Bà Raymonde Dien

Bà Raymonde Dien

Với toàn thể dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi. Tấm gương suốt đời hy sinh của Người vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc là hình mẫu để các thế hệ mai sau tiếp tục học tập và làm theo. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đã có dịp gặp gỡ các nhân chứng, các bạn bè Pháp có những kỷ niệm sâu sắc với chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Những kỷ niệm không phai

Chung tôi gặp bà Raymonde Dien, người có vinh dự lớn được gặp Bác Hồ cách đây hơn nửa thế kỷ. Cái tên Raymonde Dien đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng quốc tế cao đẹp nhất. Cách đây hơn 61 năm, vào ngày 23-2-1950, tại nhà ga Saint Pierre des Corps, gần thành phố Tours cổ kính ở miền trung nước Pháp, người nữ đảng viên cộng sản Pháp Raymonde Dien đã có hành động phi thường nằm chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp gây ra. Bà bị bắt, bị giam cầm ở nhiều nhà tù. Hành động quả cảm của Raymonde Dien gây xúc động cho hàng vạn, hàng triệu người yêu chuộng hòa bình ở Pháp và trên toàn thế giới. Các cuộc biểu bình phản đối việc bắt giữ Raymonde Dien nổ ra khắp nơi trên các thành phố lớn của Pháp. Đảng Cộng sản Pháp tổ chức nhiều hoạt động đòi trả tự do cho Raymonde Dien, Henri Martin, những chiến sĩ dũng cảm đấu tranh vì hòa bình. Sau 10 tháng giam giữ, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho Raymonde Dien.

Tháng 10-1956, Raymonde Dien và Henri Martin được mời dự Đại hội thanh niên Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Bà nhớ lại : Chúng tôi bay tới Bắc Kinh và từ đó đi tàu đến Hà Nội ngày 23-10. Chúng tôi thật ngỡ ngàng trước sự đón tiếp của các bạn. Tại sân ga Hàng Cỏ, đã có hàng nghìn người chờ sẵn. Cả một rừng hoa vẫy chào chúng tôi. Ai cũng muốn bắt tay, ôm hôn chúng tôi. Các em nhỏ tặng chúng tôi những bó hoa tươi thắm nhất và đọc những bài thơ bằng tiếng Việt thật truyền cảm. Đến đây, chúng tôi mới hiểu rằng, mặc dù đất nước Việt Nam bị tàn phá, mặc dù có nỗi đau của nhiều gia đình có người thân bị thực dân Pháp giết hại, mặc dù có những nỗi khổ cộng lại do sai lầm của những kẻ thực dân và chính sách sai lầm của nhà cầm quyền Pháp, nhưng nhân dân Việt Nam không lẫn lộn giữa nhân dân Pháp tiến bộ và những kẻ thực dân chịu trách nhiệm của cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy.

Trong thời gian dự đại hội, vào một buổi sáng, chúng tôi được mời tới thăm nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc nhận được lời mời ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đón chúng tôi cùng với ông Phạm Văn Đồng. Chúng tôi nhớ mãi lần đầu gặp Bác Hồ. Bác mặc bộ quần áo sáng mầu, chòm râu bạc, đeo đôi dép cao-su. Nhìn thấy chúng tôi, Bác Hồ bước tới, nở nụ cười thật tươi. Bác ôm chúng tôi, gọi chúng tôi là con, hỏi thăm gia đình chúng tôi, các đồng chí, bạn của Bác như Marcel Cachin, Maurice Thorez, Jacques Duclos, Léo Figuères, Madeleine Riffaud, v.v.

Biết tôi quê ở Tours, Bác sung sướng kể cho chúng tôi nghe là Bác từng đến Tours. Người cũng đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tổ chức ở Tours tháng 12-1920. Bác cảm ơn Đảng Cộng sản Pháp, giai cấp công nhân Pháp đã tạo điều kiện cho Bác đi những bước đầu tiên trên con đường tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản. Người kể rằng khi tới Paris lần đầu tiên, Bác mới 21 tuổi. Và cùng với giai cấp vô sản Pháp mà Bác đi những bước đầu tiên tới chủ nghĩa cộng sản. Hồi ấy, Bác còn chưa biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi cảm thấy Bác thật gần gũi. Bác tặng tôi một chiếc vòng bằng ngà và chồng tôi một chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp. Chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt sau hơn nửa thế kỷ. Tôi vẫn giữ gìn những kỷ vật ấy như những quà tặng vô giá nhất của cuộc đời mình.

Cũng vào dịp kỷ niệm sinh nhật tôi lần thứ 21, ngày 13-5-1950, khi tôi đang ở trong tù, Bác Hồ gửi tặng tôi một bức ảnh của Người với lời đề tặng : Ước muốn lớn nhất của Việt Nam là tiếp bước con đường của cuộc cách mạng Pháp năm 1789, theo tinh thần kháng chiến và giải phóng.

Bác Hồ mất vào ngày 2-9-1969. Người không được chứng kiến thắng lợi cuối cùng của dân tộc mình, một thắng lợi mà Người luôn vững tin và luôn dành từng giây phút trong cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người cũng đóng góp vai trò quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân toàn thế giới vào hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Người có câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bác Hồ luôn nhắc lại rằng thắng lợi của cách mạng Việt Nam là nhờ sự đoàn kết của bạn bè trên khắp 5 châu. Nhờ tình đoàn kết này, trước tiên là nhờ lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình mà nhân dân Việt Nam giành chiến thắng cuối cùng trước thực dân Pháp. Bác Hồ là một con người đáng kính với những đức tính giản dị, khiêm tốn, tốt bụng và độ lượng.

Tôi còn nhớ như in lịch sử rằng, cách đây gần 81 năm, tại đại hội Tours, một người Annam trẻ tuổi đã yêu cầu Đảng Xã hội Pháp đưa ra thảo luận các vấn đề liên quan chế độ thuộc địa. Đại biểu trẻ tuổi này lên án những tội ác dã man do thực dân Pháp gây ra ở đất nước mình: 20 triệu người dân Annam bị bóc lột tệ hại, bị đầy đọa, bị đầu độc bởi rượu và thuốc phiện, bị giam hãm trong ngu dốt và thân phận nô lệ. Đại biểu ấy có tên là Nguyễn Ái Quốc, tức người yêu nước, người mà 25 năm sau được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh, Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 29-12-1920, tại Đại hội Tours, Đảng Cộng sản Pháp đã thành lập. Nguyễn Ái Quốc là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Nước Pháp và nhân dân Việt Nam gần gũi với Người biết bao. Trái tim tôi luôn hướng về Bác Hồ và nhân dân Việt Nam, mãi mãi.

Một tầm vóc phi thường

Nhà sử học Alain Ruscio là người nhiều năm nay gắn bó với Việt Nam. Từng làm phóng viên thường trú báo l’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ở Việt Nam đầu thập niên 1980 và trở lại Việt Nam nhiều lần để tìm hiểu tình hình, Alain Ruscio rất am hiểu lịch sử Việt Nam. Hàng chục cuốn sách do Alain Ruscio viết về đất nước và con người Việt Nam đã được xuất bản tại Pháp trong thời gian qua. Với Alain Ruscio, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một lãnh tụ vĩ đại của thế kỷ 20 mà ông hằng ngưỡng mộ. Nhà sử học Alain Ruscio cho rằng : Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi Người luôn kiên quyết thực hiện những lý tưởng cao đẹp: đó là hành động vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Dù gặp muôn vàn khó khăn, cản trở trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người vẫn kiên định mục tiêu đó bằng lòng chân thành. Với tư cách là nhà báo và nhà sử học, tôi đã gặp và phỏng vấn rất nhiều nhân vật của lịch sử, kể cả các đối thủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều tôi tâm đắc nhất qua các cuộc gặp ấy là tất cả mọi người đều thừa nhận sự chân thành của Người. Dù trong mọi hoàn cảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sẵn sang đối thoại để tìm kiếm và ưu tiên giải pháp hòa bình. Điều đó vô cùng quan trọng.

Một phẩm chất cao quý khác của Bác Hồ là đức tính khiêm tốn của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ăn mặc giản dị, không bao giờ đòi hỏi những bộ trang phục đắt tiền, những biệt thự, lâu đài sang trọng. Người luôn nghĩ rằng, một nhà lãnh đạo, trước hết là một người cộng sản phải sống và sinh hoạt như đồng bào mình. Đây là một bài học quý báu cho tất cả mọi người.

Tôi có may mắn được tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ở Đại sứ Pháp Việt Nam tại Pháp. Tôi vô cùng tâm đắc với bài phát biểu của ông Phó Tổng Giám đốc UNESCO Hans D'Orville tại lễ kỷ niệm. Trong bài phát biểu, ngài Hans D'Orville đã nói rằng: Thế hệ của ông luôn coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu lý tưởng để phấn đấu và học tập. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy thế hệ ông sống và làm việc, đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc trên toàn thế giới. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc được học tập tấm gương hy sinh sáng chói của Người vì dân tộc, vì tình đoàn kết quốc tế cao cả. Chính lòng tin mãnh liệt của nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đối với sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cội nguồn chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước mọi kẻ thù, dù mạnh đến đâu.

 

                                                                                        Theo ND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục