"Mặc dù giếng cổ ở đây chỉ được đào sâu từ 2-3m, nhưng nước không bao giờ cạn, cho dù các giếng khác quanh vùng có thể cạn trơ đáy. Có thể nói, hệ thống giếng cổ - giếng làng quê ông, nói nôm na đó chính là "nguồn mạch" đã tạo nên "bản sắc" con người vùng đất này" - ông Phan Lý Đại, người làng Cát Thủy (Hà Tĩnh) cho biết.

 

Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu tại Hà Tĩnh, các nhà khảo cổ và nghiên cứu văn hóa đã phát hiện hệ thống giếng cổ mang đậm yếu tố kĩ thuật của Chăm Pa. Các giếng cổ này được phát hiện tại các làng Cát Thủy, Gia Phú, Chợ Ang, cách khu di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) trên dưới 1.700m về hướng Đông Bắc. Trong khi các nhà khảo cổ, nhà văn hóa đang tiếp tục nghiên cứu, thì qua những gì chúng tôi tìm hiểu được trong cư dân ở các vùng này phát hiện một số chuyện khá lý thú quanh các giếng cổ này.

Theo khảo sát, giếng cổ tại các làng Cát Thủy, Gia Phú, Chợ Ang có cấu trúc hình vuông, thành giếng được ghép đá phiến và đá cuội, đáy thành kè gỗ và đáy giếng cũng được lát bằng gỗ. Hiện tại, giếng làng Cát Thủy là còn nguyên vẹn nhất so với các giếng khác. Hiện nay, giếng này vẫn đong đầy, nước trong veo, ngọt mát lạ kỳ.

Bà Phan Thị Luận (85 tuổi), nhà ở ngay cạnh giếng, cho biết: Bà về làm dâu ở đây từ khi 17 tuổi, nhưng suốt mấy chục năm qua bà chưa bao giờ thấy giếng bị cạn, mặc dù có nhiều năm hạn hán triền miên. Giếng đã cung cấp nước cho không chỉ làng Cát Thủy mà còn cho người dân các vùng lân cận như Xuân Mỹ, Hồng Lộc,… Ngày trước phía sau giếng có một ngôi đền. Mỗi khi có lễ tế, dân làng phải dùng nước giếng lau chùi khí tự (đồ thờ), dùng nước giếng nấu các đồ cúng,… Mặc dù bây giờ nhiều nhà trong làng đã có giếng khoan, nhưng nước giếng khoan chủ yếu dùng để tắm giặt, sinh họat, còn nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng trong việc ăn uống.

Bà Luận tự hào: "Chú ở xa đến không biết, chứ nếu ở đây mới hay. Người Cát Thủy không biết có phải vì được dùng nước giếng ni không chứ trai thì thanh gái thì lịch hơn hẳn các vùng khác", nói rồi bà Luận ngân nga: "Cát Thủy gạo trắng nước trong/ Em về Cát Thủy thong dong con người". Tháng 4/2009, xung quanh nền giếng có dấu hiệu sạt nứt nên dân làng đã quyên góp tiền làm lại nền và xây miệng giếng thành hình tròn.

Bà Phan Thị Luận đang kể chuyện về giếng cổ làng Cát Thủy.

Ông Phan Lý Đại (71 tuổi) - một nhà giáo về hưu, được xem là người chép sử của Xuân Viên. Ông Đại cho hay, mặc dù giếng cổ ở đây chỉ được đào sâu từ 2-3m, nhưng nước không bao giờ cạn, cho dù các giếng khác quanh vùng có thể cạn trơ đáy. Dù chưa có một nghiên cứu cụ thể, nhưng có thể nói, hệ thống giếng cổ - giếng làng quê ông, nói nôm na đó chính là "nguồn mạch" đã tạo nên "bản sắc" con người vùng đất này. Như ông bà thường nói "nhất cận thủy, nhị cận sơn", trong đó Xuân Viên được nằm trong vùng có núi Hồng và sông Lam. Nếu ở làng Cát Thủy là đất của trai thanh gái lịch, thì làng Gia Phú là đất giàu có và dân đông, còn làng Mỹ Lộc lại là điểm phát tích của các mỹ tục và những người học rộng tài cao,…

Ông Đại cho biết: "Nói đây không phải việc mê tín, chứ giếng làng ở vùng ni có linh khí và linh thiêng. Không biết có phải trùng hợp không, nhưng cách đây mấy năm, không hiểu sao người ta lại "bỏ bê" và lấp mất giếng ở Mỹ Lộc. Từ đó người làng này hay xảy ra tai nạn, sắp tới dân làng định khơi lại giếng".

Trước đây, Xuân Viên còn có một lễ hội độc đáo là hội Vực Thuồng Luồng. Lễ hội bắt đầu vào ban đêm, vào một ngày trong năm không định trước. Lúc này, cư dân các vùng: Mỹ Dương, Tả Ao, Tiên Cầu, Uy Vực,… tổ chức thành nhiều đoàn người mang nơm, nhủi, rổ,… đổ về Vực Thuồng Luồng đánh bắt cá. Đến sáng sớm hôm sau, số cá thu được sẽ đem về, dùng nước giếng làng làm sạch, nấu chín đem cúng thần linh tiên tổ.

Ông Đại tự hào: "Cho đến bây giờ, nhiều phong tục không còn, nhưng có một điều là người ở vùng đất ni vẫn đôn hậu, hiền hòa và hiếu học. Hiện thời xã Xuân Viên có 6 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 300 cử nhân. Đặc biệt, riêng Xuân Viên có tới 400 nhà giáo, không dễ mấy vùng đất có được!".

Nói về di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi, theo ông Phan Lý Đại, sẽ còn nhiều điều bí ẩn và lý thú cần được khám phá. Khoảng 10 năm trước, tại các cồn Trạng Đội, cồn Trạng Vạn, nương Làng Kho,… người đi đào đồ cổ đã đào được rất nhiều đồ gốm, sứ như: vò, thạp, bát, đĩa,…

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang tiếp tục khai quật khảo cổ, nghiên cứu di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi và đã phát hiện nhiều hiện vật thể hiện đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài việc phát hiện giếng cổ mang yếu tố kĩ thuật Chăm Pa được phát hiện tại Xuân Viên, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được hàng chục giếng khác tại huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà,…

Có mối liên hệ giữa di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi và hệ thống giếng cổ mang yếu tố kỹ thuật Chăm Pa? Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng trong tương lai không xa sẽ hé lộ nhiều điều lý thú về vùng văn hóa này

 

                                                                                         Theo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục