nhiều lắm rồi. Cái gì cũng khác, cuộc sống no đủ, ai cũng vui". Thôn của cụ Lết còn có hẳn một cái "chuồng xe máy" để các nhà trong thôn cất giữ xe qua đêm. Xã Pờ Ê có năm người đã và đang học đại học, trong đó có một người tốt nghiệp Ðại học Luật, hiện làm Phó Chủ tịch UBND xã. Toàn bộ hệ thống trường học từ mẫu giáo trở lên đã được xây kiên cố hóa, 273 học sinh THPT đang học tập trung tại Trường Dân tộc nội trú huyện. Các thầy, cô giáo trong huyện đến từ nhiều huyện, tỉnh khác nhau, nhưng đều quyết tâm vượt khó để nâng cao chất lượng dạy và học. Ði đầu trong việc này là Anh hùng Thanh Minh Tám. Cụ bỏ nhiều công sức để tuyên truyền, vận động con cháu đi học đông đủ. Cụ là chỗ dựa vững chắc của nhà trường trong hoạt động giáo dục.


KonPlông là vùng đất còn in đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã rất dày công trong việc gìn giữ, khai thác, bảo tồn, vừa phát triển vốn quý này bằng những đề án cụ thể. Trong huyện không có xã nào không có đội văn nghệ, không thôn nào không có đội cồng chiêng. Ðội cồng chiêng thôn Kon Du từng giành Huy chương vàng tại Liên hoan cồng chiêng toàn quốc. Già làng A Ðren ở KonRing là nghệ nhân kể sử thi nổi tiếng trong vùng. Như mọi người dân Tây Nguyên, trẻ già, trai gái ở KonPlông nghe nhạc cồng chiêng là trong lòng thấy rộn ràng. Những lễ hội quy mô thôn, xã và cộng đồng được tổ chức như đã đưa tới sự bao bọc đời sống sản xuất và ước nguyện tâm linh gửi vào đất trời, sông nước, núi rừng. Rồi các làn điệu dân ca, những món ẩm thực đặc trưng như năm loại rượu cần, cơm lam, thịt nướng, kiến muối, cà đắng, rau rừng... cùng những nhà dài, nhà đầm, nhà chòi đã làm vương vấn lòng người và du khách gần xa. Do vậy từ quá khứ đến hiện tại, đất rừng KonPlông đã bật lên tiếng gọi đoàn kết cộng đồng, kêu gọi các dân tộc anh em chung sức, chung lòng làm cho KonPlông phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong công cuộc đổi mới. Ðể có được điều này, phải nói rằng Ðảng bộ, chính quyền huyện KonPlông đã và đang có một tầm nhìn đúng đắn về công tác tổ chức xây dựng đảng và đào tạo cán bộ. Vừa hoàn chỉnh kiến thức, vừa nâng cao lý luận, luân chuyển cán bộ hợp lý để đào tạo một lớp cán bộ nguồn. Vì thế, bên cạnh các cán bộ vững vàng như Nguyễn Văn Hùng, Võ Xuân Truyền, Nguyễn Văn Lân, Huỳnh Tấn Phục... là thế hệ kế tiếp như A Vinh, Y Núi... Một trong các phương thức hoạt động có hiệu quả của KonPlông là đưa cán bộ tăng cường xuống các xã làm nòng cốt, tổ chức kết nghĩa giữa các cơ quan đơn vị, trường học với các thôn, buôn để "người đi trước rước người đi sau". Hiện tại, tỷ lệ nữ tham gia công tác đảng, đoàn thể ở cấp xã là 96%, cấp huyện 62,5%, tham gia quản lý nhà nước cấp xã là 37,5%, cấp huyện 4%.


Tiếng gọi KonPlông còn là lời chào mời chân thành những dự án đầu tư sản xuất và xây dựng trên địa bàn huyện. Ðã có các dự án khai thác vật liệu xây dựng, mở đường, làm thủy điện ở ÐakKe, ÐakPôNe. Nhất là hình thành khu du lịch sinh thái tại Măng Ðen. Nằm ở độ cao trung bình 1.200 m so với mặt nước biển, Măng Ðen có bảy hồ nước tự nhiên, có miệng núi lửa đã tắt. Rồi các thác nước cao, suối đá trong, các khu rừng nguyên sinh cùng hàng trăm ha rừng thông, hàng chục tuyến đường dọc ngang xòe rộng tới mọi danh lam thắng cảnh. Măng Ðen với hàng chục biệt thự ẩn dưới tán thông xanh và hoa rừng luôn sẵn sàng đón khách. KonPlông có nhiệt độ trung bình hằng năm là 22 độ C, một năm có hai mùa mưa, nắng rõ rệt. Bản Tình ca Măng Ðen như neo níu tình cảm yêu quý vùng đất nên thơ này: Anh chẳng về đâu, anh ở lại Măng Ðen, anh ở lại cùng em... Nhưng nỗi nhớ lớn hơn trong mỗi người đã đến với KonPlông là tiếng gọi từ niềm tin vào đất và người nơi đây. Ðã dần hết mùa khô và bước sang mùa mưa, những hạt mưa đầu mùa làm đất rừng, đồng ruộng xanh lên mầu xanh ấm no, hạnh phúc, cho xanh mãi nỗi nhớ KonPlông và vang vọng mãi tiếng gọi từ KonPlông.
 
 
 
                                                                                         Theo ND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục