Dinh tỉnh Gò Công hiện đang dùng để nuôi chim yến.

Dinh tỉnh Gò Công hiện đang dùng để nuôi chim yến.

Nếu cụ Nguyễn Du sống lại, ắt hẳn cụ cũng lại phải thốt lên trước cảnh người ta cư xử với những công trình kiến trúc cổ được xây dựng cùng thế kỷ với cụ trên đất đồng bằng. Do nghèo, do nhận thức, hay gì gì nữa mà người đồng bằng đang đánh mất dần những báu vật của tiền nhân để lại!

Đồng bằng Nam Bộ là vùng đất mới được bồi đắp bởi phù sa sông Cửu Long, nên được gọi là đất “phù sa mới”. Lịch sử khai phá vùng đất này mới chỉ trên dưới 300 năm. Hơn 100 năm đầu tổ tiên người đồng bằng phải tập trung khai phá rừng hoang thành ruộng đất, rồi lập làng, lập ấp, chưa xây dựng nổi những công trình bề thế, vì vậy mà những kiến trúc xưa nhất được ghi nhận ở đây cũng chỉ có tuổi 160 – 170 năm. Nền đất phù sa mới không vững chắc, khí hậu nơi đây lại ẩm thấp, rồi chiến tranh tàn phá... là những nguyên nhân làm cho các kiến trúc cổ ở đồng bằng còn rất ít. Xót xa hơn, khi chính bàn tay con người đang góp phần xoá dần những di tích lịch sử văn hóa còn sót lại nơi đây!   

Bài 1: Những điều trông thấy

Nỗi lòng một nhà văn

Long An là tỉnh thuộc loại nghèo kiến trúc cổ nhất đồng bằng, những công trình có tuổi trên dưới 100 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cách đây 25 năm, khi về định cư ở Tân An, tôi rất thích ngôi nhà cổ “dinh Tổng Thận” nằm ngay trung tâm thị xã. Ngôi nhà bề thế này nổi tiếng không chỉ vì “cổ” và rất đẹp, mà còn do là di tích LSVH – nơi đặt cơ quan đầu não tỉnh Long An trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Thỉnh thoảng tôi đến thăm bạn là nhà văn Mặc Tuyền đang sống tập thể nơi đây. Anh rất tự hào vì được sống (dù sống tập thể) trong ngôi nhà “có giá trị” nhất tỉnh Long An.

Ban đầu ngôi nhà cổ dinh Tổng Thận còn khá nguyên vẹn. Rồi những viên gạch bong ra, những tấm ngói bị bể, cửa sổ bị gãy bản lề... Rồi nhà bị dột nát, kết cấu gỗ bị mục gãy, anh bạn nhà văn phải dọn đi sống nơi khác. Mới đây, anh Mặc Tuyền đã thẫn thờ suốt mấy ngày khi chứng kiến cảnh người ta san bằng tòa nhà 117 năm tuổi để xây lại tòa nhà mới (theo mẫu cũ). Cách dinh Tổng Thận hơn trăm mét là một kiến trúc cổ khác – dinh tỉnh thời Pháp. Công trình này đã được trùng tu bằng cách xây đắp thêm cho thật giống với kiến trúc hiện đại, dùng làm trụ sở UBND tỉnh.

Cách đây 15 năm, cũng nhà văn Mặc Tuyền đã cộng tác với đạo diễn Lê Văn Duy làm bộ phim nhiều tập Nàng Hương, các anh đã chọn “xóm nhà giàu” (ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) làm cảnh quay chính, vì ở đó có những ngôi nhà cổ bề thế đúng “gu” các anh. Mới đây, khi trở lại thăm “chiến trường xưa”, anh Mặc Tuyền đã sững sờ khi chứng kiến cảnh đổ nát của các ngôi nhà cổ, thậm chí có ngôi không còn ai dám vào vì có thể sập bất cứ lúc nào.

Dinh Tổng Thận trước khi bị đập bỏ.
Dinh Tổng Thận trước khi bị đập bỏ.

Để hạn chế sự tàn phá của nắng mưa, ngành chức năng tỉnh Long An đã cho che mái tôn trùm lên ngôi nhà. Có thể chẳng bao lâu nữa các ngôi nhà này cũng chịu chung số phận với dinh Tổng Thận. Cũng tại Long An, người ta đã “nhẹ nhàng” tháo dỡ bán sắt vụn 2 cây cầu sắt do Hãng Eiffel xây dựng năm 1886 cho xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chạy qua sông, mặc dù trước đó không lâu xe các loại vẫn có thể qua cầu. Một di tích khác có số tuổi trăm cũng đang “hấp hối” là đồn Rạch Cát, công trình phòng thủ bên sông Soài Rạp từng hiện đại nhất Đông Dương vào đầu thế kỷ trước.

Thôi rồi phố cổ Gò Công!

Tiền Giang là tỉnh còn nhiều kiến trúc cổ nhất đồng bằng. Vào năm 2002, Tổ chức JICA (Bảo tồn văn hóa và y tế) Nhật Bản đã khảo sát và ghi nhận còn 350 ngôi nhà cổ ở Tiền Giang, trong đó gần 2/3 ở thị xã Gò Công. Do là “gò” (vùng đất cao), cách không xa biển, nên Gò Công được các lưu dân miền Trung vào Nam khẩn hoang dừng chân khá sớm. Thị xã Gò Công ngày nay từng có tên “làng Thành Phố” cách đây khoảng 2 thế kỷ. Từ năm 1862, làng Thành Phố trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công. Nhờ đó mà các công trình kiến trúc cổ được xây dựng dày đặc nơi đây. Thế nhưng, hầu hết nhà cổ ở Gò Công đều xuống cấp nặng và đang biến mất với tốc độ chóng mặt.

Tôi đã đứng thẫn thờ rất lâu trước “dinh tỉnh Gò Công”, một kiến trúc cổ thuộc loại đồ sộ nhất đồng bằng, đang “thoi thóp”. Nhìn tòa nhà hơn 110 năm tuổi đầy thương tích, tôi liên tưởng tới “dinh Tổng Thận” ở TP.Tân An, nó cũng từng mang hình hài như vậy trước khi bị phá bỏ.

Dẫu biết phải tốn cả đống tiền để trùng tu công trình đồ sộ này, nhưng chẳng lẽ đành bó tay đứng nhìn tòa nhà rệu rã. Cách “dinh tỉnh” vài trăm mét, tại giao lộ Hai Bà Trưng – Nguyễn Trãi là 2 ngôi nhà cổ thuộc loại lớn ở Gò Công, một sắp sụp đổ, còn một xuống cấp nặng. Cổ nhất ở Gò Công là ngôi nhà số 113 đường Nguyễn Huệ, được xây dựng năm 1852 và nó cũng đang “kêu cứu”. Cách đó không xa, nhà của ông Bùi Doãn Cung xây dựng năm 1895 có diện tích 300m2 cũng đang dột nát! Theo một cán bộ bảo tàng ở Gò Công, chỉ cách đây 10 năm trên nhiều tuyến đường trung tâm thị xã như Phan Bội Châu, Lý Tự Trọng còn rất nhiều nhà cổ. Bây giờ chỉ còn vài căn đã bị cắt xén 2 bên. Ý tưởng về một khu phố cổ ở trung tâm thị xã Gò Công coi như đã mất!

Cũng tại xứ Gò Công xưa (xã Đồng Thạnh - huyện Gò Công Tây), ba ngôi nhà lầu được xây dựng cách đây gần 100 năm cũng đang kêu cứu. Chủ nhân của những tòa nhà này đều là phụ nữ: Lầu bà Chín Đào, lầu bà Tám Huê và lầu bà Năm. Nơi đây từng là vùng đất giàu có, là quê hương của Nam Phương Hoàng hậu, những ngôi lầu cổ còn sót lại là chứng tích của một thời hoàng kim... Thế nhưng, những “cổ lâu” này đang bị sử dụng làm cơ quan, không được đối xử như di tích, để mặc nó xuống cấp.

Và phiên bản dinh Tổng Thận mới xây.
Và phiên bản dinh Tổng Thận mới xây.

Đệ nhất cổ lâu

Cũng nhà văn Mặc Tuyền đã khuyên tôi nên thu xếp đi về xã Đại Điền – huyện Thạnh Phú (Bến Tre) để thăm ngôi nhà cổ từng được mệnh danh “đệ nhất cổ lâu” ở đồng bằng, kẻo sau này phải tiếc vì không được 1 lần ngắm nhìn nó. Ngôi nhà được cất cách đây trên 110 năm, hình chữ nhật chu vi trên 100 mét. Hiện phần còn nguyên vẹn nhất là nền nhà cao 1 mét được viền bọc bởi những thớt đá xanh dài 3 mét gắn kết với nhau.

Sau bao năm chống chọi nắng mưa, ngôi nhà “đệ nhất cổ lâu” đang rệu rã! Muốn có tiền tỉ trùng tu ngôi nhà, trước hết nó phải được công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia. Thế nhưng, từ năm 2002 tới nay mà hồ sơ đề nghị công nhận di tích vẫn chưa làm xong. Nguyên nhân: Chưa có sự đồng thuận trong dòng tộc chủ ngôi nhà; cần nhiều thời gian để vẽ chi tiết, nội thất ngôi nhà, làm hồ sơ... Trong 8 năm ấy, để bảo vệ ngôi nhà, Bảo tàng Bến Tre cho người đến xịt thuốc chống mối mọt. Số phận của ngôi “đệ nhất cổ lâu” này chưa biết sẽ ra sao.

Du khách trước dấu tích bộ phim “Người tình”.
Du khách trước dấu tích bộ phim “Người tình”.

Cũng liên quan tới chuyện không có sự đồng thuận của gia đình, có một chuyện buồn khác ở Tiền Giang. Ngôi nhà cổ ở xã Vĩnh Kim – huyện Châu Thành (của ông Trần Đình Túy - ông ngoại vợ Bác Tôn) được công nhận di tích LSVH cấp tỉnh do ghi dấu những sự kiện: Nơi Bác Tôn gái (cô giáo Đoàn Thị Giàu) trú ngụ thời trẻ; nơi tổ chức đám cưới Bác Tôn; nơi Bác Tôn hoạt động cách mạng giai đoạn 1921 - 1928;... Đặc biệt, ngôi nhà này còn là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc dừng chân cùng ông Trần Đình Túy bàn quốc sự. Vào năm 1986, ngôi nhà 5 gian này còn khá nguyên vẹn. Thế nhưng, sau đó nó dần bị hư mục, chủ nhà phải dỡ bỏ bớt 2 gian và hiện đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Mái ngói âm dương đã bị bể nhiều, mưa dột nhiều nơi; một số cột gỗ dầu bị mục... Ngôi nhà hiện do người cháu đời thứ tư của ông Trần Đình Túy làm chủ.

Theo Sở VHTTDL Tiền Giang, cơ quan này đã gợi ý hỗ trợ tiền sửa chữa nhà 50 triệu đồng nếu gia đình tiếp tục ở trong ngôi nhà hoặc hỗ trợ toàn bộ kinh phí trùng tu nếu gia đình giao hoặc bán ngôi nhà cho Nhà nước. Nhưng chủ nhà không đồng ý. Vậy là ngôi nhà cổ cũng là di tích LSVH ấy cứ tiếp tục điêu tàn trước những toan tính.    

                                                                           Theo Báo Laodong

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục