Ngày đầu thực hiện nghị định 54/CP, rạp chiếu phim không có đủ nguồn phim Việt để chiếu; nhiều đài truyền hình địa phương không có tiền sản xuất phim

 
Hôm qua, 7-7, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh bắt đầu có hiệu lực nhưng dường như không được mấy ai trong cuộc quan tâm thực hiện. Qua khảo sát tại các rạp chiếu phim và nhiều đài truyền hình trong ngày 7-7 cho thấy mọi thứ vẫn không có gì thay đổi, nghĩa là phim Việt rất hiếm hoi ở rạp và phim ngoại vẫn chiếm tỉ lệ vượt khung trên màn ảnh truyền hình.
 
Phim Anh em nhà bác sĩ phiên bản Việt do đài PTTH Vĩnh Long hợp tác với tư nhân sản xuất, sẽ lên sóng THVL1 vào ngày 11-7. Ảnh: C.T.V
 
Rạp chiếu bất lực
 
Điểm nhấn quan trọng nhất trong Nghị định 54/CP là quy định “phim truyện VN phải đạt ít nhất 20% buổi chiếu so với tổng số buổi chiếu của các rạp”. Quy định này tưởng như tạo một cú hích cho phim Việt phát triển nhưng đó chỉ là lý thuyết. Còn thực tế không giản đơn như vậy.
 
Bà Thúy Vi, quản lý rạp Megastar tại Hà Nội, cho biết: “Khó khăn ở đây không phải từ phía rạp mà từ chính các nhà sản xuất phim, nói cách khác là không có phim VN để chiếu chứ không phải rạp không muốn chiếu.
 
Mỗi năm chỉ có khoảng 7-8 phim VN ra mắt, nguồn phim ít ỏi như vậy thì không thể nào bảo đảm  phim Việt chiếm 20% trong tổng số phim nước ngoài chiếu ở 10 phòng chiếu của Megastar”.
 
Ông Bùi Văn Lựu, Giám đốc cụm rạp Đống Đa-TPHCM, cảm thán: “Nếu phim có khách như Để Mai tính thì đến giờ rạp chúng tôi vẫn chiếu đấy thôi. Còn phim dở thì làm sao chiếu được vì có ai chịu bỏ tiền ra mua vé. Lôi phim cũ ra chiếu lại càng không có người xem. Dẫu biết nếu không bảo đảm  tỉ lệ trên, rạp sẽ bị kiểm tra, xử phạt nhưng nếu phạt cũng đành chịu. Thôi thì tới đâu hay tới đó vậy”.
 
Đánh giá về những quy định mới của NĐ 54/CP, bà Thúy Vi cho rằng quy định này chưa phù hợp với tình hình phát hành hiện tại. “Không lẽ một bộ phim lại chiếu kéo dài để đủ chỉ tiêu 20% buổi chiếu? Đó thực sự không phải là một phương án thông minh của các nhà kinh doanh”.
 
Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Văn Lựu nói: “Chiếu một phim không hay, chỉ có vài người xem thì rất lãng phí vì tốn kém chi phí”. Hiện trung bình mỗi tuần, có hai phim ngoại mới ra rạp, một năm hơn 100 phim. Nếu thực thi đúng nghị định này thì phải có 20 phim VN được sản xuất/năm nhưng thực tế một năm, điện ảnh chỉ sản xuất khoảng phân nửa con số đó.
 
Bắt ép các rạp phải dành rạp cho phim Việt nhưng phim không hay và không đủ phim để chiếu thì chẳng khác nào ép chủ rạp đi vào chỗ phá sản. Vì nếu không tuân thủ thì bị phạt, còn tuân thủ thì thất thu, không có lương trả cho nhân viên vì cơ chế kinh doanh của các rạp là tự chủ tài chính”.
 
Kẻ ăn không hết, người lần không ra
 
Nếu như các chủ rạp lo lắng về việc không biết làm cách nào để bảo đảm  con số 20% phim Việt chiếu ở rạp thì các đài truyền hình lại rơi vào tình trạng “nhà giàu” khá thong dong, còn “nhà nghèo” phải giật gấu vá vai trước quy định thời lượng phim Việt phát sóng phải đạt 30% tổng thời lượng phát sóng phim truyện.
 
Đài Truyền hình VN và Đài Truyền hình TPHCM có thể coi là những “đại gia” sản xuất phim truyền hình Việt, có trong tay vài trăm tập phim mỗi năm, do các hãng phim của đài sản xuất và đặt hàng các hãng phim tư nhân sản xuất theo phương thức xã hội hóa nên quy định này có khi còn thấp hơn mức phim truyện VN mà hai đài này phát sóng theo nhu cầu của khán giả.
 
Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Giám đốc Đài PTTH Hà Nội, cũng cho biết tỉ lệ 30% phim VN phát sóng đã được đài thực hiện từ lâu, nếu nâng lên 50% thì phải hơi cố gắng.
 
Cũng theo ông Minh, ngoài phim do đài tự sản xuất, việc ký hợp đồng mua phim hoặc hợp tác sản xuất với các hãng phim tư nhân cũng không đến nỗi khó khăn.
 

Nếu không tuân thủ thì bị phạt; tuân thủ thì thất thu, không có lương trả cho nhân viên.

Những đài lớn có phim mới để chiếu, còn những đài địa phương thuộc hàng có “máu mặt” tìm đến giải pháp mua phim cũ của các đài lớn để chiếu lại.
 
Bà Thu Sương, Phó Giám đốc Đài Truyền hình Đồng Nai, nói: “Trước đây, giá một tập phim bán chỉ 2-3 triệu đồng nhưng hiện nay đã tăng lên 7-8 triệu đồng. Tháng 10 tới, đài sẽ ký hợp đồng sản xuất phim truyền hình với hãng Phước Sang nhằm chủ động có phim mới để phát chứ không mua phim cũ như hiện nay. Lúc đó, đài cũng sẽ mở thêm giờ vàng dành cho phim Việt lúc 20 giờ trên kênh Đồng Nai 1.
 
Tương tự, Đài Truyền hình Vĩnh Long cũng cho biết đã chủ động hợp tác với tư nhân sản xuất để có phim mới phát sóng.
 
Tuy nhiên, đối với những đài truyền hình “nhà nghèo” thì việc thực hiện quy định này không dễ chút nào. Bà Kim Ánh, Phó trưởng Ban Chương trình Đài PTTH  Đà Nẵng, cho biết: “Tỉ  lệ 30% phim Việt phát sóng trên mỗi đài không hẳn là quy định quá khó đối với các đài địa phương nhỏ lẻ vì 2 năm nay chúng tôi cũng bảo đảm được tỉ lệ này. Có điều, phim phát sóng toàn phim cũ, mua lại của các đài lớn. Còn tự làm phim để phát thì chúng tôi không thể làm nổi vì quá tốn kém”.
 
Bà Ánh cho rằng: “Với quy định này, tôi e rồi đây phim truyền hình Việt sẽ được sản xuất ồ ạt chạy theo số lượng, cốt để các đài lấp đầy sóng nên khó bảo đảm chất lượng. Khi đó, phim dở cũng phải mua vì không mua thì lấy gì phát, trong khi đài không tự sản xuất được”.
 
Xem ra, việc thực thi Nghị định 54/CP đối với rạp chiếu phim và nhiều đài truyền hình tỉnh lẻ là nhiệm vụ bất khả thi.
 
 
                                                                                 Theo NLĐ

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục