Hình tượng Bác Hồ trong vở đêm trắng
của đoàn chèo tổng cục hậu cần.

Hình tượng Bác Hồ trong vở đêm trắng của đoàn chèo tổng cục hậu cần.

Cùng với các ngành văn học nghệ thuật khác, sân khấu nhiều năm qua cũng hướng vào một nhiệm vụ lớn, hay đúng hơn là một sứ mệnh thiêng liêng, tìm tòi, thử nghiệm xây dựng hình tượng Bác Hồ bằng ngôn ngữ đặc thù, sống động và trực tiếp của ngành nghệ thuật nghe nhìn này.

Bằng tài năng và tâm huyết, nhất là tấm lòng của giới nghệ sĩ luôn luôn trăn trở, thao thức với một đề tài lớn, đáp ứng lòng mong đợi và ngưỡng mộ tha thiết của quảng đại quần chúng nhân dân mà sân khấu đã có những vở diễn kế tục nhau, bổ sung cho nhau ngày càng hoàn thiện hơn trong việc tái hiện  lại tiểu sử, sự nghiệp hoạt động và nhân cách, phẩm chất đạo đức cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Ðưa hình ảnh Bác Hồ - lãnh tụ thiên tài của Ðảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất - lên sàn diễn là một thách thức lớn với không chỉ nghệ thuật biên kịch còn cả với nghệ thuật diễn xuất, cùng các khâu khác như đạo diễn, hóa trang, v.v. Bởi làm sao tái hiện được đầy đủ cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của Người, thông qua vô vàn những chi tiết cụ thể sẽ được sân khấu hóa, trong giới hạn ngặt nghèo của không gian và thời gian sân khấu? Mặt khác làm sao diễn tả được hình tượng Bác Hồ, trong ngôn ngữ đặc trưng sống động của nghệ thuật nghe nhìn, thông qua nghệ thuật biểu diễn của chính người diễn viên, trước sự tiếp nhận trực tiếp của công chúng, những người trong tâm khảm đã in sâu hình ảnh cụ thể về Bác, từ gương mặt, dáng người đến giọng nói và các cử chỉ thông thường, không gây ra sự ngỡ ngàng, xa lạ và gượng ép.


Ngay khi Bác Hồ vừa mới đi xa, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, giới sân khấu đã nung nấu một quyết tâm, làm sao tập trung trí tuệ tập thể để gấp rút hoàn thành một vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ. Công trình mang tính thử nghiệm mở đầu ấy mang tên Người công dân số một do nhà viết kịch lão thành Hà Văn Cầu với sự cộng tác của Vũ Ðình Phòng chấp bút, được Nhà hát cải lương Trung ương dàn dựng, NSND Dương Ngọc Ðức đạo diễn. NSƯT Hà Quang Văn, con trai của NSND Ái Liên, gương mặt tiêu biểu của sân khấu được giao trọng trách thể hiện Bác Hồ thời trẻ. NSND Sỹ Hùng được đảm nhiệm diễn xuất hình ảnh Bác Hồ những năm tháng gian khổ mà hào hùng ở Việt Bắc. Mặc dù kịch bản viết theo phong cách tư liệu, chia ra thành nhiều cảnh diễn ra theo trình tự thời gian nhằm bám sát các hoạt động của lãnh tụ theo hình thức biên niên sử và kết cấu vở theo hướng sân khấu hóa tiểu sử của Bác với tính chất dựng tượng đài, nhưng vở diễn ra mắt đã làm nức lòng khán giả, vì đáp ứng đòi hỏi đã từ lâu của mọi tầng lớp nhân dân là được nhìn tận mắt, nghe tận tai, hình ảnh và giọng nói thân thuộc mà thiêng liêng của Bác. Vở diễn Người công dân số một, nhanh chóng trở thành một sự kiện nghệ thuật quan trọng, góp phần thúc đẩy cho những sáng tác tiếp theo về đề tài này.


Tuồng, loại hình kịch hát trang nghiêm, giàu tính ước lệ vốn sở trường trong khả năng khắc họa những nhân vật lịch sử tầm vóc cũng nhanh nhạy nhập cuộc với các vở diễn công phu với hình tượng Bác Hồ hiển hiện từ trong tâm tưởng của các chiến sĩ cách mạng và quần chúng trung kiên ở những vở Không còn con đường nào khác viết về  nữ Anh hùng Nguyễn Thị Ðịnh lãnh đạo phong trào Ðồng khởi ở Bến Tre, hoặc ở vở Sáng mãi niềm tin của tác giả Lê Duy Hạnh, viết về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Ðáng chú ý là việc thể hiện hình tượng Bác Hồ được giao cho hai nghệ sĩ tên tuổi thuộc hai thế hệ khác nhau, mỗi người mỗi vẻ đều tạo ra được những dáng nét đẹp đẽ và đầy sức truyền cảm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng cả nước. Ðó là NSND Võ Sỹ Thừa ở vở Sáng mãi niềm tin và NSND Lê Tiến Thọ ở vở Không còn con đường nào khác.


Kịch nói với ưu thế nhạy cảm trong khả năng tiếp cận và tái hiện cuộc sống của con người đã gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận, đánh dấu bước phát triển  mới trong quá trình thử nghiệm xây dựng hình tượng về người lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc. Nếu vở diễn  Bài ca Ðiện Biên công diễn năm 1984 của tác giả Tất Ðạt mang phong cách sử thi hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên thuộc nhiều thế hệ đã phác dựng được hình ảnh Bác Hồ bằng những nét chấm phá, thì tiếp đó đã xuất hiện những kịch bản và vở diễn hướng tới một nhiệm vụ khó khăn hơn là làm sao đưa Bác Hồ trở thành một nhân vật trung tâm xuyên suốt diễn biến câu chuyện kịch. Thành công đột xuất về phương diện này là trường hợp của vở diễn Lịch sử và nhân chứng của tác giả Hoài Giao, đó là lúc hai đoàn nghệ thuật có bề dày nghề nghiệp dàn dựng vào năm 1985, đó là Ðoàn kịch nói Hải Phòng và Nhà hát kịch Trung ương. Hai phương diện khác nhau, nhưng  bổ sung cho nhau. Phương diện thứ nhất, hướng vào tái hiện những tư thế lịch sử của Bác trong những thời khắc nghiêm trọng có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc. Phương diện thứ hai, là những sinh hoạt đời thường của lãnh tụ, khi đang lặng ngắm một bông hoa mới nở hay khi đi thăm hỏi gia đình một người thợ điện Hà Nội vào thời khắc sắp đón giao thừa của năm 1946 đầy sôi động và căng thẳng... Ðến vở diễn Ðêm trắng của Lưu Quang Hà, công diễn năm 1990 lại là một thành công mới của sân khấu trong việc thể hiện hình tượng Bác, với một chất lượng nghệ thuật cao. Trong vở diễn này hình tượng Bác Hồ đứng ở vị trí tâm điểm của cả vở kịch. Lớp diễn Bác Hồ thao thức suy nghĩ trong Ðêm trắng, trước khi đi đến quyết định thi hành án nghiêm khắc đối với một cán bộ cao cấp của ngành hậu cần quân đội đã có vi phạm nghiêm trọng, mà trớ trêu và đau xót thay, kẻ nhận hình phạt đích đáng ấy, không ai khác chính là người từng vào sinh ra tử trong trận mạc để rồi được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng. Tình thế đầy kịch tính và tâm trạng  ấy là mảnh đất tốt cho nghệ thuật diễn xuất của diễn viên khai thác và tận dụng. Những giây phút sâu lắng vừa nhiều sức gợi trên sàn diễn đã được NSƯT Hà Văn Trọng và NSƯT Trần Thạch nắm bắt và thực hiện thành công, vừa cho thấy được sự bao dung lại vừa thể hiện được sự nghiêm khắc công minh của Bác. Ðó còn là bài học thấm thía về việc gìn giữ phẩm chất người cán bộ có chức có quyền trước bao cám dỗ, tính nghiêm minh của kỷ luật Ðảng và pháp luật của nhà nước đối với những hành vi sai phạm, dù đó là bất kỳ ai từng có công trong quá khứ.


Trong các đơn vị nghệ thuật, thì Nhà hát dân ca kịch Nghệ An là đoàn lâu nay vẫn đau đáu với khát vọng thể hiện hình tượng Bác Hồ, nên đã cho ra mắt nhiều tiết mục đi vào khai thác đề tài quan trọng này. Nếu tiết mục Người ra đi từ câu hò ví dặm đậm sắc thái của một vở diễn kịch hát với nhiều tìm tòi về phương diện âm nhạc thì sang vở diễn Lời người lời của nước non thì thật sự là một vở diễn sân khấu hoàn chỉnh với cốt truyện hấp dẫn thông qua nhiều sự kiện chân thực cảm động gây xúc động mạnh với công chúng cả nước.


Cải lương và chèo cũng hòa giọng với các kịch chủng khác bắt tay vào thử nghiệm xây dựng tiết mục về đề tài này. Nếu cải lương theo hướng chuyển thể những vở diễn đã được thử thách ở kịch nói như dựng lại vở Ðêm trắng (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp các nghệ sĩ tên tuổi ở TP Hồ Chí Minh cùng thực hiện vở diễn này) thì chèo mạnh dạn tìm đến với những kịch bản viết riêng cho mình. Qua một số vở ngắn, chèo tiến đến những vở dài hơi như Ðêm trăng huyền thoại của chèo Thái Nguyên công diễn năm 2000, và Những vần thơ thép, Nhà hát chèo dàn dựng năm 2005. Ðạo diễn NSND Bùi Ðắc Sừ đã có những tìm tòi trong xử lý nghệ thuật, vừa táo bạo vừa bảo đảm được đặc trưng chèo nhưng vẫn nổi bật hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.


Tiết mục mới nhất, tham gia Hội diễn sân khấu Tuồng và dân ca vừa được tổ chức đầu năm 2010 là vở diễn Hồ Chí Minh một hồi ức mầu đỏ của tác giả Nguyễn Quang Vinh, do Nhà hát dân ca kịch Huế thực hiện. Ðạo diễn NSƯT Ngọc Bình, vừa đảm nhiệm vai trò dàn dựng đồng thời nhận trách nhiệm đóng vai Bác Hồ, đã thật sự dồn tâm huyết và tài năng vào hình tượng nghệ thuật của vở diễn này, đem lại một hiệu quả nghệ thuật cao, chắt lọc mà dung dị. Vở diễn được chọn là tiết mục tiêu biểu đi diễn báo cáo tại Hà Nội vừa qua cho nhiều tầng lớp công chúng.


Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra trước giới nghệ sĩ sân khấu, đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên hơn nữa về nhiều mặt từ ý thức công dân, từ tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ như lời dạy của Bác đến phát huy tài năng và chuyên môn nghề nghiệp để không thỏa mãn với những tác phẩm đã có mà còn tiếp tục phấn đấu tìm tòi sáng tạo không ngừng hướng tới những sáng tác mới mang chất lượng mới về hình tượng Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi chính đáng của công chúng.
 
                                                                              Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục