Như người ta vẫn nói, Hà Nội ngoài vẻ đẹp rất riêng của thành phố ngàn tuổi làm say đắm lòng người còn có sự linh thiêng huyền ảo nào đó khiến cho những áng thơ văn, những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội luôn là những tác phẩm đặc sắc. Nhân kỷ niệm thành phố tuổi ngàn năm, nhà thơ - nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha đã nảy ra sáng kiến tuyển những tác phẩm đặc sắc đó thành một tập dày gần 2.000 trang với 1.000 ca khúc của trên 500 tác giả... Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.

 Nhạc sĩ Thụy Kha và bản thảo 1.000 ca khúc về Hà Nội.

Thưa ông, từ sáng kiến đến hiện thực con đường phải đi là rất dài, phải tốn rất nhiều công sức, chưa kể tiền bạc, nếu được xuất bản  sẽ là một ấn phẩm hết sức đồ sộ. Ông đã đi được bao xa?       

- Ý tưởng làm cuốn sách về HN đã được nêu ra từ khá lâu, nhiều nhạc sĩ cũng đã có suy nghĩ như tôi. Nhưng từ ý tưởng đến thực hiện là cả một vấn đề không hề dễ dàng.  Cuốn sách cho ngàn năm Thăng Long cần phải đặc biệt ngang tầm ý nghĩa của nó.  Ban đầu, tôi và GS. Dương Viết Á có cùng nhau bàn bạc, giáo sư cho rằng cuốn sách nên được chia ra các phần của Hà Nội, chẳng hạn là 4 phần: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca, Tình ca. Tôi thì thấy phải có thêm Nhi ca mới công bằng, như thế thì ngũ hành, tương sinh một cách lý giải cũng rất thú vị. Nhưng khi tiếp xúc với văn bản tôi thấy phải có thêm Mùa ca mới hợp lý. Vậy là không còn ngũ hành nữa, tôi tư duy theo cách lục khố (6 kho), gồm: Sử ca, Hùng ca, Hoan ca, Tình ca, Mùa ca, Nhi ca. Nhưng chọn lựa ca khúc vào 6 cái kho này, phải khởi từ đầu thời kỳ Tân nhạc (hơn 70 năm). Tôi ưu tiên các cụ thời tiền chiến, rồi đến những ca khúc được cảm hứng và viết tại Hà Nội... Hiện tôi đang cho tiến hành làm bản phim (kẻ khuông nhạc trên đề-can - NV), công việc này cũng tốn nhiều thời gian và công sức.

Thưa ông, tiêu chí chọn tác phẩm của ông là gì?

Trước hết, những tác phẩm ấy phải viết về Hà Nội, mang tinh thần Hà Nội và phải hay. Về Sử ca: Tôi muốn khắc họa hình ảnh của Thăng Long Hà Nội qua thời chiến tranh và thời thanh bình hôm nay. Tôi đã chọn được 70 bài. Và, để đi song song với Sử ca tôi chọn Hùng ca.

Trong biến cố của lịch sử đâu là những ca khúc oai hùng cho Hà Nội?

Trong 70 ca khúc song song với Sử ca có thể kể ra như Đàn chim Việt của Văn Cao, nói về thời những người lính Hà Nội ra đi, nhập vào cuộc kháng chiến miền Nam, hay Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận là để nói khát vọng của người Hà Nội sẽ trở về Hà Nội trong những ngày kháng chiến. Lại có những bài như Hoan hô bộ đội giải phóng Thủ đô của Nguyễn Văn Quỳ để nói về Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Và cùng cái thời đó có nhiều những bài hát hát khác như Quân về Hà Nội của Hoàng Dương, Ba Đình lịch sử của Doãn Nho...

Tiếp theo là Hoan ca?

Thì Hà Nội là nơi tập trung những nỗi khổ đau và những niềm vui sống rất đặc trưng nên có phải có Hoan ca. Đó là những bài hát mang tâm trạng rất Hà Nội. Trong đó tôi chọn và sắp xếp theo 5 chủ đề: Hà Nội ca: 74 bài. Ca Hà Nội: 92 bài. Hà Nội phố: 40 bài. Hà Nội sông: 27 bài. Hà Nội hồ: 30 bài.

Thật là thú vị, và tiếp theo Hoan ca là Mùa ca?

Tất nhiên rồi. Nếu con sông Hồng, hồ Gươm, hồ Tây hay các con phố  của Hà Nội đã làm nên những ấn tượng không thể phai mờ, những ấn tượng đặc biệt làm nên cảm xúc đặc biệt cho các nhạc sĩ  thì những mùa đi qua Hà Nội cũng như vậy. Tôi chọn được 173 bài mô tả các mùa xuân, hạ, thu, đông ở Hà Nội.

Thế còn Tình ca?

Hà Nội đã đi qua các thời kỳ, nhìn theo tác phẩm âm nhạc thì có: thời tiền chiến, thời kháng chiến và thời thanh bình. Thời tiền chiến tôi chọn được 12 bài. Thời kháng chiến chống Pháp chọn được 76 bài. Thời chống Mỹ thì rất hiếm hoi Tình ca. Chúng ta mới biết đến Gửi người em gái miền Nam của Đoàn Chuẩn, Quê tôi của Lưu Cầu, Tình ca của Hoàng Việt. Bài Hoa sữa của Hồng Đăng nữa, ít người biết rằng đó là bài tình ca cuối cùng của thời chống Mỹ. Tôi phát hiện thêm những Tình ca của Băng Hải, Một lần qua nhà em của Ngọc Thanh, thơ Hoàng Trung Thông..., tôi chọn được 14 bài. Còn Tình ca thời thanh bình, tôi chọn được hẳn 180 bài. Thời kỳ này phải trọng đến các tác giả như: Hữu Xuân, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang, Giáng Son... Hết sức thú vị đấy.

Vâng. Còn Nhi ca thì sao, thưa ông?

 Nhi ca cũng là phần rất hay, tôi chọn được 140 bài. Thì ở đấy xuất hiện các tác giả lớn như: Phong Nhã, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn...

Nói tóm lại đều là những ca khúc viết về Hà Nội?

 Như đã nói, đó là những tác phẩm mang tinh thần Hà Nội. Ví dụ như bài của Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính, Thoi tơ chẳng hạn, không phải là một vùng tơ Hà Nội mà không gian âm nhạc rất Hà Nội, cũng như vậy, rất nhiều bài hát mang âm hưởng Hà Nội, không khí, không gian, tinh thần, tâm trạng Hà Nội. Chẳng hạn, Tình ca Hoàng Việt được viết tại Hà Nội, nhưng bài khác lại được viết từ một người rời Hà Nội ra đi. Tôi có quan niệm Hà Nội là Thủ đô chung của cả nước, của mọi người, thì mọi người đều muốn thấy Hà Nội của họ trong âm nhạc theo ý họ. Cũng ví như Phạm Duy, viết Phố buồn hay Lưu Cầu viết Quê tôi, chẳng có một từ Hà Nội nào nhưng nó mang tình cảm Hà Nội, dư âm Hà Nội. Ở bộ sách này, bức tranh toàn cảnh về Hà Nội phải được ồ ạt, rộng khắp mới bình đẳng trong tình yêu của mọi tác giả âm nhạc cũng như của người thưởng thức...       

Nhiều người nhận xét, hầu như những bài hát viết về Hà Nội đều hay. Một cuốn sách dày như thế, nội dung có vẻ đáp ứng được nhiều đối tượng như thế nhưng như người ta vẫn nói, sách hay chưa chắc đã có người mua, ông làm thế nào để cuốn sách ra mắt kịp thời trong dịp kỷ niệm lớn này của Thủ đô? 

Tôi nghĩ, một cách rất nghệ sĩ thôi, rằng tôi thấy nó hay, nó cần thì phải làm. Khi đã làm thì khó không được nản. Bạn bè cũng động viên tôi rằng, Việt Nam và nhất là Hà Nội là xứ sở yêu âm nhạc, chắc rồi sẽ có những người, những đơn vị sẽ tìm đến nó để làm cẩm nang cho chính mình mỗi khi nhớ về Hà Nội. Khi nào muốn cất lên tiếng hát, muốn biết được có bao nhiêu bài hát, bao nhiêu người đã viết những bài hát về Hà Nội cho nỗi nhớ của mình thì đây: 1.000 ca khúc cho ngàn năm Thăng Long. 

Cảm ơn ông! Chúc cuốn sách sớm ra mắt người yêu nhạc và yêu Thăng Long - Hà Nội     

                                                                            Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục