Những dấu tích huyền quan táng còn lại trong các hang động tại Thanh Hóa.

Những dấu tích huyền quan táng còn lại trong các hang động tại Thanh Hóa.

Căn cứ vào số lượng quan tài nhiều và kích thước lớn nhỏ khác nhau, có thể động có chứa quan tài treo ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) là khu mộ của các gia tộc lớn. Nếu không phải của Thượng tướng quân Khằm Ban thì cũng là người có thế lực khác như các tạo mường, tạo cai, mụ mường, họ luông...

 

Năm 2007, trên Báo CAND - Chuyên đề ANTG, chúng tôi đã đưa những thông tin về việc phát hiện những cỗ quan tài độc mộc, có cỗ dài tới 2,8m, rộng 0,48m nằm trong hang động trên vách đá cheo leo từ ngàn năm trước ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Các nhà khoa học đã vào cuộc, đi tìm lời giải cho câu hỏi: Chủ nhân của những cỗ quan tài này là ai? Tại sao những cỗ quan tài nặng cả trăm kilôgam ấy lại được đưa lên hang đá cheo leo mà không phải là "thổ táng", "thủy táng", "hỏa táng" hoặc "điểu táng"…?

Phát hiện thêm nhiều quan tài cổ treo

Trong khi những bí ẩn xung quanh các động có chứa quan tài treo ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng, thì một ngày nắng nóng tháng 5/2010, chúng tôi nhận được thêm thông tin từ người dân địa phương: Tại huyện miền núi, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), gần đây liên tiếp phát hiện thêm nhiều hang động treo các quan tài cổ tương tự. Số lượng hang động nhiều hơn, số quan tài cũng nhiều không kém.

Chúng tôi hăm hở lên đường. Huyện Quan Sơn nằm cuối quốc lộ 217A, giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cách trung tâm TP Thanh Hóa chừng 140km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội gần 200km (đi theo quốc lộ 6 rồi rẽ vào đường 20B). Quan Sơn vốn được tách ra từ huyện Quan Hóa cũ, có 4 dân tộc anh em Thái, Mường, Mông, Kinh sinh sống trên nền đất cũ của Châu Quan Da cổ xưa, với các tổng Cổ Nam, Tam Lư, Hữu Sơn, Hữu Thủy. Những hang động mà người dân cho biết, đều nằm dọc theo dòng sông Lò, một trong những nhánh đầu nguồn của dòng sông Mã sau khi bôn ba trên đất bạn trở về đất Việt, cách động quan tài Quan Hóa chỉ chừng vài chục kilômét theo đường chim bay. 

Vách núi cửa hang Pha Quen, nơi có chứa các quan tài cổ.

Anh Ngân Văn Hà, 45 tuổi, người dân tộc Thái, cẩn thận giắt dao rừng, cài chiếc đèn soi lên trán, rồi hăm hở dẫn chúng tôi rời bản đến chân ngọn núi đá dựng đứng nằm ngay kề dòng sông Lò, thuộc bản Máy (xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Đường chinh phục vách núi Pha Hang Quen cực kỳ mạo hiểm. Hang núi Pha Quen không rộng và sâu như động Pó Cúng (hay Hang Ma, Lụng Buốc Mu) bên huyện Quan Hóa, mà khá tối và chật hẹp vì chỉ có một cửa động. Động sâu chừng 15m, cao hơn 7m, khá khô thoáng, nhưng đầy mùi ẩm mốc. Các cỗ quan tài đều đã không còn nguyên vẹn và sắp xếp khá lộn xộn, hoặc do thời gian phong hóa, hoặc do bàn tay của một số người dân vô ý thức xâm hại. Chiếc quan tài lớn nhất dài chừng 2,7m, rộng khoảng 0,4m, nhỏ hơn một chút so với cỗ quan tài lớn nhất bên động Pó Cúng (Quan Hóa), và có khá nhiều quan tài nhỏ.

Cách quần thể hang động núi Pha Hang Quen không xa, ở các hang núi của Pha Dờn (bản Muỗng, xã Trung Xuân, Quan Sơn) cũng còn khá nhiều cỗ quan tài như vậy.

Đường lên hang núi Pha Dờn xa và hiểm trở hơn nhiều, nhiều đoạn phải dùng dây thừng để đu bám vào các vách đá, đi  phải mất chừng nửa buổi mới leo đến nơi được. Hang núi Pha Dờn rộng rãi, cao thoáng như trong lòng một ngôi nhà sàn lớn, có nhiều hang hốc bên trong. Theo số đếm của anh Hà Văn Niêm, Trưởng bản Muỗng, trong hang chứa hơn 50 tấm "thuyền", tức gần 30 bộ quan tài cổ. Ấy là chưa tính, phía dưới cuối hang vẫn còn một hố sâu chừng 2m, như một chiếc giếng rộng, do không đủ đèn đuốc, dây rợ, nên chưa ai dám vào khám phá tận cùng hang núi.

Anh Đinh Công Báo, cán bộ văn hóa xã Trung Xuân cho biết thêm: "Vẫn trong ngọn núi Pha Dờn này, người dân địa phương vừa phát hiện thêm một hang núi khác, có chứa nhiều quan tài, ước tính khoảng 40 - 50 bộ. Đường vào hang núi này còn hiểm trở, xa xôi hơn, nên nhà báo chưa vào khám phá được đâu. Cũng như ở các hang động khác, số quan tài ở đây cũng mục ruỗng khá nhiều do thời gian để trong hang động đã quá lâu".

Người Thái cổ có phải là chủ nhân?

Như đã nói, năm 2007, dư luận xôn xao về việc lần đầu tiên phát hiện động quan tài bí ẩn ở Quan Hóa, các nhà khoa học đã vào cuộc, đưa ra nhiều giả thuyết để lý giải bí ẩn. Nhưng mỗi giả thuyết đều chưa đi đến tận cùng sự việc, chưa xác định đích danh chủ nhân của các cỗ quan tài, mà gọi chung chung là người xưa; chưa chứng minh được phương pháp vận chuyển, đưa các cỗ quan tài lên hang núi cheo leo khả thi nhất… Tuy nhiên, với ý thức bảo tồn và phát huy di tích độc đáo, từ năm 2007, huyện Quan Hóa đã tiến hành xây dựng dự án du lịch tâm linh cho khu vực Hang Ma, trong tuyến du lịch cộng đồng chung của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh bạn. 

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối nhận định: "Chủ nhân của những cỗ quan tài chắc chắn là một tộc người thuộc dòng Bách Việt, đã cư trú ở vùng đất Quan Hóa từ ngàn năm trước".

Khi vị tộc trưởng uy tín người Thái ở huyện Quan Hóa cũ (huyện Quan Sơn mới tách ra từ năm 1997), ông Phạm Hồng Nêu chưa qua đời, có trao đổi với người viết bài một giả thiết rằng: chủ nhân của những hang động quan tài này là những người Thái cổ. Vì người Thái từng sống ở đây từ rất lâu đời, những hang động phát hiện ở xã Trung Xuân, Trung Thượng (Quan Sơn) đều thuộc đất Mường Chự, tổng Cổ Nam; động Pó Cúng (Quan Hóa) thuộc Mường Ca Da của người Thái cổ.

Căn cứ vào số lượng quan tài nhiều và kích thước lớn nhỏ khác nhau, có thể đây là khu mộ của các gia tộc lớn, có địa vị trong cộng đồng. Nếu không phải của Thượng tướng quân Khằm Ban (còn gọi là Chu Kha Lài - người xăm mình; trấn giữ toàn bộ miền biên viễn phía Tây Tổ quốc thời Hậu Lê), thì cũng là người có thế lực khác như các tạo mường, tạo cai, mụ mường, họ luông...

Phải là người giàu có, thế lực thì mới tập hợp được một số lượng người đông đảo, đủ sức đưa các cỗ quan tài lên động. Và cũng phải là mộ phần của một gia tộc, vì có nhiều cỗ quan tài lớn nhỏ trong động không chứa xương, chưa từng có dấu tích mai táng. Người ta để dành để táng cho những người có thân phận đặc biệt khác chăng? 

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối cho biết: "Mấy năm nay, việc nghiên cứu vẫn dừng lại tại chỗ, chưa có gì mới hơn", điều đó đồng nghĩa, trước khi tính đến phát huy giá trị di tích, người dân địa phương, du khách cần hiểu rõ và có ý thức bảo tồn các hang động kỳ lạ này.

Như ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định: "Trước mắt, cán bộ địa phương đã đến các hang động trên địa bàn để tìm hiểu, báo cáo cơ quan chức năng cấp trên; đồng thời chỉ đạo thực hiện bảo tồn nguyên trạng, không để người dân tự ý vào các hang động chứa những dấu tích của người xưa này".

                                                                    Theo Báo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục