Nguyễn Phan Chánh - Chơi ô ăn quan - lụa.

Nguyễn Phan Chánh - Chơi ô ăn quan - lụa.

Các họa sĩ bậc thầy Việt Nam luôn để lại những dấu ấn cá nhân về mặt bút pháp. Nếu như Tô Ngọc Vân tài hoa, mẫu mực; Nguyễn Sáng chính xác, ngang tàng; Nguyễn Tư Nghiêm thâm trầm, khúc triết; Dương Bích Liên chắt lọc, tinh tế; Bùi Xuân Phái nặng tình, run rẩy… thì nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh thấm đẫm hồn quê, chân phương, bình dị.

 

Xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp đào tạo, nhưng Nguyễn Phan Chánh lại thành công và thành danh ở lĩnh vực tranh lụa - một loại hình nghệ thuật mang đậm chất Á Đông từ chất liệu cho đến cách tạo hình. Ông chỉ tiếp nhận các kỹ thuật hội họa phương Tây - hình họa, đường nét, màu sắc, bố cục, cách xử lý ánh sáng, luật xa gần… - qua các giáo sư Victor Tardieu và Joseph Inguimberty như một phương tiện kỹ thuật mang tính phổ quát. Trên nền tảng đó tạo dựng cho mình một phong cách hội họa bác học theo tinh thần của thời đại mới mà vẫn bám rễ sâu vào nguồn mạch văn hóa mỹ thuật truyền thống đã phát triển rực rỡ hàng ngàn năm của dân tộc.

Sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thuở bé Nguyễn Phan Chánh học chữ Nho ở quê nhà, rồi vào Huế học Trường Sư phạm Đông Ba. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Phan Chánh ở lại Huế dạy học. Và… một thôi thúc lạ đời đã đưa Nguyễn Phan Chánh đến với hội họa. Ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa I (1925-1930) cùng với Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ… Và từ đấy, chúng ta có một Nguyễn Phan Chánh họa sĩ.

Trong những năm đầu của khóa học, Nguyễn Phan Chánh không mấy thành công ở chất liệu sơn dầu. Chính thầy Victor Tardieu, với phương châm "Bảo tồn tính dân tộc" trong giảng dạy hội họa, đã nhận thấy tư chất ông không hợp với lối vẽ sơn dầu phương Tây nên khuyên ông chuyển sang lối vẽ phương Đông truyền thống, và giúp ông tìm hiểu về hội họa cổ Trung Quốc. Những năm cuối ở trường, Nguyễn Phan Chánh miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, thể nghiệm chất liệu lụa và đã tiến một bước dài trong việc cách tân nền hội họa Việt Nam với một loạt tác phẩm có giá trị ra đời: Bữa cơm, Em bé cho chim ăn, Lên đồng, Những người hát rong

Đặc biệt bức tranh Chơi ô ăn quan - lụa, rất Nhật mà không phải Nhật, rất Tây mà không phải Tây. Nguyễn Phan Chánh làm người xem ngỡ ngàng khi vẽ những em bé chơi trò mà không nghịch ngợm, chăm chú và điềm tĩnh, ngây thơ mà tư lự… đã gây một tiếng vang lớn trong cuộc Triển lãm đấu xảo Paris năm 1931. Từ đó Nguyễn Phan Chánh chuyên sáng tác và nổi tiếng về tranh lụa, dùng lụa để phản ánh hiện thực đã khẳng định được phong cách cùng khuynh hướng nghệ thuật hiện thực dân tộc.

Khác với tranh sơn dầu hay sơn mài, bột màu… người nghệ sĩ có thể mặc sức thả bút theo dòng xúc cảm đang tuôn trào, khi vẽ tranh lụa người nghệ sĩ phải lắng lòng để chuyển tải cảm xúc. Do đó cảm hứng sáng tạo thường diễn ra chậm. Từ những đặc tính của lụa như cách diễn hình và sắc mơ màng, thơ mộng… đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài đức tính kiên nhẫn, cần cù còn phải có một thái độ nghiêm cẩn, tỉ mỉ, cầu kỳ trong từng nét vẽ, tạo loang mới có thể làm nên một bức tranh lụa đẹp lung linh, mờ ảo, mỏng manh, thanh thoát. Nguyễn Phan Chánh là bậc thầy về lĩnh vực này. Tranh ông nền nã với những gam màu nâu đen, vàng đất, xám nhẹ thấm đẫm chất lụa đã làm nên một phong cách nghệ thuật Nguyễn Phan Chánh trữ tình, độc đáo.

Tài năng Nguyễn Phan Chánh thể hiện ngay trong cách nhìn. Ông nhìn bằng tâm tưởng, thấy được những điều mắt ta không thấy, hoặc thờ ơ bỏ qua: vẻ đẹp đời thường. Đó là những cảnh: Rửa rau cầu ao, Em bé chơi chim, Hai thiếu nữ đội nón thúng quai thao, Thiếu nữ chải tóc, Hái rau muống, Rửa khoai, Tối cho con bú, Đêm trăng lu, Kỳ lưng, Tắm ao

Với bố cục thông thoáng và sự gia công tinh tế của phương Đông hợp hòa cùng sự chính  xác, khoa học phương Tây, giữa diễn tả và gợi tả. Nguyễn Phan Chánh đã tẩm tâm hồn chúng ta trong hồn quê dân dã. Tranh ông mang lại sắc thái êm ả, thanh thản, bình dị, trữ tình. Về tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, Z.Kwecinska - nhà văn Ba Lan, nhận xét: "Xem tranh, chúng ta có cảm giác như nghệ sĩ đang tâm sự những câu chuyện của đời mình. Ông như muốn chia sẻ những khát vọng, hoài bão và tình yêu cuộc sống, con người. Mỗi bức tranh như một bài thơ. Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh thật êm dịu, mát mẻ. Phải có một nghị lực phi thường, một sức sống mạnh mẽ, họa sĩ mới giữ được sự bình thản, êm đềm ở một đất nước luôn có chiến tranh". Quả là lời nhận xét đắt giá, tinh tường!

Nguyễn Phan Chánh là một trong những họa sĩ hàng đầu của tranh lụa Việt Nam và cũng là người gióng tiếng chuông lớn cho hội họa Việt Nam ở nước ngoài, mà theo nhà thơ Xuân Diệu: "Cái tài của Nguyễn Phan Chánh là biết kết hợp hai cái nhất nhì của thiên hạ: chữ rồi mới đến tranh, nhưng nhiều bức tranh có chữ của ông đã đẩy tranh lên hàng nhất rồi đến chữ, nhờ vậy mà tranh Nguyễn Phan Chánh ăn sâu vào lòng cả người trí thức lẫn nông dân". Sự thuần tính cách Việt xuyên suốt trong gia tài hội họa của ông đã đánh thức biết bao kỷ niệm êm đềm về quê hương, xứ sở. Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã đổi thay nhiều, cả phong cảnh lẫn hồn người. Vì thế những bức tranh lụa Nguyễn Phan Chánh như một dấu tích tâm hồn dân tộc sẽ còn nuôi lòng nhiều thế hệ


                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục